Người mẫu thời trang: Em là ai?
14:08' 04/06/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Còn nhớ hồi tháng 10/2001, vụ gái gọi cao cấp "xưng danh" là người mẫu đã khiến dư luận xôn xao rồi sau đó lại có thông tin rằng không có ai trong số họ là người mẫu hay diễn viên cả. Lý do là một số ít trong họ đã từng biểu diễn thời trang ở... quán bar và tự xưng là người mẫu để dễ dàng... mặc cả hơn. Vậy, ai và thế nào thì mới được gọi là người mẫu? làm thế nào để quản lý được đội ngũ ngày càng "hùng hậu" đi theo công việc chưa bao giờ có trong danh mục hành nghề của Bộ LĐTB&XH này?

Câu trả lời chắc cũng không dễ dàng có được cho dù ngày mai (5/6), tại Hà Nội sẽ diễn ra một hội nghị bàn về việc quản lý hoạt động người mẫu đang phát triển theo hướng tự phát.

Nghề người mẫu: ước mơ vươn tới một ngôi sao!

Dương Yến Ngọc đã trở thành một người mẫu nổi tiếng sau cuộc thi "Hoa hậu Phụ nữ qua ảnh".

Nói về khái niệm người mẫu ở Việt Nam có thể tóm gọn thế này: dễ nhìn, hơi cao đến rất cao, được mặc quần áo đẹp và thích nổi tiếng! Chưa vội nói về chuyện người mẫu có được coi là một nghề hay không nhưng rõ ràng là vài năm trở lại đây, những hoạt động văn hoá văn nghệ hay thời trang có sự tham gia của những người mẫu rất nhiều. Người mẫu xuất hiện thường xuyên ở trên các tạp chí lớn nhỏ, tô điểm cho những chương trình ca nhạc, trong các sàn diễn của quán bar, sàn nhảy và thường xuyên nhất lại là các buổi... hội nghị khách hàng, ra mắt sản phẩm hoặc chương trình triển lãm. Chương trình dành riêng cho các người mẫu thời trang biểu diễn thực sự rất ít, hiện tại mới chỉ dừng lại ở các tuần lễ thời trang Việt Nam hay tại vòng chung kết của một cuộc thi thiết kế thời trang nào đó mà số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, về mặt xã hội, người mẫu rõ ràng đã là một nghề "hẳn hoi" vì đây là một công việc có thu nhập và có số lượng người "hành nghề'' cũng không ít.

Người mẫu - hơn nữa còn là một niềm ước mơ của rất nhiều bạn trẻ bây giờ: lúc nào cũng xinh đẹp, duyên dáng, cá tính và luôn luôn được hàng ngàn con mắt ngắm nhìn. Và điều quan trọng là nó không đòi hỏi một quá trình học tập quá khắt khe hay một trình độ cao siêu về cách thẩm định thời trang, chỉ việc mặc những chiếc quần áo đó vào và học cách đi lại vài vòng trên sân khấu. Cái quan trọng nhất là hình thức bên ngoài cộng với một chút chiều cao (ở Việt Nam, có không ít người mẫu chỉ cao 1,58m). Rồi nữa, người mẫu là một nghề dễ dàng nhất giúp cho những ai muốn trở thành sao và được nhiều người biết đến, ngưỡng mộ và ca ngợi (về hình thức). Người mẫu cũng không cần đầu tư quá nhiều thời gian cho công việc tập luyện, cứ đến giờ và đến lượt là ra rồi lại vào. Đơn giản quá! Mà nếu đã là người mẫu thời trang thì có nghĩa là phải rất trẻ, tuổi đời "hoàng kim" của nghề trung bình từ 16-22, không ai muốn nhìn một người mẫu... có nhiều nếp nhăn trong những bộ thời trang cả. Ở tuổi này, hầu hết những người mẫu đều đang ngồi trên ghế nhà trường. Nếu được hỏi, "Em làm nghề gì?", họ sẽ trả lời "Em là học sinh", "Em là sinh viên", "Thế còn người mẫu?", "À, em thích làm người mẫu thời trang vì đó là một hoạt động văn hoá lành mạnh, có ích, em coi đó như một công việc tay trái để cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn...". Và cũng mấy ai có ý nghĩ hoặc nói rằng họ sẽ là người mẫu cho đến khi... đầu bạc răng long!

Thực tế, người mẫu còn là cái thú sưu tầm của các đại gia hay... thiếu gia, là đối tượng "thích quen biết" của nhiều "giai cấp" khác nữa. Mỗi khi diễn thời trang hoặc biểu diễn một cái gì đấy không nhất thiết phải là thời trang đã là cơ hội để các người mẫu mở rộng mối quan hệ của mình. Và cũng vì tuổi còn trẻ nên có một số ít người mẫu sa vào những mối quan hệ "em - ông" hoặc "dính" những tay "xã hội đen" và rơi vào một cái vòng đầy hứa hẹn khác với những bất trắc khó lường. Lại có một số "gái gọi" cao cấp cũng xinh xinh, cao cao xưng là người mẫu (vì vừa "oách" mà lại chẳng bị ai kiểm tra, kiểm chứng), lại dễ "làm giá" hơn. Thực ra, những trường hợp như thế chưa nhiều nhưng cũng chính vì sự nổi tiếng nên những "xì căng đan" có liên quan đến hai từ "người mẫu" rất dễ được đồn thổi và lan rộng. Những người mẫu muốn làm nghề một cách nghiêm túc lại là đối tượng phải hứng chịu những thành kiến không mấy hay ho mỗi khi nhắc đến công việc của mình. Nhưng, phải lật lại, có mấy ai thực sự coi người mẫu với mình là một nghề nghiệp lâu dài? Một hiện thực: đa số những người mẫu hoạt động ở Việt Nam hiện nay đều rất lơ mơ với chính nghề nghiệp của mình cho dù bản thân họ có thực sự yêu thích và say mê công việc này. Bởi vì họ có tha thiết đến mấy thì rồi cũng đến lúc những gương mặt mới và khán giả sẽ bỏ rơi họ!

Người mẫu Thuý Hạnh, hiện làm việc tại công ty Elite Việt Nam - nơi chuyên tìm kiếm, đào tạo, quản lý và cung cấp người mẫu cho VietNamNet biết cặn kẽ hơn về hoạt động chung của người mẫu Việt Nam hiện nay: "Hoạt động người mẫu chưa được chuyên nghiệp nếu như không muốn nói là rất nghiệp dư. Công chúng chưa quan niệm đó là một nghề theo đúng nghĩa của từ này, cái nhìn của họ với  người mẫu còn rất thiếu thiện cảm. Đối với những người mẫu thực sự yêu thích nghề, điều này khiến họ thấy mặc cảm với bản thân. Theo tôi, làm nghề nào cũng cần phải có sự lao động, bỏ công sức và cả sự hy sinh...!"

Vậy có nên cấp thẻ hành nghề cho người mẫu? Theo Thuý Hạnh thì việc cấp thẻ này thực sự không cần thiết bởi xét về mặt thực tế, cũng như những chiếc thẻ hành nghề cho các nghệ sĩ ở lĩnh vực khác đã không đạt được hiệu quả. Cái quan trọng nhất để chuyên nghiệp hoá đội ngũ người mẫu phải bắt đầu từ chính những người làm nghề, nghĩa là họ phải thuộc một tổ chức hay một công ty nào đó và cần chấm dứt ngay hoạt động biểu diễn tự do (tự "móc" show, gọi nhau đi diễn, tự mặc cả bản thân mình). Họ sẽ hoạt động theo quy định của đơn vị quản lý đó và khách hàng nếu có nhu cầu sẽ liên hệ trực tiếp và thực hiện mọi khâu "hậu cần" với đơn vị này. Và như thế, dần dần những người mẫu tự do sẽ mất chỗ đứng. Từ những điều cơ bản như vậy, công chúng sẽ có một thái độ nhìn nhận nghiêm túc với nghề người mẫu.

Từ tháng 10/2002, Elite Việt Nam đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện người mẫu dạng câu lạc bộ với quân số khoảng 15 học viên/lớp với 2 khoá học cơ bản, 2 tháng nâng cao và 3 tháng siêu mẫu. Hiện tại, số học viên cũng chỉ dừng lại ở vài lớp và chưa có ai được "lên đai" siêu mẫu cả.

Tương tự như Elite, Công ty Cát Tiên Sa là một đơn vị thường xuyên tổ chức những cuộc thi tìm kiếm người mẫu và những chương trình biểu diễn thời trang có nhiều người mẫu tham gia. Ông Nguyễn Quang Minh - Tiến sĩ nghệ thuật học, Giám đốc Công ty cho rằng: "Nếu cho rằng hoạt động người mẫu đang tự phát thì không hẳn, bởi đã có những cuộc thi dành riêng để tìm kiếm và tôn vinh người mẫu, vậy thì đây là một nghề đang trên đà chuyên nghiệp hoá. Nhưng để đạt được mục đích ấy thì cần làm nhiều việc: phải có trung tâm đào tạo, đào tạo với quy trình và quy mô chuyên nghiệp. Cần thiết nhất và hiện đang thiếu nhất chính là vai trò quản lý Nhà nước. Tiếp đến đó là "đầu ra", nghĩa là các sân khấu thời trang mang tính đều đặn, thị trường dệt may thời trang trong nước phát triển. Cũng như những lĩnh vực khác, người mẫu cần có hiệp hội, tạp chí riêng để thể hiện thông tin hai chiều giữa những người làm nghề với công luận..."

Làm thế nào để "phát" mà không... tự phát?

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Lao Động gần đây, một quan chức của Cục VHTT cơ sở cho rằng: "Hầu hết các hoạt động của người mẫu (bao gồm cả nam và nữ) đều phát triển theo kiểu manh mún, không được đào tạo bài bản, phần lớn đều bắt chước nước ngoài". Vậy ở nước ngoài, họ đào tạo và quản lý người mẫu theo cách nào? Một điều chắc chắn, họ cũng không cấp thẻ hành nghề cho người mẫu nhưng ngành nghề này dĩ nhiên được chấp nhận và tôn vinh. Các kênh truyền hình chuyên về thời trang trực tiếp 24/24 tiếng, các người mẫu nổi tiếng có thể đạt được mức tiền cat-xê "ngút trời" không chỉ khi diễn thời trang mà cả khi xuất hiện trên các tạp chí chứ không "nói giá ra thì ngượng lắm, có khi người ta cười cho vào mặt" như cách mà người mẫu Thuý Hạnh nói khi được hỏi về mức cat-xê trung bình cho việc diễn thời trang của các người mẫu Việt Nam hiện nay.

Vậy, những người có trách nhiệm của các cơ quan chức năng nói gì? VietNamNet sẽ cùng quý vị bàn tiếp vấn đề này sau khi nghe những ý kiến của họ trong cuộc hội nghị ngày mai.

  • Hoàng Nhật Mai
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Múa Ea Sola có phải là múa đương đại Việt Nam? (04/06/2003)
Nhạc viện Hà Nội dựng vở opera đầu tiên (04/06/2003)
Tìm tài sắc cho diễn viên truyền hình (04/06/2003)
Triển lãm tranh của các nghệ sĩ...nhiếp ảnh! (04/06/2003)
Barbra Streisand đòi bồi thường 10 triệu USD vì bị chụp ảnh trộm (03/06/2003)
Khánh thành ''Ngôi nhà rông người Ba-Na'' tại Hà Nội (03/06/2003)
Hơn 335 tỷ đồng phát triển du lịch Côn Đảo (03/06/2003)
Cô gái xứ Thanh có duyên vào vai "đúp" (03/06/2003)
Hoàn thành tôn tạo Chùa Lân-Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử (03/06/2003)
Ricky Martin lại nổi đình đám với "Almas del Silencio" (03/06/2003)
Nhiều nghệ sĩ phản ứng với cuốn Lịch sử Điện ảnh Việt Nam (03/06/2003)
Linh Dung vẫn được chọn thể hiện bài hát SEA Games 22? (03/06/2003)
''Đối mặt'' - một cách nhìn về chiến tranh và hoà bình (03/06/2003)
Chương trình âm nhạc và múa truyền thống Thái Lan tại VN (02/06/2003)
Phim hoạt hình dẫn đầu bảng xếp hạng Bắc Mỹ (02/06/2003)
Tro ve dau trang