|
NSND Trung Kiên. |
Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Áo, sắp tới đây, Nhạc viện Hà Nội sẽ dựng vở opera Cây sáo thần của Mozart, đồng nghĩa với việc chấm dứt hai năm ''ngủ quên'' của nghệ thuật opera ở Việt Nam. Thời điểm này, NSND Trung Kiên, người giữ vai trò chỉ đạo dự án đang gấp rút bắt tay vào công tác dàn dựng. Báo giới vừa có cuộc trò chuyện nhanh với NSND Trung Kiên.
- Thưa ông, vì sao vở opera đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội lại là Cây sáo thần của Mozart?
- Đơn giản vì Mozart là người Áo. Một lý do khác, đó là một câu chuyện thần thoại về tình yêu rất gần gũi với Việt Nam, có giá trị nhân bản, vui và dễ hiểu. Nhiều nhạc kịch khác cũng rất hay nhưng chúng ta chưa đủ sức làm. Cây sáo thần tương đối vừa, tuy thế vẫn khó lắm. Nói chung là phải kê một cái thang thật cao lên mà... với!
- Có nghĩa, nếu không cẩn thận sẽ trượt ngã?
- Đúng thế. Trước khi vào việc tôi với chỉ huy dàn nhạc người Áo Wlofgang Groehs đã ngồi lại với nhau, tranh luận khá căng thẳng và... sòng phẳng. Ông ấy cương quyết thế này, tôi lại nhất định thế kia. Mình phải căn cứ vào thực lực của mình mà làm chứ, lãng mạn quá lại ngã đau!
- Trong Cây sáo thần, trách nhiệm của đôi bên được phân chia thế nào?
- Phía Việt Nam sẽ đảm nhiệm phần hát. Tôi trực tiếp dịch, dựng toàn bộ lĩnh xướng, tam ca, tứ ca... còn dàn nhạc do ông Wolfgang Groehs phụ trách.
- Rất nhiều khán giả của Cây sáo thần có thể không biết tiếng Đức. Vậy phần ngôn ngữ sẽ được xử lý thế nào?
- Tôi định làm cả hai cách. Một, hát bằng tiếng Đức, đối thoại bằng tiếng Việt và tôi đã tính đến việc dùng màn hình chạy chữ để thuyết minh như các nước vẫn làm. Hai, cả hát và nói đều bằng tiếng Việt, để khi các chuyên gia của Áo về, mình sẽ dàn dựng bằng tiếng Việt. Dĩ nhiên, nếu làm thế sẽ có hạn chế.
- Một số vở opera, ballet nổi tiếng của thế giới khi dàn dựng ở Việt Nam thường được Việt hoá một chút, còn Cây sáo thần?
- Chúng tôi sẽ không Việt hoá Mozart, nhưng trong chừng mực, có thể xê dịch một chút so với nguyên bản để tạo không khí gần gũi với Việt Nam, như trước đây ballet Kẹp hạt dẻ đã làm thành công. Chẳng hạn, những linh vật xuất hiện trong vở sẽ không theo kiểu châu Âu mà được thay bằng long, lân, quy, phụng. Ngay ông Wolgang Groehs cũng rất tán đồng ý tưởng này. Còn riêng phần hát phải giữ nguyên.
- Có một thực tế là ở Việt Nam, hầu hết các vở opera, ballet chỉ công diễn được vài ba buổi đã bị xếp kho. Liệu Cây sáo thần có gặp phải tình trạng tương tự?
- Nguyên nhân chính là do ta không có chỉ huy, đạo diễn Việt Nam để ''tiếp quản'' sau khi phía bạn đã về. Tôi cũng lo làm thế nào để có người tiếp quản vì như vậy mới mong biểu diễn lâu dài được. Tôi tính mời một đạo diễn kịch nói được học ở nước ngoài đến làm việc cùng với các chuyên gia Áo để tiếp quản dần dần. Nhưng tôi phải ''kèm'' thật chặt để ông ấy đừng có biến Cây sáo thần thành... kịch nói. Sau đợt diễn ra mắt, chúng tôi sẽ xin tài trợ để đi TP.HCM. Tôi đảm bảo, Cây sáo thần sẽ đáng đồng tiền bát gạo, mặc dù kinh phí đầu tư chỉ vài trăm triệu thôi.
(Theo Thanh Niên) |