Có một nghịch lý trong đời sống văn học thiếu nhi hiện nay là, những cuốn sách mà chúng ta (người lớn) đọc thấy hay thì trẻ em chẳng mấy mặn mà. Ngược lại, những cuốn các em say mê kỳ lạ thì người lớn đọc "không vô"...
Trừ một vài ngoại lệ, còn hầu như không một nhà văn nào trong suốt cuộc hành trình sáng tác của mình lại không có một đôi lần viết về thiếu nhi, viết cho thiếu nhi. Nhưng thành công thì không phải ai cũng đạt được.
Mấy năm gần đây có không ít những cuộc hội thảo sôi nổi nghiêm túc, đầy trách nhiệm về vấn đề này. Đặc biệt NXB Kim Đồng và NXB Trẻ đã có những nỗ lực thiết thực nhằm tạo nên những "cú hích" đột biến như tổ chức những cuộc thi với quy mô lớn, giải thưởng cao. Nhiều nhà văn vào cuộc và cũng nhiều nhà văn (sau khi vào cuộc) tự biết rằng, mình cần phải ngả mũ "chào thua" sớm.
Nói như vậy không có nghĩa là ở nước ta ngày nay không có những tác giả sáng giá. Hiện tượng viết sách được các em đón nhận nồng nhiệt như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không nhiều. Hơn thế, sách của Nguyễn Nhật Ánh chiếm lĩnh văn đàn cho thiếu nhi hàng chục năm nay, ra đều đều, in với số lượng lớn mà vẫn bán hết, riêng Kính vạn hoa dài tới 45 tập! Trong khi đó, nhiều nhà văn nói với tôi, đã "đọc thử" sách của Nguyễn Nhật Ánh, nhưng đọc mãi vẫn không vô! Lại có nhà văn bảo, thấy con đọc say sưa, mình lấy đọc "nghiêm túc" coi thử trong ấy có cái gì mà trẻ nó ham mê vậy, nhưng đọc không thể hết được! Tôi nghĩ, dứt khoát truyện Nguyễn Nhật Ánh phải có "cái gì đó" đặc biệt trong bút pháp, trong thủ pháp, trong lối hình thành câu chuyện, lối kể chuyện, cách nắm bắt tâm lý, sự thể hiện, "thế nào đó" mới khiến các em say mê đến vậy. Tôi đem điều băn khoăn này nói chuyện với mấy người bạn có nhiều thâm niên biên tập sách ở NXB Kim Đồng. Các bạn tôi bảo, hình như Nguyễn Nhật Ánh nắm được bí quyết quan trọng nhất, ấy là tâm lý lứa tuổi thiếu nhi và rất hiểu sở thích của các em. Có thể nói, các câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh quan tâm nhiều tới yếu tố giải trí, chọc cười. Nhận xét này theo tôi là khá xác đáng, nhưng hình như vẫn còn thiêu thiếu. Một người khác lại đưa ra nhận định: Đó là tài năng và tâm huyết, thêm nữa, là định mệnh, cơ duyên của mỗi ngòi bút! Trong văn học, chức năng giải trí là một chức năng đặc biệt quan trọng, nhất lại là văn học viết cho các em. Làm tròn được một chức năng giải trí "cỡ ấy" (cỡ Nguyễn Nhật Ánh) đã là quý hiếm lắm rồi. Nói vậy thì tôi chịu.
Chịu thì chịu, nhưng về tôi nghĩ, nó cứ hình như còn có chút "gì đó" khiến tôi ngờ ngợ, vì tôi vẫn cho rằng, đã là tác phẩm văn học hay thì tự nó sẽ vượt qua giới hạn của thời gian và tuổi tác. Thí dụ như Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, ở tuổi nào đọc cũng thấy hay, thấy khoái. Lại nữa, năm ngoái tôi đọc được cuốn Khúc đồng dao lấm láp của nhà văn Kao Sơn, một cuốn sách có sức cuốn hút rất mạnh đối với bản thân tôi, vì nó khơi dậy những ký ức tuổi thơ của thế hệ tôi. Tôi đọc cho con tôi nghe, nó khoái, nhưng bảo con tự đọc lấy đi, thì nó không mặn mà lắm. Tôi rất thích quyển sách này nên cũng hay gặp bạn là hỏi, tìm người đồng tình. Cũng ít người thích. Tôi vẫn lấy làm tiếc cho những người bạn của tôi không đồng cảm với cuốn sách rất hấp dẫn này, nhưng biết làm thế nào được. Trường hợp Nguyễn Nhật Ánh cũng thế, không phải mình tôi có trạng thái ngờ ngợ, mà hỏi các nhà văn, hỏi đi hỏi lại, vẫn chẳng mấy ai nói thẳng ra rằng quyển sách này của Nguyễn Nhật Ánh là HAY, quyển sách kia của Nguyễn Nhật Ánh là KHÔNG THÍCH, v.v... Họ đều chỉ trả lời là chưa (và cả không) đọc. Tất nhiên, đối tượng tìm đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh là con cái chúng ta chứ không phải chính chúng ta. Chúng ta chỉ cần mở ví ra là con chúng ta cười vui và cả (chú) Nguyễn Nhật Ánh cũng cười vui rồi! Thật là một thành công của sự lựa chọn.
Thế hệ chúng tôi không mấy ai không nhớ Chú bé người gỗ, Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Ka-rích và Va-li-a, Dôi-a và Su-ra, Ti-mua và đồng đội, v.v... cùng nhiều truyện thiếu nhi khác của Liên Xô (trước đây). Rồi tranh truyện của ta do họa sĩ Tạ Thúc Bình thể hiện. Cả tranh truyện Trung Quốc, đọc và xem mới hay và tuyệt vời làm sao. Tranh truyện hồi ấy đẹp và nghiêm chỉnh hơn bây giờ nhiều. Hay nói đúng hơn, ngày ấy chỉ có nghiêm chỉnh thôi. Bây giờ tranh truyện tràn lan, ngoài sức cuốn hút kỳ lạ của Đô-rê-mon còn có hàng chục đầu sách tranh truyện dài hàng vài chục tập lôi cuối các cháu vào mê hồn trận của các trò ảo đầy biến hóa ly kỳ. Gần đây, sức cuốn hút của Harry Potter đã khiến cả thế giới sững sờ. Nhiều bậc phụ huynh quá lo lắng về tác hại của tranh truyện (trong đó có tôi). Tôi thấy tranh truyện bây giờ tranh vẽ cẩu thả tùy tiện, lời lẽ thiếu hẳn chất văn học. Người ta ít quan tâm đến giá trị thẩm mỹ, mà chỉ quan tâm tới hành động và hành động mà thôi! Nhiều cuốn in ẩu, chữ và hình nhỏ li ti, cứ một vài trang lại thấy "Xèo!", "Bụp", "Oái!", "Tạch!", "Hự!", "Boôôp!", "Choang!", v.v... Động từ. Động từ và động từ!
Lo là lo vậy, nhưng thấy con thích thì bố mẹ lại chiều, đọc lướt qua "không thấy có gì tác hại" thì lại mở hầu bao ra, dẫu vẫn biết rằng cái lợi chẳng được là bao và trong cái sọ não non nớt của con mình, dấu ấn tranh truyện sẽ chỉ còn lại những động từ thay cho mọi thứ từ khác để hòa nhập vào thế giới hiện đại! Thế giới hiện đại cần nhiều động từ lắm thay!
(Theo TTVH)