Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hồng Linh có "duyên" với đề tài trẻ em
10:16' 01/06/2003 (GMT+7)

Một kỹ sư cơ khí, một giảng viên dạy môn "chi tiết máy", sau 13 năm tự học cầm máy ảnh theo dạng chơi tài tử, đã đoạt được 123 giải thưởng (24 giải trong nước, 99 giải quốc tế, trong đó có đến 18 giải vàng). Tạp chí Nhiếp ảnh của Hội Nhiếp ảnh Mỹ (PSA Journal) tháng 5/2003 vừa công bố: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hồng Linh của Việt Nam được xếp hạng 4 về thể loại ảnh trắng đen và hạng 23 thể loại ảnh màu trong danh sách 100 nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới năm 2002.

Tác giả Lê Hồng Linh

Cũng trong tháng 5/2003 này, anh đã có một tin vui đáng nhớ nữa: Gửi bốn ảnh dự thi, cả bốn đều đoạt giải (1 tượng vàng, 2 tượng bạc, 1 tượng đồng trong tổng số 1 vàng, 2 bạc, 3 đồng được ban giám khảo trao cho toàn giải) trong cuộc thi ảnh quốc tế do Hội Nhiếp ảnh Hongkong tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội Nhiếp ảnh Mỹ (PSA) và Hội Nhiếp ảnh Quốc tế (FIAP).

- Giải thích về sự thành công, nhiều người khiêm tốn cho rằng họ gặp may mắn. Còn anh, phải chăng sự may mắn nằm trong tính ngẫu hứng?

- Tôi cũng nghĩ rằng trong mọi thành công của con người đều ẩn chứa ít nhiều yếu tố may mắn bên cạnh những nỗ lực của bản thân. Những thành quả vừa qua đã đem lại cho tôi niềm vui và sự hưng phấn. Với tôi, việc chụp ảnh nghệ thuật không phải là ngẫu hứng mà là một sự lao động cần cù. Tôi làm việc này nghiêm túc và cực nhọc hơn tất cả những công việc khác. Những khi không cầm máy, tôi ở nhà nghiền ngẫm, nghiên cứu tìm tòi, nạp năng lượng, cố gắng tạo sự chuyển biến về chất cho từng khuôn ảnh. Vậy mà có khi đi cầu mong gặp "con cá lớn" nhưng lúc về chẳng bắt được gì. Song cho dù không được gì thì vẫn ít bị hối tiếc nếu mình đã chuẩn bị hết sức.


-
Theo anh, thế nào là một bức ảnh đẹp? Bởi người ta thấy có bức đoạt giải cao cuộc thi này nhưng lại bị loại ở cuộc thi khác?


- Đúng là không hiếm những trường hợp ảnh đã đoạt giải ở năm, sáu salon qua salon khác có thể bị rớt. Bởi nó rất phụ thuộc vào sự chủ quan của người cảm thụ, gặp tình huống người chụp và người chấm không cùng tần số. Thí dụ như ảnh khỏa thân mà thi ở các nước Hồi giáo thì sẽ rớt ngay. Theo tôi, bức ảnh đẹp là bức ảnh thuận với mắt nhìn và gợi được xúc cảm cho người xem. Cũng giống như con người, cái đẹp phải gồm đủ hai phần: hình thức (màu sắc, bố cục, ánh sáng, khoảnh khắc bấm máy...) và nội dung (tính tư tưởng). Một bức ảnh nếu chỉ đẹp hình thức mà không có nội dung cũng sẽ không sống được qua thời gian. Hai yếu tố này luôn gắn bó biện chứng với nhau.

- Khi chụp ảnh, giữa hình thức và nội dung, anh tiến hành theo trình tự nào?

- Có ảnh tôi xây dựng chủ đề, nội dung rồi đi tìm nơi để chụp. Thí dụ như trước cơn lốc đô thị hóa, nhiều nông dân mất đất. Họ bán đất cầm một cục tiền chia cho con, rồi mua xe, mua nhà nhưng liền sau đó là bi kịch vì họ không hội nhập được với cuộc sống đô thị. Tôi bức xúc muốn thể hiện đề tài này nhưng chưa biết phải làm sao. Một hôm đi qua Nhà Bè, thấy một ông già rầu rĩ ngồi bên mấy cái lu đựng lúa, khoai, chuẩn bị dời đi để nhường đất lại cho Khu Chế xuất Tân Thuận. Gặp đúng lúc mình đang bức xúc, tôi liền bấm. Bức ảnh này tuy không được giải nhưng được chọn triển lãm rất nhiều. Ai xem cũng hỏi tôi sao ông già này rầu quá vậy!

 

c phẩm Lớp học vùng ao của Lê Hồng Linh.
 

ó những bức ảnh tôi đang đi tình cờ bật ra ý chụp như bức ảnh hai bông hoa cà phê đang chụm vào nhau như hai con người tâm đầu ý hợp đang trò chuyện. Ảnh chụp tình cờ mà khá đẹp, được vài nơi mua. Khi ra Huế, tôi thấy trên bậc thang chùa Thiên Mụ có một bà cụ già đang chống gậy đi lên. Tôi chợt nghĩ bà đang đi trên bậc thang cuộc đời, đi cho đến tuổi già mà vẫn chưa hết bậc thang. Vậy là tôi chụp. Lúc ở Phan Rang, gặp một bà cụ già chống gậy phản chiếu ánh nắng chiều. Bóng bà in trên vách, cây gậy nằm ngang, tôi liền nghĩ đến trục hoành của cuộc đời...


- Anh thường thành công với đề tài trẻ em và cụ già. Đó là do tình cờ hay là chủ ý? Anh chụp rồi đi về có tiếp tục dõi theo số phận của người trong ảnh?


- Thật ra, với người cầm máy không ai dại gì tự chụp rồi đi về, khoanh vùng hạn chế mình. Cái gì đẹp thì chụp. Song tôi cũng xác định là khi hướng ống kính vào trẻ em bất hạnh, người già neo đơn là muốn chia sẻ phần nào nỗi đau của họ. Chụp ảnh họ cũng có nghĩa là lưu giữ họ, là không để họ mất đi. Vì vậy, khi chụp xong, tôi thường ghi chép đầy đủ thông tin về họ, sau đó theo dõi, nhất là đối với những người đã giúp mình đoạt giải. Với tôi, đề tài trẻ em còn đánh dấu những cái mốc trong sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi: Giải thưởng đầu tiên trong nước năm 1990 với bức Hồn nhiên và giải quốc tế đầu tiên năm 1995 với bức Đồng cảnh ngộ đều là đề tài trẻ em. Nhìn trẻ em thì ai cũng thích.


- Trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh với danh hiệu và hàng trăm giải thưởng quốc tế, anh vẫn là một thầy giáo cần mẫn về môn cơ khí. Vậy anh sáng tác ảnh vào lúc nào?

 

- Tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật và đi dạy liên tục từ hơn 20 năm nay. Những năm gần đây, tôi còn hướng dẫn nhiếp ảnh cho sinh viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh. Phần lớn thời gian của tôi là dành cho việc “lên lớp”. Tôi tận dụng những ngày nghỉ để đi sáng tác, thường chỉ trong phạm vi 300 cây số trở lại với thời gian tối đa là ba ngày. Nhiếp ảnh với tôi lúc đầu chỉ là chơi cho vui nhưng càng chơi càng thấy... ghiền. Dầu vậy, tôi vẫn không thấy có lý do gì để rời bục giảng. Hơn nữa, chính khoa học đã giúp tôi có được tính tỉ mỉ, sự chăm chút khi cho ra một tác phẩm nhiếp ảnh. 

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Linh

Quê quán: Dung Quất, Quảng Ngãi
- Đoạt huy chương Vàng quốc tế đầu tiên năm 1997 với bức "Mẹ và con"
- Được phong tước hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Quốc tế (AFIAP - 1998), Nghệ sĩ Nhiếp ảnh xuất sắc (EFIAP - 2001)
- 7 năm liên tục (từ 1997-2003) đoạt Huy chương Vàng Quốc tế.
 

 

(Theo NLĐ)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khan hiếm phim truyện thiếu nhi: cần một giải pháp đồng bộ (01/06/2003)
Các nghệ sĩ Ấn Độ tham gia chiến dịch chống thuốc lá (01/06/2003)
Tuồng thu hút người nước ngoài nhờ... phụ đề tiếng Anh (01/06/2003)
Cuộc đời Ernest Hemingway sẽ tái hiện trên 2 bộ phim (01/06/2003)
Nhớ ngày lễ Quốc tế thiếu nhi đầu tiên ở Việt Nam (01/06/2003)
"Truyện tranh Việt Nam sẽ mang tính chuyên nghiệp?" (31/05/2003)
Nga phản đối kết quả cuộc thi Eurovision Song Contest (30/05/2003)
Hoa nơi đồng nội, hoa giữa núi rừng... (30/05/2003)
Bonneur Trinh với album ''Em gái ngày xưa'' (30/05/2003)
Lần đầu tiên đào tạo cử nhân múa rối (30/05/2003)
''U.14 sẽ là thế giới dành cho thiếu nhi'' (30/05/2003)
Avril Lavigne có duyên với điện ảnh (29/05/2003)
Cây bút trẻ Kim Anh: ''Kịch bản hài, chê dễ, làm khó'' (29/05/2003)
"Phong cách và ngoại hình của các cô gái thời nay rất đa dạng" (29/05/2003)
Sẽ công bố cuốn tiểu sử mới về Công nương Diana (29/05/2003)
Tro ve dau trang