(VietNamNet) - "Theo tôi hầu như Việt nam chưa có truyện tranh đích thực. Thường là truyện tranh được gọi theo cách của người Việt Nam mà thôi, nhưng thực ra chỉ là truyện minh hoạ, nghĩa là chỉ lời dẫn truyện hoặc câu chuyện có hình ảnh minh hoạ ở bên". Đó là ý kiến của một hoạ sĩ người Pháp - ông Gerald Goridge.
Hoạ sĩ Gerald Goridge là giáo viên Khoa Truyện tranh trường ĐH hình ảnh Angouleme (Pháp), người khởi xướng dự án "Tranh dân gian Việt nam và truyện tranh Pháp" và trực tiếp giảng dạy cho 15 học viên Việt Nam trong thời gian 3 năm. Dự án vừa kết thúc cuối tháng 4/2003.
Sau khóa học này, quan niệm của các hoạ sĩ trẻ về truyện tranh và quy trình xây dựng truyện tranh cho thiếu nhi của các học sĩ trẻ Việt Nam có nhiều thay đổi. Họ nhìn thấy tương lai của tranh truyện Việt Nam vì một lượng lớn độc giả trẻ em vẫn chưa được khai thác hết.
Không chỉ những người có trách nhiệm mà ngay cả các hoạ sĩ trẻ cũng thấy rất... buồn khi trẻ em hiện nay cứ ôm Pokemon, Nữ hoàng Ai Cập, Conan... đọc ngấu nghiến cả khi ăn, khi ngồi sau xe máy của bố mẹ từ trường về và cười khúc khích. Trong đầu lại nảy ra một câu hỏi cũ rích đó là: Tại sao mình lại không làm được như họ là tự sáng tác được truyện tranh cho trẻ em của mình mà lại cứ phải đi nhập truyện của người ta về mà xuất bản và bao giờ có thể làm được điều này? (mặc dù NXB... nhờ vậy vẫn sống được!) Câu trả lời: Có thể là 5 năm hoặc 10 năm nữa thì ta có thể làm được vì khi đó, một đội ngũ họa sĩ làm tranh truyện chuyên nghiệp sẽ được hình thành.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có đội ngũ những người sáng tác truyện tranh một cách chuyên nghiệp như các nước khác trên thế giới. Phần lớn các hoạ sĩ vẽ tranh cho thiếu nhi là nghề tay trái, thậm chí có người cộng tác với các NXB chỉ bởi muốn thay đổi không khí và mới chỉ dừng lại ở "sở thích" chứ chưa phải là niềm đam mê thực sự. Hiện nay, 100% các hoạ sĩ ở ban truyện tranh của NXB Kim Đồng là các cộng tác viên!
Ở các trường mỹ̃ thuật sinh viên chỉ được học về truyện tranh gần như chỉ có tính chất "tham khảo" chứ chưa đưa vào chương trình môn học về truyện tranh hay khoa truyện tranh như nhiều nước khác trên thế giới.
Dự án "Tranh dân gian Việt Nam và tranh truyện Pháp" là nơi lần đầu tiên các họa sĩ Việt Nam (chủ yếu là các họa sĩ trẻ trong đó có một vài sinh viên năm cuối của trường Mỹ thuật công nghiệp) được tiếp cận với bộ môn này một cách bài bản, khoa học và mới mẻ. Vì thế, khi xây dựng dự án này tại Việt Nam, ông Gerald đã chú ý chia nội dung các bài giảng của mình ra làm nhiều phần khác nhau, mỗi năm ông đề cập đến một phần để các họa sĩ trẻ quen dần. Ông nói: "Tôi đã tiến hành thận trọng như vậy vì tôi biết rằng không ai tiếp nhận những vấn đề mới một cách ồ ạt. Phải bắt đầu từ sự đam mê rồi các bạn tìm ra cách làm hiệu quả. Các bạn có nhiều trẻ em muốn đọc truyện tranh, có NXB, có họa sĩ làm truyện tranh. Vậy là có tất cả". Những họa sĩ thực sự tâm huyết, đam mê với truyện tranh và theo đuổi cái nghiệp gian truân này hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong đó phải kể đến 2 họa sĩ trẻ Tạ Huy Long và Phùng Minh Trang - hai cộng tác viên tích cực của NXB Kim Đồng.
Tính chưa chuyên nghiệp còn được thể hiện ở chỗ: Cách làm truyện tranh truyền thống của Việt Nam là nhà xuất bản giao các kịch bản cho họa sĩ và hoạ sĩ tự thể hiện, vẽ theo tranh theo cốt truyện, thể hiện các ý tưởng của kịch bản sau đó đưa lại cho NXB duyệt chứ không thể tự sáng tác cốt truyện. Như thế có nghĩa các hoạ sĩ phụ thuộc rất nhiều bởi những yếu tố mang tính sắp đặt trước. Sự sáng tạo bởi vậy có nhiều hạn chế là không thể hiện hết được các ý tưởng hay, phát kiến nhỏ trong quá trình sáng tạo. Qua trò truyện với các họa sĩ theo học tại lớp của dự án trên được biết, nhiều họa sĩ trẻ hiện nay đang có xu hướng vươn tới việc có thể tự sáng tác được các cốt truyện và tự thể hiện bằng hình họa. Tức là, việc làm truyện tranh sẽ dần mang tính chuyên nghiệp, họa sĩ có thể tự đảm nhiệm công việc từ A đến Z. Song, họa sĩ Phùng Minh Trang thì băn khoăn rằng: "Không biết lúc đó NXB có chịu in cho mình không nữa?!"
Họ có nhiều dự định rất hay và dũng cảm là sẽ liên kết lại với nhau, cùng nhau làm việc để "giành giật" lại các em từ tay truyện tranh của Nhật Bản vốn chiếm lĩnh thị hiếu của trẻ trên chục năm nay từ khi Đôrêmon được du nhập vào. Sự cố gắng của các họa sĩ trẻ thoát ra khỏi sự "dấp dính" trong ranh giới giữa "truyện tranh" và "truyện minh họa bằng hình ảnh" từ xưa đến nay của ta là một nỗ lực rất đáng biểu dương: truyện tranh Việt Nam cũng sẽ có hình ảnh như những "lát cắt" ra từ một cuốn phim, tràn đầy thông tin và chi tiết vốn là sở thích hàng đầu của trẻ.
Tạ Huy Long là một họa sĩ tự nhận mình là 'hâm" khi bỏ qua nhiều lời mời gọi để thực hiện đam mê từ nhỏ của anh là truyện tranh.Tôi muốn cùng bạn bè chung chí hướng của mình khỏa lấp bớt khoảng trống về truyện tranh dành cho thiếu nhi. Quả thật truyện tranh của ta vẫn chưa hay: Truyện mang tính giải trí thì chưa ngộ nghĩnh, dí dỏm, thiếu các tình tiết hấp dẫn. truyện mang tính giáo dục, lịch sử thì quá nặng, khô, nhiều triết lý nên không làm cho trẻ hứng thú khi đọc. "Tôi đã học được cách làm việc đến tận cùng mọi vấn đề, mọi thứ. Tôi rất buồn khi những truyện dài hơi của ta cứ bị đuối dần". Đã có nhiều ảnh hưởng tích cực đối với Tạ Huy Long và anh khẳng định nó sẽ tác động vào những sáng tác của anh trong thời gian tới: Đó là cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề trong truyện tranh. Vấn đề có thể vô lý nhưng phải hợp lý hóa nó bằng hình ảnh, chi tiết, cách thay đổi, thậm chí lật ngược vấn đề thì mới hấp dẫn được trẻ. Nhưng phải là sản phẩm của người Việt Nam, mang chất Việt Nam trong mỗi nhân vật. Đó là tâm sự của hoạ sĩ trẻ Tạ Huy Long.
Trẻ trung và tự tin hơn là Ngọc Anh, sinh viên năm cuối Khoa Đồ họa trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp: "Mình tin là những người mê làm truyện tranh sẽ có đất dụng võ.Việt nam sẽ phải có truyện tranh mang tính chuyên nghiệp. Không chuyên nghiệp không thể hay được, đó là mọi người đều thấy rất rõ".
Truyện tranh, giúp trẻ phát huy trí tuệ, trí thông minh và trí tưởng tượng. Truyện tranh không chỉ là phương tiện giải trí mà còn là sản phẩm văn hóa đặc biệt cho một lớp đối tượng đặc biệt nhạy cảm. Trẻ em thích truyện tranh như thích ăn quà vặt. Trẻ chỉ ăn những gì chúng thích (và lạ miệng) cho nên người lớn phải hướng cho chúng ăn những món giầu giá trị dinh dưỡng bồi bổ cho sự phát triển trí tuệ và tâm hồn.
|