(VietNamNet) - Trong những chuyến đi xa, hay một buổi mai chợt thức giấc, lúc tâm hồn yên tĩnh nhất, dường như ta mới để ý đến vẻ đẹp đầy yên tĩnh của hoa. Hai nữ hoạ sĩ Lê Tuyết Thu và Nguyễn Lan Hương cũng thế, họ lặng lẽ chuẩn bị cho một phòng tranh chung toàn hoa, điểm xuyết đôi bức chân dung nụ cười sơn cước. Phòng tranh tựa hồ một sự kiện chợt như giữa dòng đời hối hả.
|
Nụ cười SaPa - Sơn dầu của Nguyễn Lan Hương |
Phải nói thật, các hoạ sĩ rất ít hào hứng mở một phòng tranh thời điểm này. Bệnh dịch khiến ít khách du lịch, khó bán tranh, các gallery lao đao khốn khó. Hoạ sĩ Phạm Đức Phong, giám đốc nhà triển lãm 16 Ngô Quyền của Hội, đôi khi phải bù đầu sắp xếp lại lịch trưng bày. Nhưng hai chị đã mở một phòng tranh đề tài chỉ hoa, tĩnh vật hoa và quả, cùng những nụ cười. Bởi vì hoa quả, cùng những nụ cười, đâu để ý gì đến những khốn khó, hoa đến kì hoa nở...
Vẽ hoa là một cách nhìn con người khác đi, giản dị, đằm thắm hơn, bất ngờ hơn, nữ tính hơn, và cũng là một góc nhìn cuộc đời rực rỡ hơn. Bởi hoa như biểu hiện cho một thế giới khác, hoa như cánh cửa giúp ta nhìn vào phần đẹp đẽ nhất của vạn vật, vào những gì thiện lành nơi người khác.
Tranh hoa của hai hoạ sĩ không sa vào việc mô tả lại những bông hoa nhằm chiều theo thị giác. Hoa trong tranh của họ rực rỡ cô đơn, cô đơn để thở và chỉ để sống mà thôi. Quả thực phòng tranh của họ có ẩn ý như một câu thơ: Nơi này đang sống và chỉ sống mà thôi... Nét đặc biệt của phòng tranh này là, bạn có thể xem từ bất cứ góc nào, bởi nó có cấu trúc hết sức tự nhiên, như một thiên nhiên trọn vẹn khiến bạn có thể tin cậy vào bất cứ đâu.
|
Hoa gạo - Sơn dầu của Lê Tuyết Thu |
Tôi đã bắt đầu xem từ tiếng gọi thảng thốt Chị ơi với chùm hoa gạo của Nguyễn Lan Hương. Màu đỏ chị nhìn thấy ở những bông gạo này sâu thăm thẳm, và không còn vẻ rực rỡ như ngoài thiên nhiên nữa, bởi bông gạo này đã hoá số phận con người như trong một sáng tác của nhạc sĩ Trọng Đài. Bên cạnh đó, cái nhìn tinh tế của phụ nữ đã giúp chị nhìn ra Bèo nở tím ngát, Hoa rừng đỏ (người con gái dân tộc Dao đỏ), Nụ cười Sa Pa I & II, rồi Cụ già người H'Mông... Và thật khó mà không cảm động khi ngắm nhìn những nụ cười sơn cước mộc mạc, kì lạ trên những gương mặt vùng cao này.
Hoạ sĩ Lê Tuyết Thu hoàn toàn đắm mình trong hoa muôn màu muôn vẻ. Hoa gạo I&II mộc mạc, Hoa huệ trắng, Hoa đồng nội dung dị, rồi Hoa vàng anh, Hoa láng trắng... Xem tranh chị, nhà phê bình mĩ thuật Lê Quốc bảo nhận xét: ''Nghệ thuật sơn dầu của Tuyết Thu theo quan niệm tạo hình truyền thống phương Đông, Việt Nam, mà các thế hệ đi trước đã thành công. Chị thường sử dụng cả hai phương pháp tả và gợi. Khi thiên về tả, lúc thiên về gợi, hoặc thường dùng cả hai phương pháp trong một tác phẩm...''.
Phòng tranh sẽ khai mạc vào chiều nay (30/5) tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội.
|