|
GĐ Trần Đăng Trắc. |
Chưa hề có một khoa chuyên ngành lẫn một chương trình đào tạo diễn viên múa rối, đó là những rào cản trong tiến trình phát triển bộ môn nghệ thuật này. Nhưng những trăn trở đó giờ có thể gác lại vì năm nay, trường ĐH Sân khấu Điện ảnh (ĐHSKĐA) sẽ mở lớp đào tạo diễn viên múa rối hệ chính quy đầu tiên.
Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa báo chí và ông Trần Đăng Trắc, Phó Giám đốc Nhà hát múa rối trung ương về chủ đề này.
- Thưa ông, được biết Nhà hát và ĐHSKĐA đã có quá trình hợp tác đào tạo diễn viên múa rối từ hơn 30 năm...
- Gọi là một quá trình thì chưa hẳn đã chính xác vì các khoá đào tạo cách nhau có khi vài năm và tuỳ theo điều kiện có khi cách nhau đến chục năm. Chúng tôi "gửi" diễn viên sang học ở trường ĐHSKĐA để diễn viên có thể trang bị thêm những kiến thức chung về các loại hình nghệ thuật biểu diễn. Kết thúc khoá học, diễn viên được cấp chứng chỉ. Nhưng mấy năm gần đây, những chứng chỉ đó cũng không được công nhận. Đến năm 1998, được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT và Bộ VH-TT, trường ĐHSKĐA đã tuyển một lớp đào tạo diễn viên kịch hát dân tộc chuyên môn múa rối (hệ Cao đẳng). Đã có 13 diễn viên được đào tạo theo phương thức này, nghĩa là vừa học lý luận ở trường, vừa thực hành ở Nhà hát. Cách làm này tỏ ra khá hiệu quả.
- Vậy tại sao phải đào tạo diễn viên hệ đại học?
- Trong vài năm nữa, Nhà hát sẽ cần thêm hàng chục diễn viên để kế cận lớp già đến tuổi nghỉ hưu. Mặt khác, diễn viên của ta không thể diễn mãi bằng kinh nghiệm mà cần phải được trang bị cả những kiến thức chung về nghệ thuật biểu diễn. Tất nhiên, việc tuyển sinh một lớp diễn viên hệ đại học sẽ ít tốn kém hơn nhưng chúng ta sẽ có được một lớp diễn viên trẻ, có năng lực và đáp ứng được yêu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng.
- Công tác tuyển sinh và đào tạo sẽ được tiến hành như thế nào khi hiện bây giờ vẫn chưa có khoa chuyên ngành cũng như giáo trình?
- Được sự uỷ nhiệm của ĐHSKĐA, Nhà hát sẽ là nơi tiếp nhận hồ sơ và sau đó tiến hành sơ tuyển trong ba ngày từ 10 đến 12/6 tới gồm các phần xét tuyển về ngoại hình, năng khiếu nghệ thuật. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến chất giọng chuẩn, một yêu cầu quan trọng đối với diễn viên múa rối. Vòng chung tuyển sẽ diễn ra tại ĐHSKĐA vào tháng 7. Năm nay, chúng tôi chỉ có 20 chỉ tiêu (12 chỉ tiêu cho Nhà hát múa rối trung ương còn lại thuộc về Nhà hát múa rối Thăng Long). Các em trúng tuyển sẽ được đào tạo trong vòng 4 năm, 2 năm rưỡi học lý luận về các bộ môn nghệ thuật và sơ lược về nghệ thuật múa rối tại trường, 1 năm rưỡi còn lại thực hành tại Nhà hát.
(Theo Thể Thao & Văn Hoá) |