|
Cây bút trẻ Kim Anh. | Mới cộng tác với chương trình ''Gặp nhau cuối tuần'' (GNCT) của Hãng phim truyền hình Việt Nam chưa đầy một năm song Kim Anh được đánh giá là người nhạy bén, viết tốt, số lượng kịch bản được sử dụng nhiều nhất trong gần 100 cộng tác viên thường xuyên của Hãng. Báo chí vừa có cuộc trò chuyện với cây bút trẻ này về một vấn đề mà dư luận quan tâm ''Kịch bản hài cho GNCT''.
- Viết kịch bản hài có khó lắm không, thưa chị?
- Nói một cách công bằng rằng viết kịch bản hài rất khó. Viết cho GNCT, phát sóng cho hàng triệu người xem lại càng khó hơn. Nhưng lẽ thường, cái gì khó mà mình làm được thì thú vị lắm. Tôi thực sự tự hào và say mê với công việc của mình, viết một kịch bản có ý nghĩa, mang lại tiếng cười sảng khoái cho mọi người sau mỗi tuần làm việc không yêu thích sao được?
- Chị nghĩ gì khi gần đây, khán giả bắt đầu ''chê'' chương trình GNCT?
- Tôi rất buồn song 3 năm qua, mỗi năm có 54 chương trình đã ra đời là một khối lượng công việc rất nể, là một thành công lớn của những người thực hiện. Cũng giống như các đạo diễn, diễn viên, tôi không nản chí và nghĩ rằng sự lao động say mê nào cũng cho kết quả tốt đẹp. Khi mọi người chê có nghĩa rằng mọi người vẫn luôn chú ý, kỳ vọng về mình.
- Từng thành công với một loạt các kịch bản như ''Vận may'', ''Dịch vụ mùa thi'', ''Nghề giám đốc'', ''Xây mộ''... Kim Anh rút ra được kinh nghiệm gì để viết kịch bản hài?
- Tất cả các kịch bản hay, được người dân đón nhận đều phải xuất phát từ thực tế, mang ''hơi thở'' cuộc sống và tính thời sự. Tôi nghĩ rằng muốn viết tốt cần phải thường xuyên cập nhật những vấn đề nóng hổi từ đời sống xã hội trên mọi kênh thông tin. Tất nhiên cũng không loại trừ việc phải đi thực tế, nghe ngóng chuyện vỉa hè, thậm chí nhờ vả bạn bè nếu có thông tin gì hay, nóng phải báo ngay để mình nghiên cứu, tìm hiểu.
- Lâu nay có nhiều kịch bản hay sử dụng những từ ngữ ''đời thường'' hay nói đúng hơn là ''chợ búa'' để gây ''hài'', quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?
- Yếu tố để tạo nên một kịch bản hay là do chính vấn đề mình lựa chọn, phản ánh cũng như do người viết xử lý, sắp xếp tình tiết chứ không phải do dùng từ ngữ để ''chọc'' một cách nhạt nhẽo. Từ ngữ của kịch bản mà tôi viết tự nhiên và rất nghiêm túc. Tuy nhiên, nhiều khi chính tôi và các nhà biên kịch bị ''oan'' bởi ''nguyên gốc'' không thế nhưng lại bị đạo diễn nhào nặn, thêm thắt hoặc diễn viên thể hiện khác đi.
(Theo Hà Nội Mới) |