(VietNamNet) - Bộ phim tài liệu video ''Hồn Rối'' của Đạo diễn Nguyễn Thước đang quay những cảnh cuối cùng. Chúng tôi có tìm đến đạo diễn để tìm hiểu thêm những câu chuyện xung quanh mảng nghệ thuật rối nước cổ truyền. Rất có thể một ngày gần đây, môn nghệ thuật này sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
|
Nghệ nhân Phan Văn Mao - Nam Trấn (Nam Định) |
- Nội dung phim ''Hồn Rối'' là gì, thưa đạo diễn?
- Bộ phim đề cập đến sự hình thành con rối như thế nào. Trong đó có nói đến nghệ thuật từ nền văn minh lúa nước, trò chơi của người nông dân. Có một đặc điểm là những nơi bây giờ còn làm con rối, cũng như trước kia, là những vùng có nghề tạc tượng cho các đình chùa. Chắc là những lúc nông nhàn, người ta tạc ra những con rối để chơi. Rồi lại chơi trên nước, vì sao lại thế thì bây giờ cũng khó ai lí giải nổi. Ngay cả lịch sử múa rối nước bây giờ người ta cũng chỉ mang máng đâu như từ thế kỉ 11 hay 12... Hỏi các nghệ nhân thì người ta chỉ bảo cha ông truyền lại lâu lắm rồi. Phường nào cũng có những bí mật riêng về con rối, trò rối... Có phường hiện nay người ta đau xót vì tất cả vốn liếng đã giao hết cho Nhà hát múa rối trung ương, Nhà hát múa rối Thăng Long, và hai đơn vị đó bây giờ có thu nhập rất cao. Những người nông dân, những người đã sinh ra và nuôi dưỡng cái nghệ thuật này thì gần như chẳng có gì cả. Các làng rối nổi tiếng hiện nay còn như Nguyên Xá, Đông Các (Thái Bình), thôn Rạch ở trấn Nam Trực (Nam Định), Bình Phú ở Thạch Thất (Hà Tây), Nhân Hoà ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng)... Những phường này chọn ra những trò hay nhất của mình dạy cho các nhà hát. Có điều lạ là năm nào cũng chỉ có ngần ấy trò, nhưng ngày hội làng của họ thì người xem vẫn đông nghịt.
- Xin hỏi cơ duyên nào đã dẫn ông đến làm đạo diễn một bộ phim về rối?
- Bọn tôi vô tình biết Quĩ Ford có một chương trình tài trợ thông qua Cục Nghệ thuật biểu diễn. Chương trình của họ gồm hai phần. Thứ nhất tài trợ cho các phường rối đào tạo một lớp diễn viên trẻ, vì nỗi sợ bị thất truyền. Hiện nay 14 phường rối đều có lớp diễn viên trẻ. Thứ hai, tài trợ cho một số phường xây những thuỷ đình cố định, phường nào có rồi thì tài trợ làm thuỷ đình di động. Song song với chương trình hai này thì cấp cho mỗi phường một bộ con rối. Khi sắp kết thúc chương trình thứ nhất thì bọn tôi gửi kịch bản sang quĩ Ford. Họ rất thích và tài trợ cho cùng với cái chương trình thứ hai này. Có lẽ họ muốn bảo tồn và cả tuyên truyền ra nước ngoài để UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
- Trong quá trình đi làm phim, ông thấy múa rối nước hiện nay nổi lên vấn đề gì, ngoại trừ vấn đề các nhà hát học nghề thì có thu nhập cao, còn người nông dân thì vẫn chẳng có gì, như ông nói lúc nãy?
- Nghệ nhân Nguyễn Huy Hồng mà tôi có phỏng vấn trong phim, ông ấy hô hào việc đưa rối nước về với ruộng đồng nơi sinh ra nó, nhưng tôi vẫn chưa hình dung việc đó được lưu giữ như thế nào. Rõ ràng đây là trò chơi của người nông dân, được sinh ra từ những thời kì họ có rất ít thứ để xem. Họ phải nghĩ ra những trò này để phản ánh chính cuộc sống lao động của họ, và họ rất thích thú khi xem lại chính cuộc sống của mình, công việc đồng áng trên sân khấu nhỏ. Các nhà hát thì cũng diễn đi diễn lại mấy trò, một số phường mới đây có nghĩ ra vài trò mới, nhưng tôi xem thấy không thành công. Nên tôi cảm giác rối nước đã bị đóng khung. Ví dụ làng Nguyễn, họ nói họ còn bốn trò nữa nhưng dứt khoát không dạy, họ cho dạy là họ bị mất đi.
- Xin hỏi, tại sao lại có tên phim là ''Hồn Rối''?
- Trong phim của chúng tôi sẽ hình thành ba mạch. Con rối được hình thành như thế nào từ gỗ sung, và chúng tôi có lý giải tại sao người ta lại dùng gỗ sung. Qua bàn tay của các nghệ nhân, tính cách con rối hình thành như thế nào, con rối được sơn phết như thế nào, tại sao lại dùng sơn ta. Thứ hai, chúng tôi tiếp xúc với những người làm máy rối (kỹ xảo rối). Mạch thứ ba là đồng ruộng, cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Từ lúc nhánh mạ được cấy cho đến lúc lúa vàng trĩu bông thu hoạch sẽ làm nền cho phim. Như thế rõ ràng rối nước thì thành công, đi Tây đi Tàu, nhưng cuộc sống người nông dân thì vẫn chẳng có gì thêm cả.
- Xin cảm ơn ông.
Trước khi trò chuyện cùng ông Nguyễn Thước, chúng tôi có biết được rằng, một số mẫu con rối cổ đã bị bán. Đó là một sự đau xót, mất mát văn hoá lớn. Có những mẫu rối không thể làm lại được nữa. |
|