(VietNamNet) - Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh được nhiều người yêu mến với "Lý ngựa ô", "Vầng trăng Ba Đình"... Nhưng không dừng lại ở thơ, 15 năm trở lại đây ông "phá rào" đi viết lời bình cho phim tài liệu. Tới nay, số lượng phim do ông viết lời bình đã lên tới con số 600. Ông tâm sự đã ôm ấp mộng làm phim từ lâu và tự tin khẳng định: "Tôi ăn đứt thiên hạ bởi không có lối kể lể!".
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đến với phim tài liệu như một sự run rủi của số phận. Năm 1988, khi cả nước khó khăn thì ông còn có thêm một khó khăn nữa là phải chăm sóc người vợ bị liệt từ năm 1980. Quả là "cơm áo không đùa với khách thơ" bởi lương bộ đội và những đồng nhuận bút còm cõi ngày đó không đủ để chăm một người bệnh hiểm nghèo. Một người bạn đã nói với ông: "Anh phải phá rào đi". Và thế là ông lại "ghé" vào mảng phim tài liệu mà như lời ông, "lại thực hiện một chuyến rong chơi, nếu vui thì sẽ ở lại". Sau một thời gian, ông được nhà thơ - đạo diễn Đỗ Minh Tuấn "dắt" sang xưởng phim tài liệu và thử sức ở đó. Năm 1989, bộ phim "Những giây phút cuối đời của Bác" của đạo diễn Phạm Quang Vinh do ông viết lời bình, trình chiếu trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác, đã làm rất nhiều người người xúc động. Tới nay, Phạm Ngọc Cảnh đã có lời bình cho 6 phim viết về đề tài Bác Hồ, rất nhiều phim về lịch sử và về đề tài người lính.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh tâm sự rằng, ông có "duyên" với những đề tài mang màu sắc bi tráng. Có lẽ bởi từ khi ông rời mảnh đất "gió lào cát trắng" Thạch Hà - Hà Tĩnh ra năm 14 tuổi, ông đã "ở miết" trong quân ngũ 52 năm liền. Vốn hiểu biết của ông về người lính, về chiến tranh rất phong phú. Hơn nữa, trong giới nhiều người gọi ông (và ông cũng tự nhận) là môn đồ của "chủ nghĩa xê dịch" mà bác Nguyễn Tuân của chúng ta là một đại diện. Cho đến nay, ông vẫn tự hào không một tỉnh nào từ Lũng Cú đến Cà Mau, không một huyện đảo nào mà ông chưa đặt chân đến. Mỗi dòng sông, ngọn núi, tên phố tên làng... đều để lại trong ông, một nhà thơ chiến sĩ một tình cảm, một nét rung động, bổ sung vào vốn sống của một người "biết quên để nhớ" như Phạm Ngọc Cảnh. Bởi vậy, những "Dòng sông hoa lửa", "Khoảnh khắc mùa xuân" hay "Không ai là vô danh" là những phim tài liệu hoành tráng về lịch sử, chiến tranh, lời bình sắc bén, gọn gàng nhưng chứa đựng một mạch nguồn cảm xúc sâu lắng của Phạm ngọc Cảnh là một yếu tố quan trọng làm nên thành công của các phim.
Có một nét đặc biệt khi nghe lời bình cho phim tài liệu của Phạm Ngọc Cảnh đó là người nghe dễ nhận ra nét lịch lãm, kiệm lời của một nhà thơ, có sự "đằm", "sâu" của con người xứ Nghệ, sự trải nghiệm của một người ham đi và luôn gắn những "cái ăngten cực nhạy" ở mọi lúc mọi nơi để tiếp cận với cuộc sống. Trong phim "Không ai là vô danh" trên nền cảnh là một người mẹ nâng vạt áo chấm nước mắt trước bàn thờ con trai sau đó máy quay "lia" ở nghĩa trang đường 9 Nam Lào, ông viết:"Con đường từ chỗ mẹ mong đến chỗ con nằm cách nhau có một ngày đường mà phải 30 năm mẹ mới gặp được con...". Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh tự tin nói: "Chỗ nào không diễn đạt được bằng lời, tôi nói bằng thơ. Tôi ăn đứt thiên hạ bởi không có lối kể lể"!
Có thể nói nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là một người đa sầu đa cảm. Ông vẫn rơi nước mắt bên những trang bản thảo tâm huyết của mình. Gần đây nhất là khi ông viết cho phim "Hương bồ kết" của đạo diễn Trần Minh Đại. Đây là bộ phim về huyền thoại 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc mà ông và đạo diễn Trần Minh Đại rất tâm đắc. Ông quan niệm, viết lời bình cho phim cũng là sáng tạo nghệ thuật. Mà đã là nghệ thuật thì phải nung nấu cho chín, để tác phẩm ra đời có thể làm tổ trong đầu người tiếp nhận và khó ai làm lại được. Chứ không phải hôm nay ta làm rồi ngày mai nhà nước lại đổ tiền của ra làm lại. Nỗi băn khoăn của ông cũng giống như nhiều người quan tâm đến lĩnh vực này: Hình như điện ảnh và truyền hình cũng giống như đời sống hiện tại, bị rơi vào cái guồng qúa vội vàng. Việc làm phim truyền hình và phim tài liệu trở nên dễ dàng thành ra dễ dãi quá nên nhạt và dễ quên!
|