"Của rơi" trở về từ Liên hoan phim Trebica
11:02' 27/05/2003 (GMT+7)
Đạo diễn Vương Đức (phải).

Trở về từ Liên hoan phim Trebica (New York, Mỹ) trung tuần tháng 5 vừa qua và mang theo bộ phim duy nhất của Việt Nam tại liên hoan này - "phim "Của rơi", đạo diễn Vương Đức cho rằng, mục đích của những người tham dự Liên hoan phim quốc tế hiện nay không chỉ dừng lại ở việc học hỏi, mà còn là đi tìm cơ hội phát hành phim Việt Nam. "Của rơi" đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả Mỹ và dành được những ấn tượng tốt đẹp.

- Anh cho biết Liên hoan phim Quốc tế Trebica có gì đặc biệt so với các liên hoan phim quốc tế khác?

- Liên hoan phim Trebica được tổ chức với tiêu chí coi New York như thủ đô đời sống, tinh thần nước Mỹ và để giải tỏa những sợ hãi, sự khủng khiếp của cư dân trong khu vực trung tâm thương mại tài chính thế giới, hồi phục lại khu phố cổ Mahattan bằng tinh thần điện ảnh của các dân tộc trên thế giới. Nơi diễn ra lễ khai mạc, chúng tôi nhận thấy tất cả các cửa kính vừa mới được thay lộng lẫy, nhưng vẫn có dấu ấn đìu hiu bởi một số văn phòng đã rút đi sau sự kiện 11/9. Cả hai buổi khai mạc và bế mạc đều rực rỡ bởi các tài tử khắp nơi trên thế giới đổ về, với những bộ phim, những công nghệ máy móc khổng lồ và hiện đại nhất, đã lấp đầy sự trống trải của tinh thần và không gian cũ. Tác giả của ý tưởng này, đồng thời là người sáng lập liên hoan phim là R.De Niro, diễn viên nổi tiếng từng đoạt hai giải Oscar. Trong liên hoan phim, các giải thưởng chỉ được trao cho tác phẩm đầu tay.

- Ấn tượng mạnh nhất của anh khi tham dự liên hoan phim?

- Một liên hoan phim rất... Mỹ, không chỉ vì nó được tổ chức trên đất Mỹ. Tại đây, mỗi đạo diễn được cấp thêm hai thẻ, cho phép mời bất kỳ ai làm đại biểu chính thức đi cùng với mình, sẽ không có đạo diễn nào cảm thấy đơn độc. Và thậm chí, ban tổ chức còn cấp thẻ cho các đại biểu đi... uống rượu miễn phí để gặp gỡ, giao lưu, giải trí, tìm hiểu nghệ thuật.

- Dư luận của khán giả về các phim được trình chiếu?

- Do liên hoan phim tuổi đời còn rất trẻ, hai năm, nên Ban tổ chức cũng khẳng định phải mất năm năm mới có khán giả của riêng mình. Đối với những phim đầu tay của các tác giả, dư luận khán giả không mạnh lắm vì đó chủ yếu là các phim lấy từ liên hoan phim Quốc tế Berlin lần thứ 53 tháng 2 vừa qua và người ta đã biết. Còn đối với những phim được trình chiếu như những điểm sáng của điện ảnh năm 2002, người xem đánh giá cao về chất lượng. Ở New York có một truyền thống rất hay là người ta thích chiếu ra mắt những phim đầu tay, và cũng chỉ có những cư dân khu vực đấy mới thích xem phim nước ngoài. Còn ở các khu vực khác, người Mỹ không bao giờ xem phim nước ngoài.

 - Những bộ phim của châu Á được đón nhận như thế nào, thưa anh?

- Trung Quốc có ba phim, trong đó có một phim đầu tay của đạo diễn rất trẻ Mang Jing. Không khí Hàn Quốc tràn ngập cũng với số lượng phim tương đương. Ấn Độ và Việt Nam đều chỉ có một phim. Sự xuất hiện một phim truyện Việt Nam trong liên hoan phim khiến khán giả, cả người Việt lẫn người Mỹ đều rất bất ngờ, một bất ngờ mang tín hiệu vui. Có một điều rất lạ, trước khi đến Mỹ, tôi đã mong đợi khán giả từ 20.000 cư dân Việt sống quanh khu vực New York, nhưng hóa ra tỷ lệ này rất nhỏ, người Mỹ mới là lượng khán giả chiếm số đông. Và những người Mỹ sau khi xem đã hỏi tôi rất nhiều về bộ phim.

 - Ngoài việc giới thiệu phim Việt Nam với thế giới, tham dự liên hoan phim có tạo các cơ hội khác không, thưa anh?

 - Trước đây, chúng tôi xem việc mỗi lần tham dự LHP là đến một trường học lớn. Nay, mục đích không chỉ dừng lại như thế. Tham dự liên hoan phim là một dịp để tìm cơ hội phát hành phim. Phải làm sao cho phim truyện Việt Nam có thể đặt những bước chân đầu tiên trên con đường phát hành ra công chúng thế giới, tạo được vị trí trong lòng khán giả trong nước và quốc tế. Các đạo diễn Hải Ninh, Vũ Xuân Hưng... từng đưa phim truyện Việt Nam đến với Bắc Mỹ, lần này, phim Việt Nam lại đến với miền Tây. Tin vui mới nhất sau khi tôi tham dự liên hoan phim trở về đó là Hãng phát hành phim San Fransico Shadow Distribution và Hãng phim phát hành độc lập của Đức đã đặt vấn đề phối hợp với Hãng phim truyện Việt Nam để phát hành phim Việt Nam, trước mắt là “Của rơi”, sau đó có thể là các phim khác.

 - Một thời gian quan sát và tìm hiểu về Hollywood, kinh đô điện ảnh thế giới, anh có nhận xét gì?

- Tôi đã đến Hollywood và vào thăm, quan sát tất cả các ngóc ngách phim trường của họ. Phải nói rằng thiên nhiên đã rất ưu đãi Hollywood. Ánh sáng, phong cảnh thiên nhiên, khí hậu thật tuyệt vời cho con người và nghệ thuật; nhưng trên hết, người Mỹ đã tập trung tất cả những công nghệ xuất sắc nhất của mình cho điện ảnh. Đó thật sự là một nền kỹ nghệ điện ảnh hiện đại.

(Theo Tiền Phong)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hiệp ''Gà'': ''Tôi đàn ông lắm đấy...'' (27/05/2003)
Ba người đàn ông và cây guitar (26/05/2003)
Mỹ Linh vẫn chưa "Coming to America" (26/05/2003)
Thổ Nhĩ Kỳ chiến thắng tại Eurovision Song Contest (26/05/2003)
TP.HCM: Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Măng non - cội nguồn (26/05/2003)
LHP Cannes lần thứ 56: Kết quả trái với dự đoán (26/05/2003)
Hai cuốn sách ''đụng nhau'' trong một NXB! (26/05/2003)
9/10 người đẹp đoạt giải là "lúa non" (26/05/2003)
Andrea Bocelli thắng lớn tại Classical Brit Awards (26/05/2003)
31/5, VTV1 truyền hình trực tiếp vở "Thái hậu Dương Vân Nga" (26/05/2003)
Ca sĩ Long Nhật ra VCD đầu tiên ''Đi tìm nắng hạ'' (25/05/2003)
Tuần lễ thời trang Việt Nam Xuân Hè 2003 (24/05/2003)
Nhạc sĩ Việt Lang: "Không chỉ đoàn quân đi mà cả dân tộc cùng đi" (24/05/2003)
Để khói thuốc không "đầu độc" Nghệ thuật thứ Bảy (03/11/2003)
Từ 1/7, bắt đầu phát sóng "VTV - Bài hát tôi yêu" lần 2 (26/05/2003)
Tro ve dau trang