Đó là hai cuốn sách dịch từ một bản gốc nguyên tác chữ Hán. Cuốn đầu lấy tựa đề 100 danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung Quốc do tiến sĩ Nguyễn Văn Dương dịch (NXB Văn hoá - Thông tin ấn hành cuối năm 2002). Cuốn sau mới được NXB Văn hoá - Thông tin in mang tên 100 nhân vật nổi tiếng ảnh hưởng đến lịch sử Trung Quốc cũng dịch từ bản mà TS. Dương đã dùng. Khác là, cuốn sau do ba người dịch, 722 trang, giá rẻ gần một nửa so với cuốn đầu.
Thoạt nhìn, hai cuốn từa tựa nhau, cuốn sau có vẻ ngắn gọn hơn, giá hạ hơn, coi ra có vẻ dễ ''tiếp thị'' hơn. Song, nguyên do chính khiến ông Dương lên tiếng khá gay gắt là bản dịch sau ''đã làm nghèo nội dung'' và giảm giá trị nguyên tác. Ngay tên của NXB này, cuốn sau, tờ đầu, đã in sai là: Nhân dân xuất bản xã (đúng phải ''Dân tộc'' thay vì ''Nhân dân'')!. Bên trong sách còn nhiều lỗi khiến TS. Dương buột miệng trách: ''quá cẩu thả'' và ông đã ghi một dọc các lỗi đó để nêu ra tại một buổi sinh hoạt của CLB Văn học thuộc Cung văn hoá Lao động TP.HCM gần đây. Đại để các người dịch cuốn sau đọc sai nhiều tên riêng, dịch sai nhiều nhóm từ, ví dụ: ''Bách gia thư tịch'' (sách vở của bách gia) dịch thành tên sách: ''Bách gia thư tịch'' hoặc ''lưu huyết phiêu chữ'' (máu chảy trôi chày), dịch thành ''máu chảy gươm rơi''...
Ngoài ra, do hiểu sai, lại thiếu cẩn thận nên ba người dịch cuốn sau là: Nguyễn Thanh Hà, Trần Trọng Vân, Nguyễn Giang Linh đã đưa vào (bản Việt dịch) nhiều câu sai hẳn với nguyên tác, gây nhầm lẫn cho độc giả, ví dụ: ''Hán Vũ để đánh Hung Nô, dẹp Đại Uyển, bình Lưỡng Việt, định Tây Nam di''. Bình và định ở đây là động từ, nhưng các tác giả cuốn sau tưởng là một địa danh nên đã dịch lầm là: ''Hán Vũ đế cũng phải trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc ở Bình Định...''. Đã thế, họ lại thêm thắt nhiều chi tiết không có trong nguyên tác, liều mạng cắt bỏ những đoạn gây khó hiểu...
NXB Văn hoá - Thông tin trả lời ra sao trước ''va chạm'' đáng tiếc giữa hai ''thực thể'' mà mình đã in ra?
(Theo Thanh Niên)
|