|
Nhạc sĩ Việt Lang. |
Việt Lang không nhận mình là nhạc sĩ và trong hội nhạc sĩ Việt Nam ông cũng không có tên! Nhưng người yêu nhạc Việt Nam vẫn gọi ông là nhạc sĩ của "Tình quê hương" và "Đoàn quân đi" - Hai nhạc phẩm đã đi vào lòng người từ những năm kháng chiến chống Pháp. Nhạc sĩ Việt Lang tên thật là Lê Huy đã có nhiều năm làm công tác giáo dục ở nước ngoài đã nghỉ hưu, hiện là Phó Giám đốc UNESCO Hà Nội.
- Thưa ông, cái tên Việt Lang được nhiều người biết đến từ ngày nhạc phẩm "Tình quê hương" và "Đoàn quân đi" ra đời. Nhưng những ca khúc sau này của ông lại không đề tên là Việt Lang mà lại là Huy Lê, tại sao?
- Tôi từng công tác ở nước ngoài. Nhiều cơ quan ở nước ngoài ghi tên mình theo kiểu của họ tức là tên trước họ sau: Lê Huy thành Huy Lê tôi cũng thấy hay hay nên những sáng tác gần đây tôi lây bút danh này. Vả lại, tác giả nào ở ngành nào cũng có thể có nhiều bút danh mà.
- Không chỉ những ai dã từng vào sinh ra tử trong thời kháng chiến chống Pháp mà nhiều người ở thế hệ sau rất yêu thích "Tình quê hương" và "Đoàn quân đi". Hoàn cảnh ra đời hai bài hát này có gì đặc biệt, thưa ông?
- Tình quê hương tôi viết năm 1946 trong bối cảnh đã có nhiều thanh niên lên đường "Nam tiến" chống thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ (vì núi sông ca khúc nguyện thề..). Đồng thời tôi cũng muốn vẽ nên hình ảnh những vùng quê êm đềm, thân thiết, lắng đọng mãi mãi trong trái tim những người xa quê.
Bài Đoàn quân đi viết trong một đêm tháng 2 năm 1948 khi tôi cùng bộ đội hành quân vào quân khu 3 trong mưa trơn, bùn sâu. Nửa đêm về sáng, chúng tôi tạm trú quân ở một xóm nhỏ rất nghèo, anh em mệt và ngủ. Nhìn đồng đội, đồng bào lòng tôi trào lên một niềm cảm kích sâu sắc. Những ý về lời và nét nhạc đầu tiên nảy ra trong đầu. Tôi rút quyển sổ đặt lên chiếc giường tre cũ kĩ và viết dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu. Tôi hoàn chỉnh bài hát lúc trời gần về sáng...Tôi muốn ghi lại hình ảnh thực, ý nghĩa thực của anh bộ đội. Không phải là tư liệu lịch sử mà những người làm nên lịch sử. Tôi cũng muốn vẽ nên hình ảnh của đất nước những năm đầu kháng chiến chống Pháp biết bao gian khổ(uốn khúc đường hào...qua những phố phường làng thôn tàn phá..), để những thế hệ sau đừng quên. Gian khổ như thế nhưng vẫn lạc quan, vẫn như đi giữa "xuân về mùa thắm", và vững tin ở ngày mai chiến thắng. Có thể nói không chỉ Đoàn quân đi, mà cả dân tộc cùng đi.
- Hình ảnh đất nước và con người trong 2 ca khúc này rất hiện thực mà cũng đầy lãng mạn: "Lòng trai muôn thu những bước chân giang hồ kiếp sống tung bụi mờ một chiều chia phôi" để rồi "Em vẫn mong chờ đến ngày ấy đôi ta cùng mơ". Phải chăng thời trai trẻ ông có nhiều mối tình đẹp?
- "Em vẫn mong chờ ngày ấy đôi ta cùng mơ" không nói riêng về người nào. Đó là tiếng nói tâm tình của hậu phương gửi ra tiền tuyến: Hãy tin tưởng ở tình yêu thuỷ chung, ở ngày mai chiến thắng. Nó giống như lời nhắn trong bài thơ "Đợi anh về" của nhà thơ K.Simônv. Những tình cảm thiết tha và trong sáng ấy làm nên nguồn sức mạnh cho chiến đấu và chiến thắng.
(Theo Thanh niên) |