|
Một cảnh trong phim ''Chiều tàn mùa thu''. |
Một nhà quay phim ở đoàn làm phim Lục Vân Tiên trong khi chọn cảnh quay ở Hà Tiên đã bị đá đè gãy chân! Các vai chính trong bộ phim hành động khi thực hiện các cảnh quay nguy hiểm bao giờ cũng bị ''trày vi tróc vảy''! Bởi thế nên chuyện phải mua bảo hiểm nghề nghiệp cho các thành viên đoàn làm phim, nhất là diễn viên ngoài việc đóng bảo hiểm y tế là việc rất đáng bàn...
Ông Nguyễn Khải Hưng - Giám đốc Hãng phim Truyền hình Việt Nam: Chuyện mua bảo hiểm thân thể cho diễn viên là một điều kiện bắt buộc phải có của các đoàn phim nước ngoài. Nếu với tư cách là lãnh đạo một hãng phim thì tôi hoàn toàn ủng hộ và thấy rằng nên làm vì lợi ích chung của anh em diễn viên, nhưng với tư cách cá nhân thì tôi lại không ủng hộ. Vì sao ư? xin thưa rằng vì hai lẽ. Thứ nhất, nếu ở một trình độ xã hội đã phát triển, mọi thứ được giải quyết gọn ghẽ, chóng vánh, chính xác thì người mua bảo hiểm hoàn toàn có thể yên tâm. Còn như ở ta, tôi cứ suy từ chuyện mua bảo hiểm xe máy thì thấy rõ, nhiều người bị tai nạn nhưng cũng chẳng biết tìm đâu mà đòi (!?). Thứ hai, tiền mua bảo hiểm lấy từ đâu ra? Chả nhẽ từ tiền cát - xê của anh em diễn viên? Trong tình hình cát - xê còn thấp như hiện nay, tội gì phải trích tiền ra cho vào túi các ông bảo hiểm! Cá nhân tôi thì sẽ không mua bảo hiểm.
NSƯT Duy Hậu - diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ: Nếu xét về diễn viên sân khấu thì nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp xảy ra không nhiều nhưng với các diễn viên điện ảnh thì không thể nói trước được điều gì. Tôi có tham gia đóng rất nhiều phim nhựa, phim truyền hình, tôi thấy rằng những nguy hiểm mà các anh em diễn viên phải đối mặt là rất nhiều. Với các diễn viên nước ngoài, mua bảo hiểm đã trở thành thói quen, có thể do thu nhập của họ cao hơn ta nên việc đó dễ dàng nhưng xét cho cùng nó thể hiện một thái độ tôn trọng con người hơn. Ở ta nếu có tai nạn xảy ra thì ngoài số tiền chi phí thuốc men được chi trả theo bảo hiểm y tế, diễn viên sẽ không thể trông chờ vào một khoản nào khác. Đối với diễn viên tự do, chỉ đóng phim theo lời mời của các đạo diễn, khi gặp rủi ro, họ sẽ chỉ có thể nhận được một khoản hỗ trợ nhỏ từ kinh phí làm phim của đoàn, như vậy rất thiệt thòi. Tôi nghĩ anh em diễn viên của ta nên chủ động tìm đến các nhà bảo hiểm khi còn chưa quá muộn.
Ông Hà Phạm Phú - Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn: Rất may ở ta, trong quá trình làm phim chưa xảy ra vụ nào gây chết người, nhưng ở Trung Quốc mới đây đã có. Tôi không nhớ rõ đó là đoàn phim nào nhưng được biết vụ việc, do anh diễn viên chính được giao thể hiện vai một anh lái taxi thất tình phóng xe bạt mạng. Tai nạn trong phim chưa thấy đâu nhưng anh ta đâm chết một nhân viên làm ánh sáng trong đoàn. Cũng may do đoàn phim có mua bảo hiển nên sự việc đã được giải quyết chóng vánh. Tôi cho rằng những chuyện không may như thế hoàn toàn có thể xảy ra ở bất cứ một đoàn làm phim ở quốc gia nào. Ở Việt Nam, mọi người chưa quen với chuyện mua bảo hiểm cho các thành viên trong đoàn phim. Có thể là vì từ trước đến nay chưa xảy ra chuyện gì to tát nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không xảy ra. Nếu có bảo hiểm, diễn viên sẽ tự tin hơn trong diễn xuất, điều đó là hoàn toàn có lợi cho chất lượng nghệ thuật của bộ phim.
(Theo NTNN)
|