|
Ông Lê Tiến Thọ. |
Sẽ ban hành Luật Biểu diễn, sẽ thành lập Liên chi hội ca sĩ trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam,... là những vấn đề được tân Thứ trưởng Lê Tiến Thọ Bộ VH-TT đề cập tới trong cuộc trao đổi với phóng viên ngay sau khi ông nhậm chức. Những vấn đề này, không phải mới nhưng thời gian gần đây luôn nhận được sự quan tâm của các nghệ sĩ biểu diễn, đơn vị quản lý cũng như khán giả.
- Sân khấu ca nhạc mà trong đó ca sỹ, bầu sô, trang phục, cát-xê... là đề tài mỗi lúc một nóng trong công luận. Quan điểm của Thứ trưởng thế nào?
- Trong Quy hoạch phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn của chúng tôi tới năm 2010 có đề nghị ban hành Luật Biểu diễn làm cơ sở quản lý nghệ thuật biểu diễn trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên phải thừa nhận xây dựng luật không đơn giản, hoạt động biểu diễn bây giờ như một trận đồ bát quái, biến đổi khó lường, đặc biệt trong thời gian qua có sự chi phối mạnh của sân khấu quảng cáo, của thị trường, vì vậy phải có luật, trong khi chờ luật, chúng tôi đang sửa đổi Quy chế hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.
- Việc ngăn chặn xu hướng ăn mặc, trang điểm thiếu thẩm mĩ của ca sĩ trên sân khấu là vô cùng cần thiết. Nhân đây đã có tuyên bố của một số nhà quản lý nghệ thuật không cho ca sĩ mặc hở rốn lên sân khấu, thậm chí có đoàn cấm ca sĩ nhuộm tóc lên sân khấu...
- Kênh MTV vẫn phát sóng, rock, rap vẫn tràn vào nhưng không phải chúng ta bê nguyên xi mà tiếp thu có chọn lọc mới mong giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc. Người nước ngoài đến đây thấy ca sĩ của ta bắt chước một cách mù quáng, rập khuôn, họ sẽ nghĩ gì? Cái đẹp cũng cần phải có tiêu chí, được cộng đồng chấp nhận. Để đánh giá và quản lý các hoạt động biểu diễn nghệ thuật một cách linh hoạt, hiệu quả, đáp ứng được cái đẹp hiện đại thì còn phải bàn tính thêm, người duyệt phải dựa vào văn bản pháp quy của các cơ quan có thẩm quyền để thẩm định được thế nào là đẹp.
- Khi duyệt ca sĩ ăn mặc thế này, tối lên sân khấu lại khác là chuyện thường xảy ra, người duyệt chương trình chỉ biết lúc duyệt. Thêm vào đó còn là sự cong vênh về cách thức duyệt giữa Cục và Sở, giữa các sở VH-TT với nhau.
- Ngoài người duyệt còn có thanh tra văn hóa và công chúng đến xem. Và cả nhà báo phản ánh. Tất nhiên chúng ta còn phải điều chỉnh về quy chế và quản lý như thế nào để có sự thống nhất giữa các sở, nếu không mỗi nơi sẽ làm một nẻo. Vấn đề cần nhấn mạnh ở đây là khâu hậu kiểm. Sân khấu ca nhạc phát triển rầm rộ, kinh doanh văn hóa theo quy luật cung - cầu nhưng không được vượt quy chế, ca sĩ nhận cát-xê 20-30 triệu đồng/show là cao, bởi vậy phải thực hiện đúng nghĩa vụ với Nhà nước, đó là đóng thuế thu nhập. Ngành thuế cần phối hợp với cơ quan cấp phép để thực hiện, nếu ca sĩ nào trốn thuế dứt khoát không được tiếp tục biểu diễn.
- Nghe đâu một số ca sĩ rất muốn thành lập hội riêng, kiểu như Hội ca sĩ Việt Nam để có tiếng nói chung và bảo vệ quyền lợi...
- Tôi nghĩ việc tập hợp ca sĩ để nâng ca trình độ, giáo dục thẩm mỹ và bảo vệ quyền lợi chính đáng cũng tốt, có thể hình thành Liên chi hội ca sĩ trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam chẳng hạn.
- Chuyển sang vấn đề của sân khấu truyền thống. Các đoàn cứ đều đặn mỗi năm nhận tiền, đều đặn dựng vở dù biết trước vở làm ra chẳng ai xem. Vậy có nên nghĩ đến việc giải thể các đoàn quá xập xệ...
- Từ trước đến nay chúng ta vẫn có cách nhìn: thực hiện chỉ tiêu Nhà nước (không hoàn thành không được) nhưng có một chỉ tiêu lâu nay không nhắc là chất lượng nghệ thuật. Chỉ tiêu phải đi kèm tiêu chuẩn, nghĩa là cần một thứ ISO cho sân khấu. Tới đây chúng tôi sẽ thành lập một Hội đồng thẩm định nghệ thuật giúp Bộ trưởng về vấn đề này. Tính ra số lượng đoàn nghệ thuật truyền thống của chúng ta không nhiều: miền Bắc có 16 đoàn chèo; cả nước có 6 đoàn tuồng, 18-20 đoàn cải lương. Xóa bỏ một đoàn thì đơn giản, nhưng đào tạo thế nào mới là khó, ít ra với nghệ thuật chèo bây giờ vẫn có những gia đình mẹ hát chèo con còn í ới được. Còn ca trù, tuồng... thì sao? Còn đâu những bà Quách Thị Hồ, Hà Thị Cầu vừa ăn trầu vừa kéo nhị vừa hát? Rồi con cái nghệ sĩ có theo nghề cha mẹ không?
- Đó cũng là chuyện của gia đình NSND Lê Tiến Thọ?
- Đúng là con tôi cũng không muốn theo nghiệp của bố, cháu nói tế nhị thế này: "Thôi, để em theo nghiệp bố". Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là không phải không còn khán giả đến sân khấu truyền thống. Ta cứ ở thành phố mà lấy đó làm tiêu chí thì không được. Hiện nay có rất nhiều đội đồng ấu theo hát tuồng ở các miền quê, tới đây miền Trung sẽ tổ chức Liên hoan Tuồng không chuyên toàn quốc với sự tham gia của hàng trăm đoàn, trước đó Liên hoan Chèo truyền thống ở Quảng Ninh suýt vỡ rạp vì khán giả quá đông... Nền sân khấu ấy vẫn còn sức sống và trường tồn. Nhiệm vụ quan trọng bây giờ là tiếp cận khán giả thế nào, xây dựng tiết mục và đầu tư hiệu quả ra sao, đó là quyết tâm, là thách đố của tập thể nghệ sĩ đang gìn giữ, kế thừa, phát triển nghệ thuật truyền thống dân tộc.
(Theo Tiền Phong) |