"Gương Bác sáng đời tôi"
16:54' 19/05/2003 (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Thao (thứ ba từ bên trái sang).

(VietNamNet) - Ông Nguyễn Văn Thao, năm nay 74 tuổi, đã xúc động nói như vậy trong buổi lễ tiếp nhận tài liệu và hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông già nhỏ bé trong bộ áo dài khăn xếp trao cho lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh một tập thơ với vẻ mặt hết sức thành kính.

Ông không chỉ là vị khách quen thuộc với các cán bộ trong Bảo tàng vì luôn gửi tặng những tập thơ viết về Bác Hồ, mà ông còn là thành viên trong gia đình đã tặng Bảo tàng một kỷ vật của Người.

Câu chuyện về chiếc huy hiệu của Bác Hồ

Ông Nguyễn Văn Thao nhớ như in ngày 13/5/1958, khi cụ thân sinh của ông (làm nghề đạp xích lô) đi làm về, ông cụ kể cho cả nhà nghe câu chuyện rất vui ông gặp trong ngày: “Một ông khách để quên chiếc cặp trên xe tôi, mãi đến khi quay trở lại phố Hàng Lọng chờ khách tôi mới phát hiện ra. Chẳng biết tìm ông khách ở đâu, tôi đem chiếc cặp đến đồn công an Hàng Lọng. Lúc tôi và cán bộ công an đang kiểm tra chiếc cặp để lập biên bản thì bỗng nhiên ông khách bước vào trình báo. Sau khi nhận được chiếc cặp với đầy đủ tiền bạc và rất nhiều giấy tờ, tài liệu ông khách ôm chầm lấy tôi và có ý muốn biếu tôi một ít tiền. Nhưng tôi từ chối, tôi mà tham thì tôi đã lấy tất rồi, tôi nói với ông ấy như vậy đấy”. Ông Thao hiểu rằng cha mình đang gián tiếp dạy các con giữ đúng cốt cách của một Nho gia.

Sau đó vài ngày, cụ thân sinh ông Thao được Đảng uỷ quận Đống Đa mời lên nhận phần thưởng. Cả nhà ngạc nhiên lắm, bao nhiêu năm ông cụ đạp xích lô kiếm sống nuôi vợ và 4 đứa con, ông có làm gì đâu mà được tặng thưởng. Đến nơi mới biết, ông khách để quên chiếc cặp hôm nào là một cán bộ cách mạng, cảm kích trước tấm lòng người dân nghèo không tham của rơi, người cán bộ ấy đã kể lại câu chuyện với Bác Hồ. Và Bác đã gửi tặng chiếc Huy hiệu của Người cho ông già đạp xích lô tốt bụng.

Nguyễn Văn Thao lúc bấy giờ là anh thanh niên 28 tuổi, giỏi chữ Nho và ham làm thơ. Nhìn chiếc huy hiệu in hình Bác trên tay cha, ông Thao đã cảm nhận được rằng đó không chỉ là niềm vinh dự của cha mình mà còn là niềm vui chung của toàn thể gia đình. Đã từ lâu anh Thao mong muốn được đứng dưới ngọn cờ của Việt Minh và đi theo tiếng gọi cứu nước của Bác Hồ, nhưng vì lí do sức khoẻ mà anh không đủ điều kiện để nhập ngũ. Ông Thao không vì thế mà nản chí, ông hăng hái đi thanh niên xung phong ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, rồi lại trở về Hà Nội tích cực tham gia công tác đường phố (dân phòng, bảo vệ, tuyên truyền viên...). Năm 1989, ông Thao được Nhà nước tặng thưởng Huy chương chống Mĩ cứu nước hạng nhất.

Từ khi giác ngộ và tham gia các hoạt động phục vụ cách mạng, ông Thao có điều kiện phát huy tài thơ ca trong công tác thông tin, tuyên truyền, ông không ngừng sáng tác thơ về Bác Hồ. Chưa được trực tiếp gặp Bác lần nào, ông Thao chỉ nhìn thấy Bác từ xa trong những cuộc mít tinh nhưng nguồn cảm hứng sáng tác thơ của anh về Bác lúc nào cũng như máu chảy trong huyết quản.

Năm 1973, ông Thao mạnh dạn mang những bài thơ đầu tiên về Bác (Nhớ ngày sinh nhật Bác, Nhớ ngày Bác đi xa, Tấm gương Bác sáng đời ta...) đến Khu Di tích lịch sử Hồ Chí Minh (tiền thân của Bảo tàng Hồ Chí Minh bây giờ) để gửi tặng những bài thơ tâm huyết của mình. Từ đó cứ mỗi dịp Quốc lễ hàng năm ông Thao lại là người khách quen thuộc của Khu Di tích. Các cán bộ trong khu Di tích rất ưu ái ông Thao, ông và gia đình được chụp ảnh chung với đồng chí Nguyễn Quý Tán (Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch), được cho phép chụp ảnh lưu niệm trước Phủ Chủ tịch, trong nhà sàn của Bác... Sau này, khi biết cụ thân sinh ông Thao được tặng Huy hiệu Bác Hồ, đồng chí Vũ Kỳ (Lãnh đạo Khu Di tích) đặt vấn đề với ông Thao: “Chúng tôi được biết cụ thân sinh của ông được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người. Mong ông về nói giúp với cụ thân sinh và gia đình có thể tặng chiếc huy hiệu để trưng bày tại Bảo tàng. Vì nếu để ở gia đình thì chỉ gia đình  biết được, nhưng nếu đưa vào Bảo tàng thì có thể được gìn giữ, bảo quản và trưng bày cho nhân dân Việt Nam và thế giới biết được câu chuyện về nguồn gốc của chiếc huy hiệu ấy”. Năm 1990, gia đình ông Thao đã tặng lại chiếc huy hiệu Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Phòng trưng bày tại gia về Bác

Nhiều lần ông Thao được lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh tặng cho những tranh ảnh, sách báo, tài liệu về Bác Hồ để ông có thể nghiên cứu, hiểu và làm thơ hay hơn về vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc. Ông Thao vui sướng lắm, ông nâng niu cất giữ những quà tặng đó như một tài sản vô giá. Chiếc tủ của ông ngày càng nhiều những tặng phẩm về Bác Hồ, cũng như những vần thơ của ông viết về Người ngày càng sâu sắc hơn: “Quý dân yêu nước trọn tình đời. Nhật nguyệt quang minh sáng đất trời. Tạc dạ ghi sâu đường cứu nước. Ghi lòng khắc đậm nét thương nòi. Bôn ba hải ngoại bao năm tháng. Giải phóng quê hương chí của Người. Sạch bóng quân thù xây tổ quốc. Đàng hoàng to đẹp hẳn hơn mười” (bài thơ “Ca ngợi Bác Hồ” ông Thao viết nhân dịp sinh nhật thứ 100 của Bác) .

Cách đây 3 năm, ông Thao đã quyết định dành một phòng trong ngôi nhà nhỏ của mình (ở Tân Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) để trưng bày tất cả những tư liệu về Bác mà ông có. Căn phòng nhỏ, bày biện giản dị, ba chiếc tủ đựng đầy sách, ảnh, thơ được ông Thao sắp xếp ngăn nắp, trang trọng. Đó là những sách báo viết về Bác, những tài liệu có bút tích của Bác, những tranh ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác (đặc biệt là bộ ảnh 10 chiếc rất đẹp ghi lại chân dung Bác từ năm 1920 đến năm 1969). Ông Thao run run cầm trên tay một cuốn sách rất to và dày rồi kể bằng một giọng xúc động: “Cuốn sách này tôi được một vị Lãnh đạo trong Phủ Chủ tịch tặng nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 97 của Bác Hồ, đối với tôi cuốn sách như một vật quý trong tủ trưng bày, như một báu vật trong nhà”. Cuốn sách mang tên “Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” dày gần 200 trang, là một tư liệu sống động bằng hình ảnh về cả cuộc đời của Bác Hồ từ thuở sinh thời cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời Người.

Trong một chiếc tủ kính hai tầng ông Thao dành để xếp những bài thơ ông đã viết về Bác, những bài thơ viết từ những năm 70 cho đến nay mà chính ông cũng không sao nhớ hết có bao nhiêu bài. Nhưng dựa vào những giấy chứng nhận của Bảo tàng Hồ Chí Minh thì ông Thao đã có nhiều tập thơ (Tập "Lòng mẹ", tập "Gương Bác sáng đời ta", tập "Truyện thơ về Bác Hồ"...) với hàng trăm bài thơ đã gửi tặng và được lưu giữ trong Bảo tàng.

Ông Thao tâm sự rằng ông làm thơ về Bác xuất phát từ một người dân luôn kính yêu và biết ơn Hồ Chủ Tịch, những vần thơ chân thành và giản dị như tấm lòng của ông dành cho Bác. Thơ của ông Thao là những cảm xúc chân thật và giản dị, cái cảm xúc ấy không ngừng trào dâng, ngay cả khi ông đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hi”. Ông Thao lấy bút danh là Nguyễn Kính Dân khi viết thơ về Bác, ông giải thích rằng: tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, ông xin đặt bút danh Nguyễn Kính Dân có ý nghĩa luôn noi gương Người trong mọi hành động và việc làm của mình.

Cuối năm 2002,  ông Chu Đức Tính - Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - cùng một số cán bộ đến thăm phòng trưng bày bé nhỏ của gia đình ông Thao và tặng ông thêm một số cuốn sách tư liệu quý về Bác. Ông Tính có gợi ý ông Thao cố gắng xây dựng thành một phòng truyền thống của gia đình, đó cũng là mong muốn từ lâu mà ông Thao đang cố gắng thực hiện.

Con cái ông Thao đã trưởng thành, họ không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn để ông Thao dành hết tâm huyết cho phòng trưng bày quý giá của gia đình. Hiện tại, phòng trưng bày của ông gia đình ông Thao là địa chỉ quen thuộc của những người cao tuổi trong khu phố. Mỗi tháng một lần, họ đến đây sinh hoạt Câu lạc bộ ca trù, ngâm thơ, bàn luận về cuộc sống theo từng chủ đề nhất định. Những ngày này, ông Thao đang tất bật sửa soạn trang trí và chuẩn bị nội dung để tham gia chương trình sinh hoạt thường kỳ của Câu lạc bộ. Ông Thao vui lắm vì ông lại có dịp thể hiện các tác phẩm của mình về Bác Hồ đúng vào dịp sinh nhật Người.

Ông Thao nói: "Sáng tác thơ và dành thời gian cho phòng trưng bày về Bác tại gia đình hiện nay là công việc ý nghĩa nhất của tôi. Những việc tôi làm dù nhỏ bé nhưng đó là tấm lòng chân thành của một người dân dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc". Rồi rất tự nhiên, ông Thao cất giọng ca một đoạn trong bài ca trù “Công ơn biển rộng trời cao” của ông sáng tác mới được Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng, bài ca trù có đoạn:

“...Bác đưa đất nước qua nô lệ
Người dẫn năm châu tới đại đồng
Lời vàng ý ngọc vang vọng khắp núi sông
Xứng danh dòng giống Lạc Hồng muôn vạn thuở
Ngắm cờ đỏ sao vàng tung bay đẹp như ngàn hoa đua nở
Việt Nam ơi! Độc lập thiên thu rạng rỡ tự hào
Công ơn biển rộng trời cao”

  • Kiều Minh
     
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vẫn còn đó những... tài tử (19/05/2003)
Trao giải cuộc thi sáng tạo trang web ''Bác Hồ với tuổi trẻ'' (18/05/2003)
Một ngày quanh Lăng Bác (17/05/2003)
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ - đến hẹn lại lên (17/05/2003)
Đạo diễn Thanh Vân: Không nên đánh đồng mọi tầng lớp khán giả (17/05/2003)
Đạo diễn Lan Hương: ''Trẻ con bây giờ khó ăn dỗ lắm'' (16/05/2003)
Phát hành tuyển tập nhạc độc nhất vô nhị (16/05/2003)
Nghệ An - náo nức chào đón Lễ hội Làng Sen (16/05/2003)
Nhạc sĩ VN đầu tiên chỉ huy dàn nhạc nước ngoài thu âm cho phim (16/05/2003)
Thực thi quyền tác giả âm nhạc có là cơn bão? (16/05/2003)
Phía sau LHP Cannes (15/05/2003)
"Bài ca tháng Năm" dâng Người (15/05/2003)
Paul McCartney có thể không được biểu diễn tại Moscow (15/05/2003)
Kết thúc liên hoan cồng chiêng và hát dân ca toàn tỉnh Gia Lai (15/05/2003)
Phát hành sách ''Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng'' (15/05/2003)
Tro ve dau trang