Vòng loại khu vực miền Đông Nam Bộ - TP.HCM kết thúc, 8 ban nhạc xuất sắc được lựa chọn từ 22 ban tham dự cùng với 2 ban đoạt giải cao của Liên hoan lần I đã có tên trong danh sách 10 ban đờn ca của Vòng chung kết Liên hoan đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ lần II - 2003. 2 ngày diễn ra Liên hoan (16-17/5) là 2 ngày tràn đầy niềm vui của những nghệ sĩ... tài tử.
Lịch diễn ken dày với từng cặp thi diễn (sáng 3 cặp, chiều 2 cặp) các phần thi hòa ca, kiến thức âm nhạc ĐCTT, hoà tấu giao lưu và cara bộ. Điều bất ngờ là rạp Hưng Đạo đã không còn chỗ trống trong đêm thi cuối, chứng tỏ ĐCTT vẫn có sức cuốn hút đặc biệt trong lòng người dân Sài Gòn. Chẳng thế mà ở vòng loại khu vực Đông Nam Bộ này, TP.HCM có lực lượng "áp đảo" (13/22 ban). Tuy thế, các ban ĐCTT của các tỉnh cũng chứng tỏ mình vừa là "tri âm" vừa là "kỳ phùng địch thủ" của các ban thuộc thành phố.
Nét mới của liên hoan lần này là sự phong phú trong việc đặt lời ca mới, bởi trước đó Ban Tổ chức (VTV) và Tuần báo Thế Giới Mới đã phát động cuộc thi viết lời mới cho 9/20 bản cổ: Nam xuân, Đảo ngũ cung, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Cổ bản vắn, Xuân tình chấn, Ngũ đối hạ, Long đăng, Xàng xê và đã có hơn 100 tác phẩm tham gia cuộc thi, trong đó đa số được đánh giá là "viết đúng lòng bản".
Liên hoan cũng là một sân chơi đầy thú vị để các tài tử có dịp hội ngộ và giao lưu, để "mục sở thị" những danh cầm mà ta từng "văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình" với những ngón đờn từng được truyền tụng. Đôi khi lá thăm đưa đẩy khiến một cặp đấu lại cùng biểu diễn một bài như Vũng Tàu 1 - Quận 7 (TP.HCM) hòa ca cùng một bản Phú lục chấn - tuy thế vẫn "mỗi người một vẻ"...
Không chỉ thi thố những kỹ năng về đờn, ca - họ còn chứng tỏ sự hiểu biết sâu rộng về loại hình ĐCTT khi trả lời các câu hỏi (bốc thăm) của Ban Giám khảo về lịch sử, địa phương, nhân vật liên quan; về bài bản (hình thức, hơi, giọng...); về nhạc cụ, nhạc khí. Hấp dẫn nhất là phần "ra câu hỏi cho ban nhạc bạn". Có những câu tưởng như đã "bắt bí" được, như: "Danh cầm khảy đờn kìm bằng tay trái, tên? quê quán?", "Sự ra đời của loại hình ca ra bộ?" hoặc "Bài Vạn giá trùng với bài nào, trùng chỗ nào?", "Cuốn sách nào viết về đờn và ca đầu tiên, tác giả?" - tất cả đều bị đội chơi hóa giải một cách dễ dàng. Những cái tên (nghệ danh và cả tên thật) được kể ra thật rạch ròi.
Liên hoan ĐCTT Nam Bộ là một hoạt động tối cần thiết để bảo lưu và phát triển một loại hình nghệ thuật truyền thống Nam Bộ, đồng thời để các thế hệ nghệ nhân, tài tử hội ngộ, giao lưu nhưng nếu cứ tổ chức theo chu kỳ 3 năm/lần (Liên hoan ĐCTT Nam Bộ lần 1 diễn ra năm 2000) e rằng "mầm xanh'' chưa nhú mà nhiều "lá vàng" sẽ rụng rơi, bởi hiện nay ở đa số các ban nhạc ĐCTT đều thiếu hụt lực lượng kế thừa.
Danh sách 10 ban ĐCTT vào Vòng chung kết
1. Tây Ninh 2 2. NVH Thanh Niên 1 3. Tiếng Quê hương (Q. Tân Bình - TP.HCM) 4. TP. Biên Hòa 5. Huyện Củ Chi (TP.HCM) 6. Biển Đợi (Bình Thuận) 7. Đồng Nai 8. Vũng Tàu 2
Cùng 2 ban ĐCTT được vào thẳng: Bình Dương (giải nhất Liên hoan lần I) và Quận Gò Vấp (giải 3 Liên hoan lần I) |
(Theo Thanh Niên) |