(VietNamNet) - Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Ðốc là một hoạt động tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời. Hàng năm, nơi đây đã thu hút trên 2 triệu lượt khách hành hương. Năm nay, chương trình lễ hội Vía Bà được tổ chức long trọng và hoành tráng với 7 sân khấu, kéo dài 7 ngày (21-27/5).
|
Miếu Bà chúa Xứ |
Lễ khai hội sẽ bắt đầu từ lúc 19h ngày 21/5. Ngoài các nghi lễ và hoạt động quen thuộc, lễ hội 2003 cũng nhộn nhịp và quy mô hơn khi Trung tâm Thể dục Thể thao thị xã Châu Ðốc quyết định tổ chức 33 đoàn lân sư rồng trong và ngoài tỉnh cùng 15 xe hoa và nhiều đoàn ca múa nhạc, tham gia diễu hành quanh thị xã về Miếu Bà đến Lăng Thoại Ngọc Hầu.
Lễ Phục hiện rước Bà được tổ chức hoành tráng với lực lượng gồm hàng nghìn quần chúng tham dự. Nhằm tăng cường thu hút du khách trong và ngoài nước, quảng bá hình ảnh tour trong tỉnh, tổ chức các chương trình tham quan xứng tầm với lễ hội cấp quốc gia (Năm 2000 Tổng cục du lịch đã công nhận Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Ðốc là 1 trong 15 lễ hội cấp quốc gia), An Giang đã nâng cấp và xây mới nhiều điểm đến hấp dẫn như làng Chăm Châu Phong, Đa Phước, Lâm viên Núi Cấm, Núi Tô, Đồi Tức Dụp, Khu Óc Eo (Ba Thê - Thoại Sơn), Khu du lịch huyện Thoại Sơn...
Trong tín ngưỡng cả người Việt và người Khmer, Bà chúa Xứ rất được tôn kính. Cũng chẳng ai rõ lai lịch của thần, ngoài đức tin rằng, bà là người trời được sai xuống cứu dân độ thế, canh giữ bờ cõi. Bà là một trong 6 nữ thần bất tử theo tín ngưỡng dân gian (Bà chúa Bầu, bà chúa Liễu, bà chúa Tó, bà chúa Kho, bà chúa Ngọc, bà chúa Xứ).
Ngọn núi Sam từ hai thế kỷ trước qua ngòi bút của Thoại Ngọc Hầu (trong bia Vĩnh Tế Sơn) giống như một bức tranh phong thuỷ hữu tình. Núi nằm cách trung tâm An Giang khoảng 60km về hướng tây. Người dân trong vùng gọi núi Sam vì nhìn từ xa, thấy núi có dáng dấp như một con Sam đem bám trên cánh đồng xanh mênh mông. Xưa kia, còn có truyền thuyết rằng, nơi đây từng là hòn đảo nhô lên trên biển có nhiều Sam sinh sống nên được gọi là Học lãnh Sơn nghĩa là núi con Sam.
Khi mang tâm thiện về vùng đất thiêng, tham gia các hoạt động lễ hội sôi nổi... người chưa đến còn háo hức muốn biết về một đặc sản truyền thống vùng núi Sam - Châu Đốc, người tới rồi lại mong chờ mùa hội, tìm lại vị thanh thanh ở món ăn từng vương vấn. Đó là món canh chua lá vang. Theo người dân địa phương, mùa lá vang cho hương vị ngon nhất là vào mùa mưa (tháng tư đến tháng mười âm lịch). Một điều khá thú vị là lá vang được hái ở sườn đông của Núi Sam thì lại cho hương thơm, vị chua ngon hơn lá vang được hái ở sườn tây. Nông dân Châu Đốc nói, lá sườn đông được nhận những tia nắng ban mai của mặt trời nên có hương vị ngon hơn lá sườn tây vậy.
Nhắc đến lễ hội Vía Bà Chúa Xứ, nhắc đến Núi Sam - Châu Ðốc, chẳng vị khách du lịch nào lại quên món canh chua ấy. Một món ăn ngon gắn liền với thổ nhưỡng, thiên nhiên và cách chế biến rất riêng, độc đáo của vùng Bảy Núi, An Giang. Nơi đây còn có sẵn những món ăn đặc sản nổi tiếng với hương vị đặc biệt mà du khách có thể thưởng thức hoặc mua làm quà cho người thân như mắm thái, mắm trèn, mắm lóc, đường thốt nốt, khô bò, khô cá tra phồng, bò bảy món, gỏi sầu đâu...
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Ðốc mỗi năm một lần, người tìm về đông lại càng đông đem theo những nguyện cầu tốt lành, hy vọng nữ chúa trải lòng yêu thương. Sông nước, đất trời, con người, cảnh sắc An Giang lại như sâu hơn, thiêng hơn bởi cái Tâm thành kính...
|