|
Một cảnh trong phim Gái nhảy. |
Trong bối cảnh doanh thu của bộ phim Gái nhảy đang là chủ đề của nhiều cuộc bàn luận, cả trên báo chí và đời thường thì việc bộ phim Người đàn bà mộng du (NDBMD) của đạo diễn Thanh Vân sắp ra mắt đã khiến dư luận quan tâm. Bộ phim đang được thực hiện phần lồng tiếng để hoàn chỉnh vào tháng 6 (có thể ra mắt vào dịp 22/12 năm nay).
Dưới đây là một cuộc trò chuyện giữa báo chí với đạo diễn Thanh Vân.
- Anh có thấy sốt ruột trước ''hiện tượng'' Gái nhảy hay không?
- Tôi nghĩ, ''hiện tượng'' Gái nhảy có thể tác động chung đến việc định hướng trong quản lý, ví dụ xác định tỷ lệ phim thương mại và giải trí; đầu tư rõ ràng đối với mỗi thể loại phim... hơn là việc tác động trực tiếp đến một bộ phim cụ thể hoặc một cá nhân nào. Sự điều tiết hợp lý là cần thiết, nhưng cần bình tĩnh nhìn nhận và đánh giá khách quan. Những gì mà tôi đã làm và sẽ làm đều được hình thành một cách khá chắc chắn từ lúc viết phân cảnh, tới khi quay và làm hậu kỳ.
- Liệu chúng ta có thể làm phim vừa ăn khách vừa mang giá trị nghệ thuật sâu sắc? Hiện ở ta vẫn có quan niệm: Phim nghệ thuật thì không ăn khách, phim câu khách chỉ là phim thương mại...
- Không. Cũng không đến mức rạch ròi như thế. Đương nhiên hướng tới sự kết hợp là khó khăn, nhưng đó là mục đích lớn nhất của điện ảnh. Trên thế giới cũng tồn tại hai xu hướng đó. Chẳng hạn, các hãng phim lớn, bên cạnh các phim thương mại thu được nhiều tiền cũng có các bộ phim được đầu tư với giá trị nghệ thuật cao, để tranh giải ở các LHP. Những bộ phim này có thể chưa đem lại lợi nhuận trực tiếp, nhưng có tác dụng đánh bóng tên tuổi của hãng. Khi phim nghệ thuật của hãng đó được ''bảo hiểm'' bằng các giải thưởng, thì phim thương mại của nó càng hấp dẫn. Tôi nghĩ không thể lẫn lộn phim thương mại với phim nghệ thuật được. Mỗi bộ phim có một hương vị riêng của nó.
- NĐBMD có được xác định là một bộ phim nghệ thuật và ăn khách?
- Hiện nay, tôi thấy hơi đáng tiếc là tất cả việc bàn luận về khía cạnh này đều đến sau khi mọi việc đã xảy ra mà không có sự chuẩn bị tính toán trước. Kể cả anh Lê Hoàng và Hãng phim Giải phóng cũng ngạc nhiên về sự ăn khách của Gái nhảy. Đến Gái nhảy phần 2 thì tôi nghĩ họ mới thực sự có sự tính toán trước về mục đích thương mại, trong đó đạo diễn xác định rõ sẽ làm phim nhằm mục tiêu này từ khi viết kịch bản phân cảnh... Ngay Đời cát cũng thế. Nếu không đoạt giải của LHP châu Á - Thái Bình Dương thì chắc nó cũng nằm trong số phận ''đìu hiu'' về khán giả như một số phim khác. Trước đó, không ai tính được là Đời cát có ăn khách được không? Cho đến thời điểm này chưa có định hướng chung mà chỉ khi đã có kết quả rồi mới quay lại phân tích.
- Không chỉ riêng các đối tác đến từ Hàn Quốc, nhiều nhà phát hành phim của ta cũng phải thừa nhận là rất khó nắm bắt được thị hiếu khán giả Việt Nam, vì thế khán giả Việt Nam thường gây cho họ nhiều bất ngờ...
- Chính vì thế rất cần tổ chức được một hệ thống thăm dò dư luận khán giả, tiến hành thường xuyên và cập nhật. Cũng không nên đánh đồng mọi tầng lớp khán giả. Khán giả là lớp thanh niên sôi động có thể thích xem Gái nhảy, những người cao tuổi hơn, trầm lắng có thể mê Mùa ổi... Chắc chắn và rõ ràng khán giả Mùa ổi ít hơn Gái nhảy. Đó chính là cuộc sống. Không có gì bất ngờ. Các loại hình nghệ thuật khác cũng thế.
- Anh có biết thông tin gì về việc NĐBMD sẽ được phát hành ra sao? Nếu bán bản quyền trong nước thì ai mua, giá bao nhiêu?
- Tôi không biết gì hơn. Thông thường Hãng bán cho Fafilm Việt Nam hoặc bên Phát hành phim Quân đội. Phim tử tế lắm thì được từ 150 đến 180 triệu. Với Hãng, khoản tiền này được coi là ''được thêm'' chứ không phải là lợi nhuận.
(Theo TT&VH)
|