|
Một vai diễn trẻ con của NSƯT Lan Hương trong vở kịch thiếu nhi ''Kết bạn với thiên thần'' (năm1993). |
Nhà hát Tuổi trẻ - điểm diễn được coi là sinh động nhất ở Thủ đô cứ đến cuối tháng 5 đầu tháng 6 lại bắt đầu một mùa ''ăn dỗ trẻ con'' với các chương trình ca múa nhạc có tính định kỳ hàng năm. Năm nay, NSƯT Lan Hương cũng ''xắn tay'' với vai trò đạo diễn trong vở kịch ''Trận chiến giữa rừng xanh''. Một cuộc trò chuyện nhanh giữa báo chí với chị.
- ''Trận chiến giữa rừng xanh'' là một câu chuyện thế nào, thưa chị?
- Nó là một vở kịch đồng thoại có khá nhiều yếu tố thần thoại và màu sắc nhân hoá, tượng trưng, tưởng tượng, với rất nhiều nhân vật ''siêu nhân''. ''Trận chiến'' được bắt đầu từ một ý tưởng ''đi cứu Trái Đất'' của hai đứa trẻ, trong một giấc mơ buồn về thảm hoạ môi trường của Trái Đất. Cuộc chiến bất phân thắng bại, để nói với các em rằng: Thảm hoạ vẫn còn, chừng nào còn đó cái xấu, cái sai trong mỗi con người. Mà ở các em, đôi khi chỉ là vì một lần đổ rác không đúng chỗ, một lần vượt đèn đỏ, một lần quên vặn vòi nước...
- Hình như thông điệp ấy không mới về môi trường?
- Với trẻ em, tôi nghĩ, chúng ta không nên nhồi nhét vào chúng quá nhiều bài học. ''Trận chiến giữa rừng xanh'' chỉ muốn dạy các em những điều bé như thế thôi, bé nhưng rất dễ bị quên và thành thói quen không tốt ở trẻ, nếu không được dạy.
- Trẻ con thế hệ ''hoạt hình và trò chơi điện tử'' dường như không dễ ''dạy'' thế đâu, nếu như trong vở của chị không có được nhiều trò ''choáng và lạ''?
- Rõ ràng đã qua rồi cái thời chúng ta có thể dạy các em bằng những hoạt cảnh sân khấu đơn giản cùng những bài ''rao giảng đạo đức'' phô diễn! Trẻ con bây giờ thông minh hơn nhiều và do đó, cũng ''kén hàng'' và ''khó ăn dỗ'' hơn nhiều. Không có siêu nhân, siêu nhiên, đĩa bay, tên lửa..., không làm được các em cảm thấy lo lắng, hồi hộp bằng những tiết tấu nhanh, mạnh như trong hoạt hình và trò chơi điện tử thì đừng hy vọng ''thấm'' được vào các em điều gì!
- Theo chị, cái khó trong dàn dựng một vở kịch thiếu nhi so với một vở kịch dành cho người lớn là gì?
- Dựng một vở kịch cho người lớn, chỉ cần tính thế nào cho người lớn cảm thấy xem được, chứ không nhất thiết phải làm trẻ con hiểu. Nhưng dựng một vở kịch thiếu nhi, ngoài việc khiến các em thích, còn phải làm cho giới phụ huynh cảm thấy chấp nhận được.
(Theo Lao Động) |