Đời sống khá giả hơn, người ta đang chuyển từ uống bia sang uống rượu vang. Bên cạnh các loại vang nhập khẩu, vang Việt Nam đang bước những bước chập chững đầu tiên với hy vọng chia sẻ một phần thị trường.
Thay vì uống bia như mọi năm, tết năm nay, ông Nhật mang mấy chai vang ngoại để uống nhưng khi khui ra cả nhà lại chê là vang chát, không ngọt và dễ uống như vang Việt Nam. Ông lại bảo: ''Thế mới là vang ngon''
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rượu bia nhận xét, tiềm năng thị trường của vang Việt Nam là rất lớn, vì người tiêu dùng đang chuyển từ uống rượu nặng và bia sang uống vang. Người Việt Nam cũng bắt đầu thích vang chát hơn vang ngọt.
Rượu vang đầu tiên của Việt Nam
TS. Nguyễn Quang Hào, giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ nhận mình là người đầu tiên bảo vệ luận án khoa học về rượu vang. Học vi sinh vật ở Liên Xô về, ông thắc mắc tại sao nước mình lại không có rượu vang trong khi có rất nhiều loại trái cây. Luận án năm 1984 của ông đã ngay lập tức được chuyển thành vang Thăng Long, rượu vang đầu tiên của Việt Nam. Ông nói: ''Lúc đó điều kiện còn rất khó khăn, không có những thiết bị để ép lấy dịch hoa quả như cách làm rượu vang bài bản bình thường. Tôi lấy dịch hoa quả bằng cách trích ly, nghĩa là ngâm đường hoa quả như ướp sirô''. Vì thế, dòng rượu vang Việt Nam đầu tiên rất ngọt, dân mình dễ uống. Hơn nữa, kiểu ngâm đường lấy sirô này dễ làm, giá thành rẻ, lượng quả trong vang ít, ông Hào nói.
Cuộc thi rượu vang quốc tế lần thứ hai do Press Club tổ chức vào tháng 1 vừa qua là sân đua tài lớn nhất và danh giá nhất của ngành công nghiệp mới mẻ này ở nước ta. Tham gia cuộc thi có 22 sản phẩm rượu từ 10 đơn vị trong nước trên tổng số 400 loại rượu. Trung tâm thử nếm London trao ba giải khuyến khích cho rượu Champagne của Công ty rượu Hà Nội, rượu vang dâu của Công ty thực phẩm Lâm Đồng và vang đỏ Pháp Quốc của Công ty Pháp Quốc. Việc này cũng cho thấy các nhà tổ chức cuộc thi tiêu chuẩn quốc tế này đã phải cố gắng khuyến khích vang Việt Nam. ''Chất lượng vang Việt Nam còn khoảng cách rất xa so với vang nước ngoài'', ông Hùng nói.
Nho hay không nho?
Ngay trong ngành rượu vang Việt Nam, có hai quan điểm khác nhau về hướng phát triển. Một quan điểm cho rằng, nếu Việt Nam chạy theo cách làm vang nước ngoài bằng nho thì sẽ không bao giờ cạnh tranh được với vang nhập khẩu. Một chuyên gia nghiên cứu rượu vang nói, ''Tốt nhất nên tìm một hướng đi riêng, những loại rượu làm từ quả đặc thù của Việt Nam''. Thế là khái niệm vang được mở rộng ra là nước quả lên men. Các loại quả như dâu, dâu tây, sơri, mơ, táo mèo... có thể làm được vang mà giá thành lại rẻ. Công ty Vang Thăng Long vừa cho ra đời một loại vang trắng làm từ quả vải, một đầu ra đầy hứa hẹn cho bà con nông dân vùng vải Lục Ngạn. Vang Sapa của Trường Xuân làm từ dâu và táo mèo, vang Hibicus làm từ nhị hoa bụt mọc, nhập giống từ Bắc Phi.
''Việt Nam làm được rất nhiều thứ, nhưng riêng rượu vang thì để chúng tôi làm'', tổng giám đốc một khách sạn lớn ở Hà Nội, quê ở vùng vang nổi tiếng Bordeaux của Pháp nói: ''Nếu không có nho thì chỉ là nước quả chứ không phải vang''.
Đến năm 2002, theo tài liệu của Hiệp hội Rượu bia nước giải khát Việt Nam, ước tính tổng sản lượng vang sản xuất tại Việt Nam đạt 12,5 triệu lít. |
Thế mà có một nhóm các nhà khoa học đang ấp ủ mơ ước sản xuất vang Việt Nam chất lượng cao. Với ông Nguyễn Quang Hào, đó là được làm vang thật bài bản. Nguyên liệu phải là nho thật ngon, chứ không phải là loại quả khác. Và phương pháp làm là lấy dịch quả, không phải ngâm sirô. Ông Hào đang nghiên cứu loại nho trồng ở Phan Rang. Vùng đất xấu, phèn mặn, thời tiết nóng ở xung quanh Phan Rang lại trồng được nho có năng suất rất cao, mỗi năm cho tới bốn vụ quả.
Vina Wine của Công ty Việt Năng ở Hà Nội là loại vang nho kiệt đường đầu tiên khá thành công. Loại vang này làm hoàn toàn từ nho Ninh Thuận, không pha cồn, sau khi sơ chế được chở ra Hà Nội và đích thân TS. Hào cùng cộng sự là TS. Khuất Hữu Thanh phụ trách khâu pha trộn cuối cùng. Làm kiểu này để được mỗi lít dịch quả phải mất 1,5kg nho.
Lúc đầu vang Vina Wine được bán với giá 37.000 đồng/chai rồi phải hạ xuống 32.000 đồng/chai vì sự cạnh tranh của các loại vang trong nước khác, đặc biệt là vang Đà Lạt. Thế nhưng việc loại vang mới Tháp Chàm chỉ bán với giá 25.000 đồng/chai đang làm các nhà sản xuất Vina Wine lo ngại. ''Chúng tôi không hạ giá thành mà sẽ nâng chất lượng lên. Sau này phấn đấu có vang bán với giá 50.000 đồng/chai'', ông Thanh nói.
(Theo TBKTSG) |