,
221
1341
Tin nổi bật
tinnoibat
/tinnoibat/
748062
WTO không phải là nơi để xin "thông cảm"!
1
Article
null
,

WTO không phải là nơi để xin 'thông cảm'!

Cập nhật lúc 12:33, Chủ Nhật, 25/12/2005 (GMT+7)
,

Gia nhập WTO không phải bằng mọi giá, hẳn nhiên rồi. Nhưng với tư duy theo kiểu “chỉ có đáp ứng được điều kiện của ta” thì biết đến bao giờ?

"Lỡ tàu" WTO: nguyên nhân không từ một phía

Cái giá của việc "lỡ tàu" WTO

WTO: Cánh cửa khó mở hơn với VN

Việc không trở thành thành viên WTO cuối năm 2005 như dự kiến, chủ yếu bắt nguồn từ những phức tạp trong cách tiếp cận vấn đề với Mỹ. Họ không quan tâm nhiều lắm tới lợi ích của VN.

Vấn đề mà họ quan tâm chỉ là những lợi ích mà VN sẽ đem (lại) “cho” họ là như thế nào. Trong khi đó, lợi ích mà Mỹ hứa hẹn chỉ là... qui chế thành viên WTO cho VN, trong đó có qui chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn. Tuy nhiên vấn đề không chỉ có thế...

Lỡ hẹn chuyến tàu WTO còn là do Mỹ đặc biệt nhạy cảm với những “hứa hẹn suông”. Do “tiền lệ” Trung Quốc, sau khi trở thành thành viên WTO đã không thực hiện đúng những gì mà mình đã hứa trước đó mà nay với VN, cùng với những gì mà VN chưa đáp ứng trong thực hiện Hiệp định song phương thương mại Việt - Mỹ (BTA) mà Mỹ, cùng với các nước khác, buộc VN phải cam kết tiếp cận thị trường trước khi gia nhập WTO. Đáp ứng ngay một sớm một chiều yêu cầu này thật là quá khó.

Chuyên gia thương mại Fred Burke - Công ty Luật Baker&McKenzei tại VN - còn nhận định thêm trên Wall Street Journal số ra ngày 14-12-2005 (www.wsj.com) rằng VN đã không nhận được nhiều những ủng hộ rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế lobby theo hướng có lợi cho việc gia nhập WTO. Nếu đúng là như thế thì quả đáng buồn và dường như chúng khác với những gì mà các nhà đàm phán giải thích trước công luận.

Lỡ hẹn chuyến tàu WTO còn do những sai lầm và thiếu chuẩn bị nghiêm túc trong đàm phán. Bộ trưởng Bộ Thương mại VN đã từng thừa nhận sự thật này rằng “mỗi ngành khi đi đàm phán đều có phương án đàm phán riêng của mình mà trưởng đoàn đàm phán không biết”.

Gia nhập WTO không phải bằng mọi giá? Quan điểm của Chính phủ khá rõ ràng và cứng rắn, cố gắng tối đa nhưng không phải bằng mọi giá với phương châm không chấp nhận những gì mình không làm được, không chấp nhận những đòi hỏi có khả năng dẫn đến “đổ vỡ” nền kinh tế.

Điều này nhận được sự đồng thuận từ mọi giới, không thể đánh đổi mọi thứ để đưa nền kinh tế đến khủng hoảng. Tuy nhiên, quan điểm của các nhà đàm phán cho rằng “chúng ta sẽ không đặt ra mục tiêu ngày tháng gia nhập nữa, bao giờ đối tác đáp ứng điều kiện của ta thì ta vào” thì lại có vấn đề.

Sự đổ vỡ - theo như các nhà đàm phán - là gì? Đây chính là điểm mơ hồ nhất và cũng là cái cớ dễ nhất để thuyết phục công luận rằng vì sao VN không thể hội nhập vào WTO như dự kiến. Kinh tế VN nói chung và hệ thống tài chính tiền tệ nói riêng thật sự có dễ đổ vỡ đến mức phải lo ngại như thế hay không? Dường như những đánh giá thái quá này là ngược lại với những gì mà các tổ chức quốc tế nhận định về nền kinh tế VN.

Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới đã đánh giá khá tốt triển vọng tăng trưởng của VN trong giai đoạn 1998-2004. Xin trích dẫn ra đây một số chỉ tiêu trọng yếu, năm 2004 WEF đánh giá xếp hạng điều hành chính sách tiền tệ của VN hạng 15/104, chỉ số xếp hạng môi trường kinh tế vĩ mô hạng 58/104, chỉ số tín nhiệm tài chính quốc gia hạng 68/104, kỳ vọng về xảy ra suy thoái hạng 34/104, chính sách tỉ giá (thông qua tỉ giá thực, phản ánh điều chỉnh tỉ giá theo ngang giá sức mua) hạng 38/104.

Nếu so với chỉ số tham nhũng cũng trong năm 2004 là “cực thấp” (hạng 97/104), thì các chỉ số xếp hạng triển vọng tăng trưởng và “ổn định” là quá tốt trong cách nhìn của cộng đồng quốc tế.

Lý do nền kinh tế (hệ thống tài chính tiền tệ) dễ đổ vỡ là khó thuyết phục, vậy thì lý do thật sự là gì? Mặc dù không được lý giải chính thức song không ai không biết sự đổ vỡ hàng loạt xảy ra là từ khu vực quốc doanh. Những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ mọi “trì hoãn” có thể kể là các ngành viễn thông, dầu khí, điện lực, các doanh nghiệp nhà nước độc quyền và hệ thống các ngân hàng quốc doanh.

Việc chậm tái cấu trúc khu vực quốc doanh - trong đó có các doanh nghiệp nhà nước độc quyền - khiến hàng loạt đổ vỡ có khả năng xảy ra sau khi gia nhập WTO là do lỗi của ta tự tạo ra hay là do đối tác yêu cầu cao? Ngay từ những năm 2003, Thủ tướng đã từng khẳng định đến năm 2004 sẽ cổ phần hóa xong hàng loạt ngân hàng quốc doanh, thế nhưng cho đến nay đã có ai trong số đó cổ phần hóa?

Không ai lạ gì hình tượng “cổ phần hóa chậm như... Vietcombank” để khái quát hóa công cuộc cải cách toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Với thực trạng này, không lạ gì khi bất cứ những yêu cầu nào của các đối tác cũng là quá cao so với sức chịu đựng của khu vực... quốc doanh, chứ không hẳn là đối với toàn bộ nền kinh tế.

Trước đây các nước vẫn còn có những úp mở, thì nay có lẽ sau khi nhận được thông tin và cũng là quan điểm chính thức từ phía VN, đã có những phản ứng gì?

Lập luận của kẻ mạnh? “Bóng đang ở sân của VN và họ phải quyết định xem nhượng bộ tới mức nào là chấp nhận được để gia nhập WTO. Người nghèo ở đâu, kể cả Mỹ hay các nước châu Âu, đều có người nghèo (chứ không chỉ VN)”, Adam Sitkoff - giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại VN - đã tuyên bố thẳng thừng như thế ngay trước ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh WTO tại Hong Kong (www.bbc.co.uk/vietnamese).

Trong phiên khai mạc hội nghị Bộ trưởng Tổ chức thương mại thế giới tại Hong Kong, chủ tịch WTO cũng đã tuyên bố dứt khoát rằng các nước cần phải biết “chấp nhận rủi ro” khi gia nhập WTO. Trong tất cả các phát biểu này, không có chỗ chỉ khái niệm “công bằng” hay ân huệ...

Có thể hiểu các phát biểu tiếp theo của ông Adam Sitkoff như sau: đàm phán giữa các nước không phải khi nào cũng đi đến kết quả công bằng, vấn đề là “tài nghệ đàm phán” của các nhà đàm phán biết cân nhắc thiệt hơn trên cơ sở lợi ích đất nước mình. VN muốn vào WTO chứ không phải các nước đang đàm phán với VN, do đó VN phải quyết định xem nhượng bộ tới mức nào là chấp nhận được để gia nhập WTO.

Thế thôi, đó là lý lẽ của kẻ mạnh. Chính vì thế, cần phải nhớ rằng một khi đã chấp nhận gia nhập vào bàn cờ WTO, tức là đấu trí chứ không phải năn nỉ xin thông cảm, nghĩa là phải chấp nhận những lợi thế so sánh nhất định của kẻ mạnh trên bàn cờ. Còn việc tuyên bố “bao giờ đối tác đáp ứng điều kiện của ta thì ta vào” xem ra không phải là một giải pháp win - win solution (đôi bên cùng có lợi) vốn là xu thế đàm phán hiện nay.

Càng trì hoãn, càng “nuông chiều” một số ít khu vực quốc doanh nhận được quá nhiều đặc quyền đặc lợi. Gia nhập WTO không phải bằng mọi giá, hẳn nhiên rồi. Nhưng với tư duy theo kiểu “chỉ có đáp ứng được điều kiện của ta” thì biết đến bao giờ?

Đã gọi là đấu cờ, ai có lợi thế so sánh hơn thường là người thắng cuộc. Kẻ thắng người thua đều bắt tay nhau sau khi kết thúc ván cờ. Cái bắt tay hàm ý cảm ơn người thắng đã chỉ cho người thua cuộc biết vì sao họ thua và hãy đợi đấy lần sau tôi sẽ chuẩn bị tốt hơn. Thay vì cho rằng khi nào “đáp ứng điều kiện của ta thì ta vào”, ta có thể nói rằng “khi nào cả hai bên đạt được sự đồng thuận nhất định thì ta vào”.

Trong cái rủi lại có cái may, việc chậm trở thành thành viên WTO có thể lại là một cơ may bằng vàng để chúng ta chuẩn bị tốt hơn nữa những tiền đề cần thiết cho lần đàm phán sau, quyết liệt nhất vẫn là những cải cách đột phá trong khu vực doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, tránh những đổ vỡ hàng loạt sau khi gia nhập WTO.

Có rất nhiều cơ sở để hi vọng về những cải cách đột phá tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công cuộc hội nhập vào WTO, đó là hội nhập vào WTO không đơn thuần là một quyết sách kinh tế, mà còn thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trước cộng đồng quốc tế trong việc lèo lái kinh tế VN trở thành một phần không thể thiếu được của kinh tế toàn cầu.

  • PGS.TS TRẦN NGỌC THƠ (ĐHKT TP.HCM - Theo TTCN)

,
,