,
221
1341
Tin nổi bật
tinnoibat
/tinnoibat/
717204
VN đứng thứ 10 về thu hút đầu tư ở châu Á-TBD
1
Article
null
,

VN đứng thứ 10 về thu hút đầu tư ở châu Á-TBD

Cập nhật lúc 15:25, Thứ Ba, 11/10/2005 (GMT+7)
,

“Việt Nam có thể lạc quan về triển vọng thu hút FDI trong những năm tới…” Đó là nhận xét của ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại buổi công bố Bản báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2005 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD) diễn ra chiều 10/10.

Những dấu hiệu lạc quan và...

Theo bản báo cáo này, năm 2004, Việt Nam thu hút được hơn 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng hơn so với 1,45 tỷ USD năm 2003. Cũng theo báo cáo này, Việt Nam đứng thứ 10 ở châu Á Thái Bình Dương trong giai đoạn 2003-2004 về mức thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài và chỉ thua Singapore (16 tỷ USD, thứ 3) và Malaysia (5 tỷ USD, thứ 6) trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Jonathan Pincus nhận xét, thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều tiến bộ và Việt Nam có thể lạc quan về triển vọng thu hút FDI trong những năm tới… Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn phàn nàn về việc những thủ tục hành chính của Việt Nam còn rườm rà. Chính điều này đã cản trở dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam. Vì thế Việt Nam phải tích cực và chủ động hơn nữa trong việc cạnh tranh thu hút FDI với các nước khác, nhất là các nước trong khu vực. Theo ông Pincus, những lĩnh vực đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam là khai thác dầu khí và khoáng sản, lĩnh vực hàng tiêu dùng và sản xuất các mặt hàng xuất khẩu sang các nước khác.

Ông Pincus cũng kể lại câu chuyện giữa ông và một giám đốc khu vực một tập đoàn lớn của Mỹ. Khi bàn về môi trường đầu tư ở Việt Nam, nhà đầu tư này cho rằng, ông luôn nghĩ đến việc đầu tư vào Việt Nam nhưng dường như Việt Nam chưa sẵn sàng tiếp nhận các nguồn đầu tư lớn. Trong khi đó Việt Nam lại có một vị trí rất thuận lợi trong khu vực, chính sách thu hút đầu tư rộng mở và đặc biệt là có một nền chính trị, an ninh ổn định.

Các nước đang phát triển trở thành điểm sáng trong thu hút FDI

Ông Jonathan Pincus

Cũng theo báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2005, năm 2004, thu hút đầu tư nước ngoài của các nước đang phát triển đã lên tới 233 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2003. Trong khi đó, dòng FDI đổ vào các nước phát triển lại giảm 14%, chỉ còn 380 tỷ USD.

Điểm nhấn của báo cáo là việc xuất hiện xu hướng các tập đoàn đa quốc gia chọn những nước đang phát triển để chuyển hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của mình. Và châu Á là điểm đến rất được ưa chuộng của hoạt động R&D vốn đang được các tập đoàn đa quốc gia chi tiêu ngày một mạnh hơn.

Những điều trên có nghĩa là cơ hội mới về đầu tư và việc làm đang mở ra cho các nước đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo của UNCTAD, Việt Nam là 1 trong 5 nền kinh tế đang phát triển được coi là ứng cử viên tiềm tàng cho nghiên cứu và phát triển. Thăm dò của UNCTAD cho thấy 1,5% các tập đoàn được hỏi cho rằng "Việt Nam là một nơi đáng để mở rộng hoạt động R&D”. Tỷ lệ này tương đương với những nước lớn như Tây Ban Nha, Mexico, Israel, Nam Phi, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Na Uy và Australia.

Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Một góc TP Đà Nẵng hôm nay

Theo UNCTAD, để tiếp nhận được dòng vốn đầu tư R&D, các nước phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các công ty nội địa, cải thiện các điều luật và cơ quan liên quan. Và sự tham gia chủ động, chặt chẽ của chính phủ, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo, giáo dục, hệ thống bảo vệ tác quyền và chính sách đầu tư có tầm quan trọng đặc biệt. 

UNCTAD cũng cảnh báo rằng các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) với năng lực đổi mới còn yếu không nên trông chờ dòng vốn cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển từ các công ty xuyên quốc gia trong thời gian ngắn. Những nước này cần bắt đầu xem xét xây dựng quy trình để khuyến khích các hoạt động giúp cải tiến công nghệ và thúc đẩy kinh tế. Đây là một nhiệm vụ khó khăn và các nước sẽ phải cần đến sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong việc phát triển nguồn nhân lực.

  • VOV
,
,