Một người Việt Nam thiệt mạng vì sóng thần ở Thái Lan?
Hãng Reuters đưa tin từ Bangkok cho biết, ngày 29/12, Cục Ngăn ngừa và giảm nhẹ thảm họa của Thái Lan đã công bố danh sách 473 người nước ngoài bị thiệt mạng và gần 1.400 người bị mất tích do sóng thần ở Thái Lan, trong số người thiệt mạng có 1 người Việt Nam chưa rõ danh tính.
Rất có thể, nạn nhân người Việt chưa rõ danh tính này có mặt ở Phuket với tư cách là người lao động. Cho đến nay, con số người chết và mất tích trong thảm họa này vẫn không ngừng gia tăng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, con số thiệt mạng do thảm họa sóng thần có ở Nam và Đông Nam Á thể lên đến 110.000 người vì hiện vẫn còn hàng chục nghìn người mất tích. Những thống kê mới nhất cho biết đã có hơn 77.000 người chết vì động đất và sóng thần, trong đó Indonesia chịu thiệt hại nặng nề nhất với 36.268 người thiệt mạng, Sri Lanca hơn 22.000, Ấn Độ hơn 12.500...
THIỆT HẠI DO THIÊN TAI TRONG NĂM 2004 LÊN TỚI TRÊN 100 TỈ USD |
Báo "Tin tức Pretoria" (Nam Phi) ngày 29/12 đánh giá năm 2004 là một năm loài người sống trong nguy hiểm với nhiều thảm họa thiên tai khủng khiếp. Theo ước tính sơ bộ (chưa kể thiệt hại do thảm họa động đất và sóng thần vừa gây ra tại nhiều nước Đông Nam Á và Nam Á), thiệt hại mà thiên tai gây ra trong năm nay lên tới mức kỷ lục trên 100 tỷ USD. Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sỹ cho biết tổn thất do thiên tai gây ra chủ yếu liên quan đến môi trường, nhiều trận bão lớn với tần suất dày hơn đã xảy ra do hệ quả của sự biến đổi khí hậu. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm gần đây có tới 150.000 người chết do hậu quả của thay đổi khí hậu. Trong năm 2004, có tới 94% số tiền bồi thường mà các công ty bảo hiểm chi trả liên quan đến thảm họa thiên tai. Các nhà khí tượng và các tổ chức môi trường quốc tế mới đây cảnh báo rằng nhiều thảm họa thiên tai sẽ xảy ra ở châu Á trong những thập kỷ tới do sự biến đổi khí hậu. Theo dự báo này, việc Trái Đất nóng lên và việc thời tiết đang liên tục biến đổi ở châu Á khiến châu lục này hiện đã phải chịu ngày càng nhiều những thảm họa thiên tai như hạn hán, bão lụt, dịch bệnh, mất mùa và mực nước biển dâng cao./. |
Chính phủ Indonesia khẳng định, tỉnh Aceh là nơi bị thiệt hại nhất trong vụ thảm họa này. Ông Michael Elmquist, Trưởng phái bộ Liên hợp quốc phụ trách điều phối các hoạt động nhân đạo ở Indonesia, dự đoán rằng số người thiệt mạng có thể từ 50.000-80.000 người, trong đó chỉ riêng thị trấn ven biển Meulaboh của tỉnh Aceh, cách tâm chấn động đất 150 km, ước tính khoảng 85% trên tổng số 50.000 dân của thị trấn đã bị thiệt mạng.Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã ra lệnh cho quân đội nước này mở đường vào các vùng bị cô lập ở tỉnh Aceh để các nhân viên cứu trợ có thể tiếp cận các vùng này.
Tiếp tục những nỗ lực cứu trợ
Ngày 29/12 Tổng thống Mỹ George Bush đã tuyên bố thành lập Nhóm trợ giúp quốc tế để đối phó với thảm họa do động đất và sóng thần gây ra ở ven biển Ấn Độ Dương. Trong cuộc họp báo đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ khi xảy ra trận động đất và sóng thần ở Châu Á, Tổng thống Bush cho biết Mỹ đã cùng Ấn Độ, Nhật Bản và Ôxtrâylia thành lập "Nhóm nòng cốt khu vực" để điều phối các hoạt động cứu trợ ở khu vực này và tin rằng nhiều nước khác sẽ sớm tham gia.
Ông Bush cho biết Lầu Năm Góc đã điều đơn vị Lính thủy đánh bộ viễn chinh, tàu sân bay Abraham Lincoln và một lữ đoàn lính thủy đánh bộ khác đóng tại Guam tới khu vực bị nạn để hỗ trợ cho công tác cứu hộ. Cho tới lúc này Mỹ đã cam kết trợ giúp 35 triệu USD cho các nước bị thảm họa động đất và sóng thần.
Tổng thống Bush mô tả trận động đất và sóng thần tàn phá nhiều vùng ven biển Inđônêxia, Ấn Độ, Xri Lanca, Thái Lan và nhiều nước khác ven bờ Ấn Độ Dương là "một trong những thảm họa thiên nhiên lớn trong lịch sử thế giới". Ông Bush nói "rõ ràng là đã không có hệ thống cảnh báo tương xứng ở khu vực này của thế giới" và cho rằng "thế giới cần hợp sức phát triển một hệ thống cảnh báo, mà có thể hỗ trợ cho tất cả các nước".
Trong khi các nước đang tiếp tục khẩn trương triển khai các hoạt động cứu trợ tới các vùng bị ảnh hưởng của động đất và sóng thần, Chính phủ Thụy Điển đã tỏ ý lo ngại trước khả năng phần lớn trong số 1.500 du khách Thụy Điển mất tích ở Thái Lan có thể đã thiệt mạng và như vậy, Thụy Điển có khả năng trở thành nước châu Âu bị tổn thất sinh mạng lớn nhất trong thảm họa thiên tai này. Theo ước tính của nhà chức trách, có khoảng 20.000 đến 30.000 du khách Thụy Điển đi nghỉ tại các nước bị nạn, trong đó thể có tới 10.000 người tổ chức các chuyến du lịch độc lập không thông qua các công ty du lịch. Đến nay, các cơ quan chức năng mới chỉ xác định được danh tính của 6 du khách Thụy Điển bị thiệt mạng và 1.500 người mất tích trong thảm họa này.
Ngày 29/12, Thủ tướng Malaysia A. Badawuy đã tuyên bố không tổ chức lễ hội chào đón Năm Mới và kêu gọi nhân dân cầu nguyện cho các nạn nhân.
Ngày 29/12, Singapore quyết định sẽ phái 530 binh sĩ, 1 tàu lớn của Hải quân và 4 máy bay trực thăng đến Indonesia để cứu trợ các nạn nhân của trận động đất, sóng thần. Trước đó, Singapore cũng đã viện trợ cho Indonesia khoảng 300.000 USD tiền mặt, nhiều lều bạt, thuốc men và lương thực trị giá khoảng 900.000 USD. Chính phủ Indonesia ước tính hư hại về cơ sở hạ tầng ở tỉnh Aceh và Bắc Sumatra sau trận động đất và sóng thần vừa qua đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 10.000 tỷ rupiah (khoảng 1,08 tỷ USD).
Ngày 29/12, Chính phủ Anh cam kết viện trợ 15 triệu bảng Anh (28,9 triệu USD) để hỗ trợ nỗ lực cứu giúp những người sống sót sau thảm họa sóng thần vừa tàn phá một loạt quốc gia ven biển ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Phát biểu trên đài BBC, Quốc vụ khanh phụ trách phát triển quốc tế Hilary Benn nói: "Hiện tại tôi nói rằng Chính phủ Anh sẽ bước đầu viện trợ 15 triệu bảng để cứu trợ thảm họa". Ông cho biết số tiền trên là cam kết lớn thứ hai sau Mỹ trong việc hỗ trợ khắc phục thảm hoạ động đất và sóng thần khiến hàng chục nghìn người ở một số quốc gia châu Á thiệt mạng, đồng thời làm vô số người bị thương và mất nhà cửa.
Tại Tôkyô, các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, trong cuộc điện đàm ngày 29/12, Ngoại trưởng Nhật Bản Nobutaka Machimura và người đồng cấp, ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã thỏa thuận thiết lập một cơ chế hợp tác quốc tế nhằm trợ giúp các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần ở Nam và Đông Nam châu Á. Theo các quan chức trên, hai ngoại trưởng đều cho rằng việc thiết lập một cơ chế hợp tác rất quan trọng cho các hoạt động khắc phục những thiệt hại do thảm họa này gây ra. Hai bên cũng đã thỏa thuận hợp tác song phương trong nỗ lực cứu giúp các nạn nhân.
Nguy cơ cho hệ sinh thái
Theo các nhà khoa học, trận động đất và sóng thần khủng khiếp vừa xảy ra tại nhiều nước Đông Nam Á và Nam Á hôm 26/12 vừa qua không chỉ gây thiệt hại nặng về người và vật chất cho các nước này mà còn ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái ven biển và phải mất nhiều năm các dải san hô quý và những khu rừng đước ven biển mới có thể phục hồi.
Theo các chuyên gia, các vỉa san hô ở vùng biển Sri Lanca và vùng biển Phuket của Thái Lan đã bị phá hủy nghiêm trọng, trong khi đó các đảo san hô ở Malives và ở miền Nam Thái Lan đã bị sóng thần san phẳng. Tốc độ trưởng thành của san hô rất chậm mỗi năm chỉ được khoảng 0,5cm. Điều này sẽ đặt ra một thực tế rất đáng lo ngại vì các dải san hô và rừng đước ven biển vốn được sử dụng làm lá chắn sóng.
Tình trạng trên sẽ dẫn đến những thiệt hại kinh tế lớn trong tương lai vì những khu vực nuôi trồng hải sản của các nước sẽ bị tác động tiêu cực; ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng do mất các điểm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, môi trường sống của các loài sinh vật vùng ven biển sẽ bị xáo trộn hoàn toàn sau thảm họa thiên nhiên này.
(Đ.Q - Theo Reuters, AFP và TTXVN)