Trắc ẩn nghề đánh phấn, tô son người chết

Cập nhật lúc 09:29, 06/11/2010 (GMT+7)

Người đời vẫn hay độc địa, kỳ thị những người làm nghề này bị âm khí lạnh của người chết bám vào người nên lúc nào cũng lạnh lùng, “lạnh như nhà xác”. Nhưng không phải các anh không bao giờ biết sợ. Khó khăn lớn nhất là phải vượt qua sự sợ hãi của bản thân.

TIN BÀI KHÁC:


Như một sự sắp đặt của số phận, cuộc sống mưu sinh đã vô tình đưa những con người ấy đến với cái nghề quanh năm tiếp xúc với người chết...

Mùng 2 Tết, cả nhà đang hưởng không khí Xuân êm ấm thì điện thoại ông Ng.Ng.A. (ở phường 25, quận Bình Thạnh) đổ dồn. Đầu dây điện thoại bên kia từ nhà xác bệnh viện nơi ông làm báo tin có một xác chết bị tai nạn giao thông, gia đình nạn nhân mời ông đến chỉnh chu để họ tẩn liệm rồi mang đi hỏa táng. Nghĩ đến hoàn cảnh của gia đình người chết, ông A. nói nhỏ với vợ và xách hộp đồ nghề chuẩn bị lên đường.

Chăm chút tử thi bị tai nạn là một công việc khó khăn nhưng là việc làm thường xuyên của các “chuyên gia”


Vào đến nhà xác, đông đủ người thân gia đình nạn nhân bu quanh cái xác khóc bù lu bù loa. Hai mươi năm trong nghề, ông A. thấu hiểu hoàn cảnh trước mất mát của họ. Cái xác là người thanh niên chừng 30 tuổi, có lẽ cậu quá chén nên trong đêm mùng 1 Tết trên đường lái xe ô tô về nhà đã tông vào giải phân cách và cái xe lật ngang, khiến cậu bị gãy cổ, chấn thương sọ não chết tại chỗ.

Ông A. lẳng lặng mở hộp đồ nghề, lấy bộ trang phục ni lông, cùng khẩu trang, găng tay mang vào và bắt đầu công việc của mình. Ông sắp xếp lại tư thế và ‘‘gắn’’ lại cái chân gãy được quấn bằng lớp vải trắng. Vài vết máu của xác nạn nhân dính trên bộ phục trang của ông. Kế đến ông lau chùi máu và tắm cái xác bằng rượu, hương dầu thơm, sau đó ông lấy thỏi son, cùng phấn tiến hành make-up cho khuôn mặt nạn nhân hồng hào, tươi tỉnh như người đang còn sống. Cuối cùng là mặc cho cái xác bộ vải trắng và người nhà còn mang theo sẵn một bộ veston, cà-vạt đề nghị mặc cho cái xác như một công tử nhà giàu thực sự. Khâu cuối cùng là đặt cái xác vào hòm làm thủ tục khâm liệm.

Công việc hoàn tất, ông A. trở về nhà vào lúc chạng vạng tối. Vợ ông đón với cái nhìn chia sẻ. Ông dúi vội cái phong bì mà gia đình nạn nhân ‘‘boa’’ cho vợ cất mà chẳng cần biết bên trong chứa bao nhiêu tiền, nhưng ông biết đó chỉ là đồng tiền còm của một ‘‘nhân viên’’ quen ngửi mùi xác chết như ông.

Ông A. không còn nhớ mình đã trang điểm cho bao nhiêu người xấu số để họ “đẹp” hơn trước khi về bên kia thế giới. Công việc của ông bắt đầu từ câu chuyện làm bạn với người bệnh, trong một lần ông được mời về nhà chăm sóc cho một ông cụ trên 70 tuổi.

Cứ thế trong gần một năm, ông thường xuyên đến nhà động viên, an ủi, làm bạn cho đến khi ông cụ qua đời. Khi tẩn liệm ông cụ, người nhà của ông cụ biết giữa hai người có tình cảm đặc biệt nên đề nghị ông tiếp tục công việc giúp tẩn liệm và trang điểm cho ông cụ, thể hiện sự tâm linh. Ông chấp thuận. Không ngờ trong lần thử việc đó, mọi người khen ông có duyên với nghề.

Đôi khi những cái xác đã không còn nguyên vẹn phải qua xử lý hóa chất.


Ông A. nói, suốt cuộc đời ông không bao giờ quên trường hợp một người đến khi chết cũng không có một bộ đồ cho tử tế mà mặc. Lúc nhắm mắt không một ai bên cạnh, một mình ông đẩy băng cả xuống nhà xác chờ đến sáng rồi đi quyên góp tiền từ bà con lối xóm để lo tang ma cho người xấu số. Không ngờ rằng, sau những ngày ấy ông rút ra một điều là khi bệnh tật con người ta đau khổ hơn bao giờ hết và rất cần sự an ủi, động viên chia sẻ và không có gì cô đơn hơn trước lúc lìa trần.

Từ đó, trong xóm ở đâu có người bệnh là ông đến thăm, xem cách mọi người chăm sóc người bệnh và học hỏi để giúp đỡ cho người khác. Từ đó tiếng lành đồn xa, cứ hễ nhà ai có đám tang cũng nhờ ông đến giúp đỡ. Ông học cách nói chuyện với người bệnh, học cách trang điểm cho họ khi chết và ở đâu có đám tang là ông lại... xin được giúp.

Còn Th. – nhân viên nhà Tang lễ nhớ lại một trường hợp đã ám ảnh anh có lẽ suốt cuộc đời làm cái nghề ‘‘không dám nói ai nghe’’ này. Đó là việc anh nhận lời thực hiện công việc tẩn liệm cho một xác thanh niên to cao, nặng chừng 80 kg, bị chết đuối ở hồ. Xác được tìm thấy trong trạng thái phình to như một cái bàn, trọng lượng phải lên đến hơn 100 kg, việc khiêng vác vô cùng vất vả. Mẹ của nạn nhân ngất lên ngất xuống, lo không có cái quan tài nào đựng vừa. Đã thế, lớp da đã hoại tử, chỉ cần chạm nhẹ vào là nứt ra. Khi trông cái xác, anh Th. đã rợn hết người, suýt ngất vì mùi nồng nặc của khối thịt khổng lồ đó, buộc phải chạy ra ngoài cho đỡ chóng mặt. Nhưng người mẹ của nạn nhân đã chạy theo anh, chị khụyu xuống nhưng không còn sức để nói lời nào thể hiện cử chỉ nhờ anh giúp cho gia đình. “Giờ phút ấy, tôi hiểu, nỗi khiếp sợ của mình chỉ đau một, nhưng người phụ nữ kia thì đau gấp trăm lần. Chúng tôi phải dùng thủ thuật chích, hút đề hơi trong người chết thoát ra” – anh Th nói. Kế đến anh tắm rửa cái xác bằng rượu, nước gừng, thay quần áo, đánh chút son cho người chết trước khi nhập quan.

Người đời vẫn hay độc địa, kỳ thị những người làm nghề này bị âm khí lạnh của người chết bám vào người nên lúc nào cũng lạnh lùng, “lạnh như nhà xác”. Nhưng không phải các anh không bao giờ biết sợ. Khó khăn lớn nhất là phải vượt qua sự sợ hãi của bản thân. Không phải ngẫu nhiên mà đa số các nhân viên nhà tang lễ đều là những người đàn ông tóc đã muối tiêu.

Lật những tấm ảnh trong cuốn album dày cộp mà ông A. giữ làm kỷ niệm, thật ngạc nhiên khi ông có thể nhớ rõ hoàn cảnh của từng người, ngày mất, bệnh tật ra sao. Tất cả những người đó khi nhìn vào ảnh có cảm giác họ đang ngủ hơn là đã đi xa. Khuôn mặt được đánh một lớp phấn trắng hồng, mặc quần áo tươm tất.

Ông còn nhớ rõ hình ảnh một bà cụ bị bệnh nằm liệt giường đã lâu không cử động được, phần lưng đã bị thối rữa, ông đã đến và lau rửa sạch sẽ cho bà cụ. Có lần vào mùng 8 Tết, đang ở nhà có một anh chạy xe du lịch đến nhà bảo ông cùng đi xuống Mỹ Tho giúp cho bố anh ta vừa mới bị tai nạn giao thông qua đời, ông lại vội vã lên đường. Ông bảo trong những trường hợp như thế, ông xem họ như người thân của mình và cố gắng hết sức để giúp đỡ họ.

“Không ai tự lựa chọn, như một sự sắp đặt của số phận, cuộc sống mưu sinh đã vô tình đưa những con người ấy đến với cái nghề quanh năm tiếp xúc với người chết...” – ông A. thổ lộ niềm trắc ẩn.

Khác với “chuyên gia” trang điểm người chết trong nước, ở Trung Quốc nghề này được xem là niềm tự hào của những người thực hiện công việc này. Họ buộc phải thi để được công nhận “nhân viên nhà Tang lễ chuyên nghiệp”. Cô gái Jiang Yanyan (24 tuổi), sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Y khoa Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên, Jiang trở thành nhân viên tang lễ một cách tình cờ. “Tôi chỉ nghĩ đó là một công việc đặc biệt và đầy thách thức nên quyết định thử. Thực sự, tôi cảm thấy rất tự hào khi nói với bạn bè về sự lựa chọn của mình. Nó làm cho tôi trở nên khác biệt”, cô nói. Sau một loạt bài kiểm tra khắc nghiệt, Jiang và cô bạn đồng nghiệp Zhang Qingping – tốt nghiệp trường Đại học Y học Trung Hoa cổ truyền Thành Đô – được chọn từ 3.000 ứng cử viên cho vị trí nhân viên ở nhà tang lễ thành phố Thành Đô. Đều được đào tạo 5 năm về ngành y, hai cô gái không hề cảm thấy sợ hãi khi bắt đầu làm việc. “Thỉnh thoảng chúng tôi còn giành việc với nhau nữa”, Jiang cho biết. Cô cảm thấy rất hạnh phúc với công việc của mình vì “có thể xoa dịu phần nào nỗi đau cho các gia đình”, Jiang nói

.
Theo 24h

Ý kiến của bạn

Các tin khác