Hà Tĩnh: Phát hiện la bàn ngà voi 100 tuổi
- Sở VHTT&DL Hà Tĩnh vừa phát hiện một chiếc la bàn bát quái cổ, bằng ngà voi được chế tác chạm khắc rất tinh xảo. Điều thú vị là cho tới nay chiếc la bàn này vẫn đang hoạt động bình thường.
TIN BÀI KHÁC:
Sáng 18/11, trao đổi với VietNamNet, ông Hồ Bách Khoa, Phó phòng Quản lý di sản (SVHTT&DL) Hà Tĩnh cho biết, chiếc la bàn này được ông Võ Đình Thi – Trưởng phòng nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện trong một lần đi sưu tập hiện vật.
Ông Khoa cho biết, chiếc la bàn bát quái này có niên đại khoảng trên 100 năm tuổi, nó được làm từ thời Nguyễn, vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Đây là một chiếc la bàn dùng để xác định phương vị tìm thế đất làm nhà ở, mạch nước để lập cư hay nơi táng mộ với kỳ vọng phát lộc, phát tài và thường được gọi là la bàn phong thủy hay là la bàn bát quái.
Chiếc la bàn vừa được tìm thấy. Ảnh: Bách Khoa
Theo mô tả, chiếc la bàn này có hình vuông, mỗi cạnh dài 6cm, dày 2cm được làm bằng ngà voi có chế tác, chạm khắc rất tinh xảo. Tâm la bàn hình tròn, các chi tiết như kim, phuơng vị, nắp kính còn nguyên vẹn, bao quanh tâm là gờ nổi con lươn bằng đồng đỏ.
Tiếp đến là 5 vòng tròn đồng tâm, vòng trong cùng có biểu tượng của 8 cung của bát quái – 8 phương vị chính (càn, cấn, khảm, chấn, khôn, đoài, ly, tốn). Vòng 2 có các điểm chấm. Vòng 3 có 25 ký tự biểu hiện 10 can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, tý) và 12 chi ( tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi). Vòng 4 có 72 ký tự; vòng 5 khắc họa 12 con giáp; ngoài cùng là vòng đôi giới hạn điểm cuối mặt chính; 4 góc la bàn chạm họa tiết trang trí và 4 cạnh được bao bởi các ô chữ S lồng nhau.
Cạnh của thành la bàn được ốp nổi lên và trên mặt đứng của 4 cạnh la bàn chạm 4 đề tài, được hiểu đó là biểu tượng của 4 mùa (xuân, hạ, thu, đông); phần chính tâm mặt sau của la bàn có khắc biểu tượng âm dương, trên góc phải chạm khắc hình 1 lá nho và 3 chữ hán theo thể tượng hình.
Chiếc la bàn này là vật quý, đã được gia đình ông Lương Hữu Dụng (83 tuổi), xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh bảo lưu theo truyền thống của gia tộc.
Hiện la bàn đã được đưa về cơ quan bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh để nghiên cứu, ông Khoa cho biết thêm.
- V.L