Giá cả thị trường cuối năm "phi mã"

Cập nhật lúc 16:02, 01/11/2010 (GMT+7)

- Kể từ hôm nay (1/11), giá những mặt hàng như gas, thép, hàng điện tử… sẽ được điều chỉnh tăng mạnh, do giá nhập khẩu nguyên liệu lên cao.

TIN BÀI KHÁC:

Giá cả phi mã

Theo thông tin từ các công ty kinh doanh mặt hàng nhập khẩu, sáng nay (1/11), hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng đã bắt đầu tăng giá mạnh. Đi tiên phong trong đợt tăng giá này phải kể đến là giá gas.

Cụ thể, kể từ 7h30 phút ngày 1/11, giá gas trong nước sẽ được điều chỉnh tăng thêm khoảng 25 nghìn đồng/bình 12 kg. Như vậy, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của một bình gas 12 kg sẽ xấp xỉ 300.000 đồng/bình.

Cùng với đó, giá một loạt các mặt hàng thiết yếu như khí hóa lỏng LPG, vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, sữa tiếp tục “điệp khúc” tăng giá mạnh. Kể từ đầu tháng 11, giá thép được điều chỉnh tăng thêm khoảng 100 - 200.000 đồng/tấn (tùy loại). Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ phổ biến ở mức khoảng 15 triệu đồng/tấn.

Trước đó, tuy chưa thông báo tăng giá bán, nhưng một số sản phẩm nhập khẩu như máy tính xách tay, máy ảnh, máy nghe nhạc, xe máy… đang niêm yết bằng USD tại một số cửa hàng cũng âm thầm tăng giá ngay sau khi giá USD được điều chỉnh tăng.

Hay việc tăng giá phân bón hiện nay đang là nỗi lo của nhà nông. Mặc dù, lượng phân bón sản xuất trong nước vẫn chưa đủ cung ứng cho vụ đông-xuân sắp tới, nhưng chiều 31/10, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, giá phân bón các loại cũng đã tăng bình quân từ 20-30%.

Nguyên nhân đẩy giá cả lên cao?

Trên VnMedia, ông Đỗ Trung Thành, Phó trưởng phòng kinh doanh của Công ty Saigon Petro, cho biết, nguyên nhân của việc giá gas tăng mạnh là do giá gas thế giới tháng 11/2010 tăng 92,50 USD/tấn lên tới mức 782,5 USD/tấn. Với mức tăng như vậy, công ty buộc phải điều chỉnh tăng thêm 25 nghìn đồng/bình gas 12 kg.

Còn theo ông Trần Anh Vương, Giám đốc công ty thép Bắc Việt, nguyên nhân chính của việc tăng giá bán thép là do giá mặt hàng này trên thế giới đã liên tục được điều chỉnh lên cao và hiện đang đứng ở mức hơn 600 USD/tấn đối với phôi thép nhập khẩu và thép phế khoảng hơn 400 USD/tấn.

Ngoài ra, việc tăng giá mạnh mẽ của đồng USD so với VND trong thời gian qua đã khiến doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong việc mua bán và thanh toán hàng hóa. Vì vậy, buộc các công ty phải đẩy giá lên cao để phù hợp với xu hướng chung của thị trường.

Theo tính toán, trong tháng 10, cả vàng và USD đã song hành tăng đột biến. Chỉ số giá vàng tăng 7,87% so với tháng 9/2010. Giá USD trên thị trường tự do cũng tăng 0,6% so với tháng 9.

Một chủ cửa hàng xe máy ở phố Bà Triệu cho biết, đó chính là nguyên nhân khiến những dòng xe tay ga nhập khẩu phải tăng giá vì đều được tính bằng USD.

Ảnh: TTXVN

2 tháng cuối năm giá còn tiếp tục tăng

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, do ảnh hưởng của quy luật cuối năm, và do nhu cầu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất, chuẩn bị cho các dịp lễ, tết là yếu tố đẩy khi giá nguyên vật liệu nhập khẩu và tỉ giá có xu hướng biến động cao hơn trong 2 tháng cuối năm.

Nhất là trong tháng 11, do diễn biến bất lợi của thiên tai trên thế giới và ở trong nước nên giá lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục tăng mạnh, nhất là tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc cũng như miền Trung do nguồn cung khan hiếm hơn.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 1875/CT-TTg, một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào thiết yếu tiếp tục ổn định (đặc biệt là xăng dầu), dự kiến CPI tháng 11/2010 sẽ tăng thấp hơn so với tháng 9.

Trước đó, ngày 27/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã chủ trì cuộc họp với Tổ Điều hành thị trường trong nước nhằm bàn về Biện pháp để khống chế tốc độ tăng giá tiêu dùng 2 tháng cuối năm và CPI cả năm 2010 chỉ đạt dưới 2 con số.

Trả lời trên báo Công Thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, việc thực hiện thành công kiềm chế CPI cả năm dưới 2 con số cũng không đơn giản. Thứ trưởng cũng phân tích, dựa vào báo cáo về các mặt hàng cho thấy, có một số nhóm hàng giá cả tương đối ổn định. Tuy nhiên một số mặt hàng như đường, phân bón nếu không nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về nhập khẩu thì có khả năng sinh thiếu hàng. Quan trọng là không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

  • V.L (tổng hợp)

Các tin khác