Kỳ lạ bảo tàng “Trái tim tan vỡ”

Cập nhật lúc 08:37, 03/11/2010 (GMT+7)

Một bảo tàng ở thủ đô Zagreb, Croatia đang khiến nhiều người chú ý vì những hiện vật trưng bày ở đây là kỷ niệm của các mối tình tan vỡ.

TIN LIÊN QUAN

Tại đây, hiện vật được trưng bày theo những chủ đề riêng và được đi kèm với dòng chú thích cho biết những thông tin về mối quan hệ, như thời gian, địa điểm và lời giải thích của người tặng.
Chiếc rìu dùng để phá đồ đạc nhà bạn gái sau khi chia tay (ảnh: Metro)
Chiếc rìu dùng để phá đồ đạc nhà bạn gái sau khi chia tay (ảnh: Metro)

Trong số các hiện vật còn có cả chiếc bàn là từng được dùng để ủi bộ đồ cưới, một chiếc gương chiếu hậu bị vỡ do cú đấm ghen tuông, hay một chiếc rìu dùng để chặt phá đồ đạc trong nhà bạn gái cũ.
Cái chân giả-vật kỷ niệm cho mối tình tan vỡ của một thương binh Croatia (ảnh: Metro)
Cái chân giả - vật kỷ niệm cho mối tình tan vỡ của một thương binh Croatia.
(ảnh: Metro)
Một trong những hiện vật độc đáo được trưng bày là chiếc chân giả đặt trên cây cột màu trắng. Đây là vật tượng trưng cho mối tình tan vỡ của một thương binh Croatia và một nhân viên xã hội. “Cái chân giả này tồn tại lâu hơn tình yêu của chúng tôi. Nó được làm bằng chất liệu bền hơn” – dòng chú thích ở hiện vật ghi.
Tờ rơi giới thiệu của bảo tàng (ảnh: Metro)
Tờ rơi giới thiệu của bảo tàng. (ảnh: Metro)

Ý tưởng thành lập bảo tàng xuất hiện từ 5 năm trước. Hai nghệ sĩ Olinka Vistica và Drazen Grubisic đã tìm cách giữ gìn những kỷ vật của mối tình đã tan vỡ giữa họ sau 4 năm chung sống. Năm 2006, hai người tiến hành lập dự án xây dựng bảo tàng.

“Ý tưởng của chúng tôi là xây dựng bảo tàng làm nơi trút bỏ gánh nặng cho những người từng có các mối quan hệ bị thất bại” – nghệ sĩ Vistica cho biết.

Một góc của bảo tàng (ảnh: Metro)
Một góc của bảo tàng (ảnh: Metro)

“Động lực chính để người ta quyên tặng hiện vật là muốn khép lại một chương trong cuộc đời mình” – ông Grubisic cho biết thêm

Trong 4 năm qua, bảo tàng đã thực hiện nhiều chuyến trưng bày ở khoảng 12 địa điểm tại châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á và châu Phi.

Theo hai nghệ sĩ sáng lập, hầu hết người tặng hiện vật là phụ nữ. Tại website của bảo tàng (www.brokenships.com), người ta còn có thể tặng hiện vật ảo, bằng cách gửi email, hình ảnh hoặc tin nhắn. Tuy nhiên, Grubisic cho biết vào thời điểm này người ta thích quyên tặng hiện vật thật hơn.
  • Phương Linh (theo Metro)

Tin liên quan

Các tin khác