Kỳ 1
Tôi đi “săn” iPad “nhái”
Cập nhật lúc 12:31, 16/09/2010 (GMT+7)
“Chỉ với giá ‘sốc’ 130USD, bạn có ngay chiếc máy tính bảng ’hot’ nhất trên thị trường. Hàng chất, bên ngoài y xì iPad thật nhưng nhẹ hơn nhiều, chỉ bằng một nửa. Màn hình chạm vuốt nhẹ nhàng 7inch, chạy trên vi xử lý Rockchip RK2808 600MHz (có thể nâng cấp lên Cortex A8 1GHz trong thời gian tới), hệ điều hành Android, thẻ nhớ SD dung lượng 32GB và mỏng chỉ 14mm” là lời giới thiệu khá hấp dẫn trên một trang web. Dĩ nhiên, khi bắt gặp lời rao như thế, tôi không thể nào làm ngơ. Nhưng sự thực thì…
Đi kèm lời giới thiệu trên là hình ảnh sản phẩm thoạt nhìn hết sức “ngon lành”. Điều đó thôi thúc tôi nhanh chóng lên đường tìm hiểu. Tính sơ sơ với 130USD (19.000đồng/USD) thì mức giá của sản phẩm chỉ vào khoảng tầm 2,5 triệu đồng. Mức giá này quá rẻ cho một máy tính bảng thời trang, thậm chí chỉ bằng một nửa giá tiền so với một chiếc netbook “bèo” nhất. Nói cho cùng, nếu hàng chất đúng như lời giới thiệu thì sản phẩm khá tốt. Những nhu cầu cơ bản như lướt Net, giải trí và một số các ứng dụng văn phòng đã được đáp ứng. Và đó cũng là những gì mà những bạn trẻ hiện nay mong muốn: thời trang, gọn nhẹ, giá rẻ.
Điểm hẹn là một ngôi nhà nhỏ trên đường Cầu Xéo, quận Tân Phú, TP.HCM. Tiếp tôi là một chàng trai trẻ, hiền lành. Mà đúng như cái dáng vẻ bên ngoài ấy, anh chàng này khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì bản thân là người bán nhưng lại không biết nhiều về sản phẩm! Từ cấu hình máy, sử dụng thế nào, máy có những tính năng gì, người bán đều không biết. Anh chàng chỉ giải thích ngắn gọn là nhận phân phối hàng từ một đầu nậu ở Quận 3. Ngoài việc cho cái thẻ vào nghe nhạc thử nó thế nào thì anh chàng bán hàng cũng không biết làm gì với con máy nữa cả.
Còn tôi, khi tiếp cận được với máy thì cảm xúc thật khó tả. Đó là cảm giác hơi thất vọng so với hình ảnh sản phẩm được giới thiệu khá lý tưởng trước đó. Dẫu trước khi đi, tôi đã nhủ thầm trong bụng, mấy đời của rẻ mà ngon, huống hồ nó lại là hàng Trung Quốc. Tôi có anh bạn hay buôn hàng Trung Quốc từng cho biết, không phải cứ hàng Trung Quốc đều là “dỏm”, chất lượng vô chừng. Hàng Trung Quốc muôn hình vạn trạng lắm. Mọi người đều biết, Trung Quốc đang là đại công xưởng của thế giới, là nơi nhận thầu sản xuất tất cả các mặt hàng với đủ các loại giá, thượng vàng, hạ cám. Nếu Trung Quốc mà là hàng thấp cấp, hàng sản xuất chui hoặc của những công ty nhỏ lẻ không tên tuổi thì đúng là rất tệ. Nhưng nếu nó là hàng được đặt gia công, sản xuất từ những thương hiệu lớn, uy tín thì chất lượng khá tốt. Bằng chứng là ngay cả Apple cũng đặt nhà máy sản xuất của mình tại Trung Quốc. Có lẽ vì điều này mà iPad nhái có mặt rất nhanh, rất sớm. Thậm chí là trước cả khi iPad thật có mặt rầm rộ tại thị trường Việt Nam.
Trở lại với chiếc iPad nhái tôi đang trải nghiệm. Trực quan cảm nhận từ cái nhìn đầu tiên là sản phẩm không giống iPad thật cho lắm, chỉ đạt khoảng 60% vì nó bé hơn iPad thật. Nhìn sơ qua thì không nói, cầm trên tay sẽ biết ngay hàng nhái. Mặt sau thân máy cũng không có biểu tượng quả táo cắn dở. Trên hộp sản phẩm cũng không ghi rõ tên là gì nhưng người bán và cả một số thông tin trên mạng gọi nó là ePad, một cách gọi cho gần giống với iPad để dễ thuyết phục người mua là sản phẩm nhái như thật.
Mẫu này có cả đường link demo sản phẩm tại http://www.zso21.katowice.pl/0/video/epad/8bfFV5MbFsM.html. Vật liệu bên ngoài không sắc sảo, không gây ấn tượng mạnh cho người dùng rằng mình đang cầm một chiếc iPad cao cấp có giá “hời”. Đi sâu vào trải nghiệm bên trong, cảm giác thất vọng càng tăng cao hơn nữa. Thời gian khởi động máy quá lâu khiến những ai đã từng dùng những cỗ máy tính mạnh sẽ chán nản. Tôi thì không đến nỗi như thế bởi nhu cầu không cần cấu hình mạnh, nhưng thời gian khởi động chừng hơn 5 phút quả thật đã làm tôi mất cảm hứng. Rồi thì màn hình cũng được mở lên. Màu sắc hình ảnh khá tối, có thể do độ phân giải trên màn hình kém. Tôi chưa vội chú ý đến vấn đề này lắm mà tập trung đi sâu vào xem tốc độ xử lý của CPU và những ứng dụng mà nó mang lại.
Cái cảm giác dùng ngón tay cái và ngón trỏ lướt nhẹ trên màn hình, rồi kéo hay thả các icon, hình ảnh không hề có trên màn hình iPad nhái. Thì ra, chiếc máy này vẫn sử dụng màn hình cảm ứng điện trở chứ không phải điện dung như trên iPhone hay iPad thật. Như vậy, bạn cứ cảm tưởng mình đang dùng một Pocket PC (PPC) có màn hình lớn. Chưa hết, cái cảm ứng điện trở này cũng không được mượt mà, nhanh nhạy. Khi vào một chương trình bất kỳ nào đó, thời gian chạy chương trình khá lâu đã đành, mà ngay cả việc dùng ngón tay điều khiển icon của chương trình cũng rất vất vả. Đơn cử khi tôi vào Word và muốn thoát ra khỏi chương trình với nút Back nằm phía phải trên màn hình thì phải dùng một lực khá mạnh để ấn vào. Vị trí tay ấn vào cũng cần chính xác, có thể dùng móng tay ấn vào để độ chính xác được cao hơn.
Không như người ta tưởng
Không như người ta tưởng
Nhưng điều quan trọng nhất là chip CPU không đúng như giới thiệu. Khi tôi xem lại thông số cấu hình máy thì hỡi ôi, chip CPU chỉ có 300MHz chứ không phải 600MHz, nên chuyện nâng cấp lên 1GHz là quá xa vời (thảo nào nó chậm đến khó hiểu!). Nếu những bạn nào đã từng dùng qua các dòng PPC hoặc PDA, điển hình như chiếc Asus P535 “cổ lỗ sĩ” của tôi có cấu hình 600MHz, sẽ thấy tình hình không đến nỗi chậm chạp, rề rà như vậy.
Tiếp tục trải nghiệm thêm những tính năng khác của chiếc máy như vào kho ứng dụng App. Kết quả là “bó tay” vì toàn tiếng Tàu, không biết đâu mà lần. Mặc dù chương trình trên máy có camera chụp hình nhưng tôi tìm kiếm trên toàn bộ máy vẫn không thấy thiết bị đầu cuối camera đâu cả. Có thể nhà sản xuất đã cắt bớt thiết bị này hoặc nó đang ẩn ở đâu đó mà tôi chưa tìm ra được. Phụ kiện đi theo máy cũng hết sức đơn giản như “chủ nhân” của nó, chỉ có thiết bị sạc, dây cáp và một chiếc hộp giấy mà bên ngoài cũng chẳng có một tên tuổi gì để có thể gọi cho nó “oách”. Hỏi chế độ bảo hành thế nào thì người bán cam đoan một năm với lời giải thích “Bây giờ đi lại Trung Quốc rất dễ dàng nên bất kỳ các hỏng hóc đều có thể xử lý được. Anh cứ yên tâm”.
Nay cớ cấu hình máy chậm quá, không như mong muốn ban đầu nên tôi hẹn vài hôm sẽ gọi điện thoại lại nếu có nhu cầu mua. Người bán khá vui vẻ và còn chào mời: “Hàng này còn có nhiều mẫu lắm anh à. Nếu anh thật sự quan tâm thì em sẽ lấy thêm một số mẫu về cho anh lựa. Hoặc em sẽ giới thiệu cho bạn em luôn. Nó chuyên đánh hàng này. Nó sẽ có nhiều thông tin bổ ích cho anh đấy. Doanh số bán con này khá cao, mỗi ngày đi chục máy là chuyện thường. Chỉ hơn hai triệu mà có con máy quá đã, mấy em teen rất khoái”.
Nếu hàng này mà “bán mỗi ngày hơn chục con” thì đó quả là điều đáng mơ ước. Bởi ngay cả iPad thật vào thời điểm nóng nhất, doanh số cũng chỉ cao gấp đôi. Vì lẽ đó, dù hết sức buồn bã khi phải lặn lội đường xa mà không mua được con máy như ý, nhưng tôi lại bị quyến rũ bởi lời chào mời mới mẻ này. Tôi muốn biết, iPad nhái tại Việt Nam có bao nhiêu loại và giá thật sự tại Trung Quốc và giá khi về đến Việt Nam như thế nào, chất lượng khi dùng, doanh số bán thực, những cam kết bảo hành... Hàng trăm câu hỏi được đặt ra khiến tôi lại tiếp tục lên đường…
- Hoàng Dương (Theo e-CHÍP 249)