Lan man nỗi buồn hạt dẻ
- …Thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh được tạo ra từ hàng trăm năm nay, nhưng chỉ qua một đêm lập tức bị người khác lợi dụng, thậm chí đánh gục. Nhưng ở một khía cạnh khác, thương hiệu cũng không cần số đông. Cây dẻ đất Trùng Khánh là một ví dụ, nó vẫn ra hoa kết trái, vẫn hát những khúc ca riêng của nó, dù bên kia dòng sông là cả những khu công nghiệp hạt dẻ…
Thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh đã được tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ảnh: 5giay.vn
Bây giờ dạo trên phố phường Hà Nội rất dễ bắt gặp những tấm biển đề chữ: “Hạt dẻ Trùng Khánh”, nhắc nhớ những viên hạt dẻ nâu bóng, to tròn nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng. Nhưng sự thật thì những viên hạt dẻ đó không phải xuất xứ tại huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), đó là hạt dẻ của Trung Quốc. Sở dĩ tôi khẳng định như vậy vì tôi sinh ra và lớn lên chính trên mảnh đất Trùng Khánh và tôi biết rõ về loại hạt dẻ của quê mình.
Hạt dẻ Trùng Khánh nổi tiếng bởi nó to hơn các loại hạt dẻ thông thường, lại thêm mùi vị thơm ngon và điều đặc biệt chỉ những cây dẻ mọc tại đất Trùng Khánh mới mang mùi vị đặc trưng ấy. Cứ vào khoảng tháng Mười thì hạt dẻ Trùng Khánh chín rộ, người Cao Bằng nếu đi đâu xa đều mang theo làm quà. Rồi người từ miền xuôi lên Cao Bằng cũng nhất thiết phải mua về vì nó quá đặc biệt. Chỉ có điều, loại hạt quý hiếm này không có nhiều và nó chỉ chín vào một thời gian ngắn không phải dễ dàng mua được. Người Trùng Khánh có cách bán hạt dẻ cũng rất đặc biệt, họ không dùng cân mà đếm từng hạt. Và sự thật là từ nhiều năm nay loại hạt dẻ này chưa đủ cung cấp cho chính thị trường ở Trùng Khánh, chỉ trong vòng khoảng một tháng người dân đã bán hết.
Thế nhưng vào khoảng vài năm trở lại đây, bỗng nhiên xuất hiện tràn lan một loại hạt dẻ có hình thức na ná như hạt dẻ Trùng Khánh bán tràn lan trên thị trường, và đương nhiên người ta gán cho nó cái tên: “Hạt dẻ Trùng Khánh”. Loại hàng nhái này nhiều đến nỗi đi đâu cũng thấy và họ bán quanh năm. Ngay tại huyện Trùng Khánh cũng xuất hiện loại hạt dẻ này, người bản địa còn phân biệt được nhưng khách thập phương thì chịu. Có bận vài người bạn của tôi lên Cao Bằng công tác, khi về họ hỉ hả khoe rằng mua được rất nhiều hạt dẻ Trùng Khánh, họ xuýt xoa rằng hạt to như quả chanh, kỳ lạ lắm… Và mấy ông bạn lại cằn nhằn với tôi rằng, thế mà ông bảo hạt dẻ Trùng Khánh rất hiếm, rất khó mua, ông về quê mà xem ở chợ người ta bán đầy… Tôi không biết giải thích thế nào bởi loại hạt dẻ họ mua về 100% là rởm, đơn giản vì khi họ lên Cao Bằng đã bắt đầu sang tháng Mười một, tất nhiên hết mùa hạt dẻ.
Hạt dẻ có hình thức na ná như hạt dẻ Trùng Khánh bán tràn lan trên các đường phố Hà Nội. Ảnh: muivi.com |
Chỉ đến khi mấy ông bạn tôi rang hạt dẻ để ăn mọi chuyện mới vỡ lẽ. Hạt dẻ quý hiếm gì mà ăn cứ bở bùng bục như khoai lang luộc. Lại thêm nhiều hạt thối, lép, mùi vị thì cũng chẳng có gì đặc biệt. Lúc này tôi mới bật mí về hạt dẻ đích thực của Trùng Khánh quê tôi. Nếu là hạt dẻ Trùng Khánh hạt phải có màu nâu đậm, phần cuối của hạt có một lớp lông tơ rất mỏng màu trắng nhạt, khi bóc ra nhân của nó có màu vàng và rất giòn… Còn hạt dẻ nhái của Trung Quốc thì hoàn toàn khác, chúng bóng nhẫy, vỏ màu nâu đen, nhân có màu trắng ngà… Và một đặc điểm quan trọng khác là chúng quá to – đúng là to như một quả chanh. Hơn nữa loại hạt dẻ này người ta trồng theo lối công nghiệp, nên sản lượng rất cao, họ phải xử lý bằng hoá chất vì thế nhân thường bị thối… ăn không những không ngon mà nó còn có thể gây bệnh.
Nếu về Trùng Khánh, chỉ cần nhìn qua bên kia biên giới sẽ thấy người Trung Quốc trồng hạt dẻ như thế nào. Không hiểu họ lai giống, hay cấy ghép thế nào mà từng rừng hạt dẻ cứ thế mọc lên, vài năm đã ra quả. Thế nhưng chỉ cách nhau con sông mà bên này đất Trùng Khánh cây hạt dẻ lại hoàn toàn khác. Đó là những cây hạt dẻ cổ thụ, có độ tuổi ít nhất 50 năm. Chỉ những cây dẻ mọc lên từ mảnh đất Trùng Khánh mới cho loại hạt chính hiệu. Người ta đã thử ươm giống và trồng ở một vùng đất khác thì ngay lập tức nó cho ra loại hạt bé tí, hoặc to lớn dị dạng và chẳng có mùi vị gì. Đó là điều đặc biệt và kỳ lạ nhất ở loài cây khó tính này. Cũng vì đặc điểm đó mà nó nổi tiếng và trở thành thương hiệu: Hạt dẻ Trùng Khánh.
Người Trung Quốc có lẽ biết được giá trị của loại hạt này nên đã đem về trồng. Họ trồng rất bài bản và khoa học, thu được sản lượng lớn, nhưng dù cố gắng thế nào đi nữa nó vẫn không cho ra loại hạt có mùi thơm đặc trưng như hạt dẻ Trùng Khánh, dù vị trí của thổ nhưỡng chỉ cách nhau một con sông. Thế nhưng với số lượng áp đảo, cách bảo quản khoa học nên họ luôn sẵn sản phẩm. Họ bán quanh năm, ào ạt tấn công thị trường Việt Nam, lại lợi dụng thương hiệu nên họ vẫn thắng. Có những tay buôn hạt dẻ chuyên nghiệp đã láu cá trộn hạt dẻ Trung Quốc với hạt dẻ Trùng Khánh để bán. Chính tôi đã một lần suýt bị lừa, cũng may nhìn kỹ nên phát hiện. Đến lúc ấy tay buôn láu cá mới cười hềnh hệch hỏi rằng: “Anh là người Trùng Khánh à?”.
Nếu ai đó lên Cao Bằng, muốn mua hạt dẻ Trùng Khánh, hãy đi vào tháng Mười, và đến tận đất Trùng Khánh nhất thiết phải mua hạt dẻ của những người dân thường đi chợ. Họ sẽ đeo bên mình một cái túi gọi là “pác mạ” bằng vải chàm, trong đó là hạt dẻ đích thực, và nên nhớ họ bán theo kiểu đếm từng hạt, chứ nhất định không bao giờ chịu dùng cân, dù bạn mua nhiều thế nào đi nữa. Đó là cách bán hạt dẻ từ nhiều đời này của người Tày, Nùng Trùng Khánh. Còn những quầy hàng bày bán cả đống hạt dẻ là rởm – 100% rởm vì đồ quý hiếm không bao giờ nhiều như thế.
Ảnh: vietnambranding.com
|
Ảnh: Laodong.com |
Hạt dẻ Trùng Khánh. Ảnh: 5giay.vn |
Đã có những doanh nhân ôm tham vọng: biến hạt dẻ Trùng Khánh thành hàng hoá. Họ muốn chế biến chúng thành nhiều loại sản phẩm như: rượu hạt dẻ, bột hạt dẻ, mứt hạt dẻ… nhưng tất cả đều thất bại. Sự thất bại chỉ nằm ở chỗ sản lượng hạt dẻ không nhiều và chỉ chín trong một thời gian ngắn. Loại hạt này khó tính đến nỗi chỉ cần thu hoạch chậm vài ngày nó sẽ tự thối rữa hoặc nảy mầm, nếu dùng hoá chất để bảo quản thì mùi vị của chúng cũng không còn. Nói chung, cho đến nay người ta chưa thể nào biến chúng thành sản phẩm của nền công nghiệp và có lẽ không thể. Bởi chúng sinh ra và lớn lên như một người Tày, Nùng ở đất Trùng Khánh mang đầy đủ tính cách của người vùng cao. Nó phải ở đất Trùng Khánh, hít thở khí trời của đất Trùng Khánh mới đích thực là nó. Nếu can thiệp bằng cách này hay cách khác chúng sẽ biến mất, đơn giản chỉ có thế.
Viết đến đây tôi bỗng thấy mình là một viên hạt dẻ rởm. Đúng vậy, tôi bắt đầu trở thành một gã người Tày rởm vì đã quá lâu tôi không được hít thở khí trời của cố hương. Tôi đã khác quá nhiều dù trong não bộ của tôi vẫn tồn tại ngôn ngữ của dân tộc tôi. Thế nhưng có một cái gì đó rất khó lý giải từ ngày tôi rời xa mảnh đất sinh ra mình. Vẫn là cái thân xác tôi nhưng tâm hồn thì đã khác. Sự thật thà, hồn nhiên đặc trưng của người Tày đã rời xa tôi từ rất lâu. Cái miệng tôi bắt đầu biết nói những mỹ từ bóng lộn mà nó không thể tồn tại trong tư duy của một gã người Tày chính hiệu. Thỉnh thoảng tôi cũng giật mình vì lờ mờ nhận ra cái bản sắc chân thật của mình đã không còn nữa, nhưng chỉ thoáng qua một chút, nó ầm ào vội vã như người ta đi xe máy trên đường phố Hà Nội. Và tôi cũng bắt đầu lao theo cuộc đua không hồi kết của người thành phố, đi đến đâu tôi không biết nhưng một điều chắc chắn rằng tôi đã đang dần đánh mất phẩm chất người Tày của chính mình. Vì thế tôi thấy mình mỗi ngày một rởm đi như những viên hạt dẻ nhái thương hiệu Trùng Khánh đang bán nhan nhản ở phố phường Hà Nội này.
Tôi có đứa con gái nhỏ, nó sinh ra và lớn lên ở thành phố nên không biết tiếng Tày - thứ ngôn ngữ của cha ông nó. Thỉnh thoảng để giấu con chuyện gì tôi vẫn nói tiếng Tày với vợ, nó ngơ ngác hết nhìn bố lại nhìn mẹ rồi bảo: “…Lại định giấu con chuyện gì phải không? Nói tiếng Tày là giấu chuyện gì rồi…”. Những lúc như thế tôi bỗng thấy tai mình nóng bừng. Lạ thật, nói tiếng Tày là để giấu chuyện gì!? Tiếng Tày là hồn cốt dân tộc tôi vậy mà tôi lại dùng để giấu giếm một chuyện gì đó với chính con gái mình. Có một cái gì đó đang làm biến thái tư duy của tôi, nhưng tôi bất lực. Và tôi cũng hiểu rằng, vì tôi không còn được hít thở khí trời Trùng Khánh, uống nước Trùng Khánh, ăn cơm Trùng Khánh… nên biến thái cũng là điều đương nhiên, dù cay đắng nhưng phải chấp nhận - chấp nhận rằng mình bắt đầu trở thành người Tày rởm!
Với một sản phẩm như hạt dẻ, như con người đều cần thương hiệu. Ai cũng muốn tạo cho mình một thương hiệu thật tốt. Thương hiệu là một cái gì đó rất đơn giản nhưng cũng bí ẩn vô cùng. Thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh được tạo ra từ hàng trăm năm nay, nhưng chỉ qua một đêm lập tức bị người khác lợi dụng, thậm chí đánh gục. Nhưng ở một khía cạnh khác, thương hiệu cũng không cần số đông. Cây dẻ đất Trùng Khánh là một ví dụ, nó vẫn ra hoa kết trái, vẫn hát những khúc ca riêng của nó, dù bên kia biên giới là cả những khu công nghiệp hạt dẻ. Nó chỉ cần cho những người hiểu nó, cảm nhận được hương vị đậm đà của nó. Đơn giản như khi người Tày, Nùng Trùng Khánh đem hạt dẻ ra chợ, họ chỉ đếm từng hạt để bán, không bao giờ họ chịu dùng cân dù bạn có mua nhiều thế nào đi nữa!
-
A Sáng