Làm thế nào để ra khỏi những giấc mơ?
-...Tôi nghĩ lan man và không thấy chị đang mỏng đi. Giật mình. Tôi níu gọị. Chị. Chị đừng đi. Tôi nhìn lại lá cỏ trên tay chị. Một chút lá hình tim nham nhám phủ đầy lông trắng. Một vòi hoa cong cong, trên đó chi chít li ti nụ trắng. Cỏ vòi voi. Tôi nhớ rồi. Vì sao chị nhớ cỏ vòi voi?
Người về theo dấu cỏ
Rồi một buổi sáng, đúng hơn là một buổi đêm chuyển dần về sáng, tôi thức giấc. Có cái gì đó lạ lắm, khó xác định, đang lẩn khuất trong căn phòng. Những ý nghĩ bắt đầu ngọ nguậy. Ban đầu mỏng. Nhẹ. Mơ hồ. Như một làn sương kín đáo. Rồi dần lớn. Lớn nữa. Rồi đường nét như đang đậm dần. Sắc trắng mơ hồ dần đông đặc lại. Trắng đục như nước vo gạo. R`ồi rắn chắc hơn. Có vẻ như đã hiện hữu thật rồi. Tôi ngồi dậy. Một gương mặt không cân đối. Mắt bên trái xệ. Gò má bên trái lệch. Khóe miệng bên trái méo. Đó là chị. Tôi thì thầm thành tiếng. Chị. Vậy là tôi đã gọi được chị quay về.
Chị có nhớ tôi không? Nhớ. Chị còn ê răng không? Còn, không làm sao để hết ê răng được. Chị có tìm gặp cha chị không? Tìm hoài, không làm sao tìm gặp được. Sao chị tìm về được đây? Không biết, đi theo cỏ vòi voi.
Cỏ vòi voi. Ảnh: Photobucket.com
Tôi nhìn lá cỏ trên tay chị. Tôi nhớ cây cỏ này. Đúng hơn là tôi nhớ một góc xóm nhỏ. Một cái giếng nằm lọt thỏm. Sau những cọng thép gai là vườn nhà chị. Một người đàn ông đang vun những luống đất để trồng khoai tía. Một vạt mả. Hầu hết là mả dời. Chỉ có mả của cha chị là mả chôn. Quanh ngôi mả này có rất nhiều bươm bướm. Có những buổi trưa bươm bướm bay dày đặc, quay tròn như bị sai khiến. Đất đai miền Trung khô khát. Cỏ cây hoang sơ. Có một loài cỏ dại, hoa nhỏ xíu, bông hoa nhiều cánh màu vàng nhạt, giống như hoa cúc, cọng hoa nhỏ và dài. Tụi con nít trong xóm thường hái loài hoa này để tết thành vương miện đội đầu trong trò chơi cô dâu chú rể. Cuối vườn những cây duối đan nhau thành một dãy rào. Những chiếc lá nhỏ dày xanh óng. Những trái chín vàng nhỏ xíu thơm và ngọt.
Tôi nghĩ lan man và không thấy chị đang mỏng đi. Giật mình. Tôi níu gọị. Chị. Chị đừng đi. Tôi nhìn lại lá cỏ trên tay chị. Một chút lá hình tim nham nhám phủ đầy lông trắng. Một vòi hoa cong cong, trên đó chi chít li ti nụ trắng. Cỏ vòi voi. Tôi nhớ rồi. Vì sao chị nhớ cỏ vòi voi?
Tai ương hiện hình
Tháng 3 năm 1975. Một trái đạn rớt giữa nhà ông Lân và ông Đại. Tiếng nổ rất đanh. Tiếng đổ sập. Tiếng la thét. Tiếng khóc hoảng loạn. Tiếng xe cứu thương. Tất cả dựng những con người trong xóm nhỏ bật dậy. Lúc đó gần 5h sáng. Chị Vân tôi ngủ ở chiếc sập nhỏ trên nhà bị hơi đạn thổi văng xuống đất. Khung cửa sổ bị giật tung. Những mảnh đạn cắm xiên xẹo trên vách ván, trên cả mái tôn. Mẹ tôi nói: May quá mảnh đạn văng tùm lum mà nhờ trời không ai trong nhà bị làm sao cả.
Lửa, khói, bụi bay tung trời. Tôi lần ra sân, run rẩy đứng nhìn về phía đổ nát, rồi mon men đến gần. Các anh Huynh trưởng trong Gia đình Phật tử Kỳ Viên với đồng phục áo lam ngắn tay, mũ chóp đang xô vào đống đổ nát đó để lôi mọi người ra. Mấy đứa con ông Lân thân hình trầy trụa máu, sợ cứng người, sau một hồi hoàn hồn la khóc vang trời. Chị cũng được lôi ra, nhưng không ngồi yên trong xe cứu thương. Chị tìm đến đứng bên tôi. Chị nói: Tôi sợ quá. Sau một lát chị lại nói: Cha tôi chết rồi. Một lát nữa chị nói thêm: Bà nội tôi cũng chết rồi.
Ông Đại là cha của chị. Là chủ của tất cả đất đai trong cái xóm nhỏ này. Ông cho mọi người trong xóm thuê hoặc mượn đất để ở. Tiền bạc phải chăng tùy hoàn cảnh mỗi gia đình. Chỉ có một điều bắt buộc là tất cả không được xây nhà và làm nền móng kiên cố. Một xóm nhỏ hình thành với những ngôi nhà ván, lợp tôn, nền đất nện. Nghèo nàn nhưng yên ổn. Chỉ có hai ngôi nhà gạch. Mái ngói. Rộng rãi. Đẹp. Đứng sát cạnh nhau đầu xóm. Kiêu hãnh trở thành nỗi ao ước của tất cả mọi người. Đó là nhà ông Đại và nhà ông Lân. Cả hai ngôi nhà đó đều bị sập trong tai ương hiện hình bằng trái đạn rớt một đêm tháng ba. Vợ ông Lân chết. Mẹ ông Đại chết. Ông Đại cũng chết trong đống đổ nát. Ông Lân bị mảnh đạn tiện cụt bàn tay trái. Hai nửa ngôi nhà đổ sập trộn lẫn vào nhau. Sau đó ít lâu thì đến ngày giải phóng.
Chị nhớ ông Lân không? Nhớ, không làm sao quên được, ông Lân múc nước bằng cùi chỏ. Đúng rồi. Ông Lân có con chó dữ. Đúng rồi. Ông Lân không thích cỏ vòi voi. Ừ, cỏ vòi voi.
Thầy phù thủy
Mẹ tôi nói ông Đại là thầy phù thủy. Ông thường đi cúng trừ tà ở đâu đâu xa đó nên ít khi có mặt ở nhà. Mẹ tôi kể đã từng chứng kiến cảnh ông cúng trừ ma cho một người. Người này đã ăn cắp đồ cúng trong ngôi miếu đầu xóm, rồi phát điên, thuốc thang gì cũng không khỏi. Một buổi trưa, ông này cầm dao rượt theo bà mẹ già của mình. Ông Đại đón đầu. Chân họa phù. Tay bắt quyết. Miệng lầm rầm đọc chú. Thấy ông Đại, người đàn ông điên dừng phắt, thả rớt cây dao, đứng yên ngây ra nhìn. Ông Đại đã cho người đàn ông đó uống một thứ nước có tàn nhang và vài cọng lá hái quanh mấy bụi cây gần đó. Vậy mà ông ta lành bệnh.
Chị kể cha chị có mấy cái chum trong gầm bàn thờ lạ lắm. Mỗi miệng chum được đậy kín bằng một đạo bùa. Có lần chị hỏi: Mấy cái tĩn gì vậy cha? Cha chị nói: Bậy. Mấy cái ngục của cha đó. Cha giam tụi nó trong đó. Tụi nó hung hăng lắm. Nhưng cha trị được. Cha còn sống đây thì không sao, cha mà chết, tụi nó sẽ lộng hành đó. Cha chị còn nói thêm: Cha sợ tụi nó sẽ vật chết hết.
Buồn bã, ủ ê là nét giống nhau giữa tôi và chị. Và cả sự mê đắm những giấc mơ. Chúng tôi có thể ngồi hàng giờ bên nhau kể cho nhau nghe những chuyện đã gặp trong mơ. Thật ra chúng tôi không kể. Chúng tôi chỉ ngồi im. Mỗi người chìm đắm trong giấc mơ của mình. Thi thoảng chúng tôi thốt lên những câu rời rạc. Đó là những chia sẻ của câu chuyện đang diễn ra trong thế giới huyễn hoặc riêng của mỗi người. Nhưng dẫu vậy người này vẫn tiếp lời người kia. Như thể câu chuyện đang diễn ra trong tâm trí của người này cũng đang diễn ra y hệt trong tâm trí của người kia. Như thể chị với tôi là một.
Thầy phù thủy. Ảnh: ST |
Chị có một khuôn mặt lệch, cánh tay trái bị teo và chân bên trái hơi khập khiễng. Có thể chị đã từng bị một cơn bệnh nào đó mà cơ thể chị bây giờ vẫn còn di chứng ? Hay từ lúc sinh ra chị đã như vậy rồi? Chị có lối nói ngập ngừng. Chị có vẻ sợ hãi xa lánh mọi người. Chị chỉ chơi với tôi. Mẹ tôi không thích tôi thân với chị. Mẹ tôi sợ tôi cũng ngớ ngẩn như chị. Nhưng rồi. Mặc kệ mọi cấm đoán. Chúng tôi vẫn thường xuyên ở bên nhau.
Chị dẫn tôi vào nhà, chui vào gầm bàn thờ để xem mấy cái chum kỳ lạ. Chị nói. Chị vẫn nghe thấy tiếng than khóc rên rỉ vẳng ra từ đây trong những buổi trưa. Và có đêm chị mơ thấy những bóng người tóc xõa rũ rượi kêu xin đừng giam giữ họ. Tôi sờ vào mấy cái tĩn lành lạnh. Hoang mang lẫn tò mò tự hỏi: Có cái gì trong đó?
Những đổi thay
Ông Đại chết, bất ngờ trong cái đêm nhà ông bị trái đạn nổ làm sập một nửa. Đêm đó ông cũng vừa về sau một chuyến đi đâu xa. Những chuyến đi về của ông bí ẩn và thất thường. Những người trong nhà không ai biết trước được. Sau lần đó, gia đình chị và cả xóm tôi có bao sự đổi thay.
Đổi thay trước hết là do thời thế. Sau 30/4/1975, một số gia đình trong xóm chuyển về quê. Họ dỡ những ngôi nhà ván tạm bợ vẫn sống lâu nay, đưa theo về, để dựng lại ở một khu vườn thật sự nào đó. Để lại những khoảng đất trống hoác đầy bụi bặm. Những khoảng đất này cũng không để trống được bao lâu. Những người sở hữu mới của khu đất đã trồng lên đủ thứ hoa màu. Khoai tía, khoai lang, củ sắn, mía. Những thứ có thể bán được, ăn được. Đó là một thời kỳ thiếu đói kinh khủng. Chế độ tem phiếu được thực hiện ở miền Nam. Đói khát thèm thuồng là cảm giác thường trực của tất cả những đứa trẻ. Những người lớn xanh xao gầy ốm và khổ sở khi vật lộn với đủ mọi công việc để kiếm sống. Họ còn khổ hơn khi chứng kiến sự đói ăn của con trẻ và người già. Tất cả đều xám xịt khan hiếm từ cái ăn cái mặc cho đến niềm vui.
Những người dân trong xóm bắt đầu xì xào nghi hoặc về cha chị. Có gì đó đầy bí ẩn. Có người bảo cha chị không phải là thầy phù thủy. Có người bảo cha chị có tham dự vào những công việc kinh khủng nào đó. Có người quả quyết không phải ngẫu nhiên mà trái đạn đã rơi xuống nhà chị hồi tháng ba, trước ngày giải phóng.
Những người đại diện của chính quyền mới đã tìm lục rất lâu trong nửa còn lại của căn nhà bị đổ sập. Họ không tìm được gì. Nhưng họ có đủ giấy tờ và quyền lực để tịch thu toàn bộ đất đai của nhà chị. Những gia đình còn ở lại trong khu đất này phải cam kết sẽ chuyển đi sau một thời gian. Trong chốc lát, mọi người trong gia đình chị ly tán. Mẹ chị bỏ đi. Những người chị của chị cũng bỏ đi. Không ai để tâm đến chị. Lúc đó tôi mới biết tuy họ sống cùng nhau dưới một mái nhà nhưng sợi dây liên kết chính là người cha. Người mà chị gọi là mẹ không phải là mẹ đẻ ra chị, cũng không phải là mẹ của những người mà chị gọi là chị. Đơn giản là người đàn bà này không có khả năng sinh con. Thi thoảng sau mỗi chuyến đi cha chị lại mang về một đứa trẻ. Chị là đứa trẻ được cha chị yêu quý nhất trong những đứa trẻ ông mang về.
Người gánh nước thuê
Mẹ tôi muốn chị về ở với tôi. Nhưng chị bướng bỉnh không chịu. Chị vẫn ngủ trong nửa ngôi nhà bị đổ sậpưới bàn thờ. Nơi có những cái chum rỗng mà ngày chưa chết cha chị gọi đó là những cái ngục của cha. Chị cũng không chấp nhận miếng ăn cho không của mẹ tôi và một số người đàn bà khác trong xóm. Chị tìm được một cách để trả ơn. Chị trở thành người gánh nước cho mọi người khi họ hàng ngày phải lăn lộn vất vả tủi cực với rất nhiều công việc khác để mưu sinh.
Hồi đó cái giếng nhỏ không đủ nước cho cả xóm dùng. Nước từ mạch giếng rỉ ra rất chậm. Ban ngày có nhiều người phải để thùng sát bên thành giếng để chờ múc nước. Thời điểm để gánh nước thuận tiện nhất là tầm 4, 5h sáng. Khi đó sau một đêm, nước trong lòng giếng đã khá đầy. Có hai người thường gánh nước sớm là chị và ông Lân. Cả hai đều không có đủ hai tay. Ông Lân cụt bàn tay trái do mảnh đạn trong vụ pháo kích hồi tháng ba. Ông kéo dây gàu múc nước bằng một tay lành và phần dưới cùi chỏ của cánh tay cụt. Chị thì kéo dây gàu múc nước bằng một cánh tay lành và hàm răng.
Tôi đã nhiều lần đứng nhìn chị múc nước. Cái cách chị kéo dây gàu, nghiêng đầu ghé răng cắn, rồi dùng hàm răng giữ sợi dây dừa đang căng ra dưới sức nặng của gàu nước đầy luôn làm tôi rùng mình đau đớn. Một gàu nước múc lên là một khó nhọc. Có khi môi trầy trụa. Có khi chảy máu răng. Rồi cũng quen. Nhưng hai hàm răng chị luôn ê ẩm.
Cảnh tượng ông Lân và chị múc nước thật sự là một cảnh tượng tội nghiệp đau xót và ám ảnh. Ông Lân có ba đứa con lít nhít, đứa út mới gần hai tuổi, đứa lớn nhất bằng tuổi tôi. Trước giải phóng, ông làm thợ xây. Chính ông đã xây ngôi nhà cho gia đình ông Đại. Ông không lấy tiền công. Đổi lại, ông là ngoại lệ trong khu đất này. Ngôi nhà của ông cũng được xây gạch, lợp ngói và tráng nền xi măng y như nhà ông Đại.
Giờ đây vợ chết. Nhà sập. Con còn nhỏ. Lại cụt mất một tay. Ông lúng túng đến quẫn trí trong việc chèo chống gánh nặng gia đình. Ông được những người chủ thầu bạn cũ cho theo phụ hồ. Ông phải gánh nước sớm đựng đầy mấy cái ang để đủ nước dùng trong ngày. Sau đó ông thu xếp mọi việc cho ba đứa con nhỏ rồi đi làm đến tận đêm.
Ảnh: Vietbao |
Ông Lân ghét bỏ chị ra mặt. Ông đay nghiến cha chị. Ông luôn nói với chị và những người dân trong xóm là ông bị oan. Ông cho rằng vì những việc làm không chính đáng nào đó của cha chị nên trái đạn đó mới rớt xuống. Và lẽ ra chỉ có gia đình chị phải gánh chịu tai họa này. Ông nguyền rủa cha chị đã làm nên cái chết của vợ ông. Để con ông mất mẹ và ông phải cực khổ. Nhiều lúc ông giành giật giằng co với chị từ chỗ đứng múc nước cho đến chỗ đặt thùng. Có lúc ông cố tình va quệt trên đường để làm đổ gánh nước của chị. Ông chì chiết, ghét bỏ luôn những bông cỏ vòi voi mà chị yêu thích.
Cỏ vòi voi bông trắng
Từ ngày cha chị chết, đúng hơn là từ ngày chị gánh nước để trả ơn những người đàn bà trong xóm đã cho chị miếng ăn, những bông cỏ vòi voi bắt đầu mọc lên. Bên giếng. Quanh chỗ chị đứng múc nước. Dọc đường. Ở những chặng chị đặt gánh nước nghỉ chân. Như có duyên nợ giữa chị và những bông cỏ khiêm nhường đó. Chị kể tôi nghe giấc mơ về cha mình, về những bông cỏ vòi voi, đã theo giấc mơ về đây. Hiện hữu như một minh chứng rằng cha không ở xa chị. Một ngày nào đó ông sẽ về. Chị sẽ hỏi và sẽ biết. Chị từ đâu đến? Mẹ chị là ai? Chị phải làm gì? Trong những ngày tháng đó thời gian, tôi và những bông vòi voi trắng là tài sản của chị. Chị bảo những bông cỏ cũng biết âu yếm. Nó chạm vào mỗi bước chân của chị làm chị quên đau nhức. Chị làm tôi đôi khi phát ghen vì cái cách chị vuốt ve dịu dàng và trò chuyện thân thiết với những lá cỏ hình tim nham nhám luôn tỏa ra cái mùi hăng hăng. Chị đã mơ là cỏ vòi voi sẽ mang đến cho chị sự lành lặn. Chị bảo những bông vòi voi sẽ làm chị bớt cảm giác bị ê răng. Rồi một ngày nào đó theo dấu cỏ vòi voi chị sẽ tìm lại được cha mình.
Ông Lâm cho rằng chị cố tình làm đổ nước để nuôi sống những cây cỏ bông trắng. Nước không đủ để con người dùng, lại đem tưới tắm cho mấy cây cỏ vô dụng. Loại cây lá nhám làm ngứa chân ông khi ông đi qua chạm vào. Thấy chị và tôi luẩn quẩn quanh những ngôi mộ và những bông cỏ ông lại càng tức tối. Ông gọi chúng tôi là những đứa trẻ bị ma ám. Vả lại như một thù hận rất cảm tính, ông thù ghét tất cả những gì chị quan tâm. Những mất mát đã khiến ông mù quáng và tăm tối. Ông không biết tìm ai để trút bỏ nỗi uất ức cứ được nuôi lớn lên mỗi ngày bằng những thiếu đói cực nhục. Hành hạ chị là một cách để ông tự làm mình hả hê.
Một buổi sáng ông Lân mang cuốc ra. Bằng một cánh tay lành và một cánh tay cụt. Ông dẫy bỏ bằng hết những bụi cỏ vòi voi.
Buổi trưa và mắt bướm
Tôi thích bóng tối, thích sự yên ắng, thích những buổi trưa xóm vắng người. Tôi và chị ra vạt mả chơi. Mấy bông cỏ còi cọc đứng sựng vì trời không một chút gió. Chúng tôi tha thẩn gần bên ngôi mả của cha chị. Những con bướm bay vẩn vơ ở đây. Tôi thường thấy lạ. Chúng ở đây để làm gì? Trên ngôi mả này một bông cỏ cũng không có. Chị nói mấy con bướm này nó nhìn chị lạ lắm. Tôi cũng thấy vậy. Tôi không nhìn thấy mắt của chúng. Nhưng tôi thấy những đôi cánh của chúng nhìn tôi vẻ dò xét.
Trưa hôm đó nắng gay gắt. Chị và tôi ngồi dưới bụi duối. Chẳng có quả vàng nào vì tụi trẻ con đã lùng sục tìm hái từ lúc sáng. Một thời gian nữa những ngôi mả này sẽ được dời đi. Ngôi nhà đổ của chị sẽ được dỡ bỏ. Một thời gian nữa nhà tôi cũng sẽ chuyển về nơi khác. Chị chỉ một vầng đen ở xa và nói mưa sẽ đến ngay đấy. Cha chị đang mang mưa đến đấy. Vậy mà mưa thật. Mưa đến nhanh đến nỗi chúng tôi không kịp chạy về nhà. Những hạt mưa to bộp bộp lao xuống từ trời không xanh thắm. Đất nóng gặp mưa bốc hơi lên vùn vụt. Mẹ tôi thường đóng hết cửa ra vào nhà và cả cửa sổ khi cơn giông bắt đầu để khỏi nghe hơi đất. Tôi và chị băng qua vạt mả. Những con bướm đã ướt cánh nấp vào đâu đó. Chúng tôi ướt át chạy. Trong mưa tôi thấy như có nhiều người cùng bay trên những ngôi mả như bướm.
Tối hôm đó tôi sốt. Bên ngôi nhà đổ chị cũng vậy. Mẹ tôi sốt ruột vì những lảm nhảm mê sảng của tôi suốt đêm. Tôi mơ thấy những bóng người xõa tóc rũ rượi bay thành vòng tròn trên trần nhà. Rồi đậu xuống vây quanh giường tôi. Họ thở vào tôi những hơi lạnh toát. Họ rủ tôi cùng đi với họ. Họ nói họ chỉ còn hôm nay nữa thôi. Rồi họ sẽ đi mãi. Họ nói họ nhận ra mùi của tôi. Họ biết tôi đã giải thoát họ. Họ nói những ngón tay tôi đã chạm vào họ, nước mắt tôi đã rớt xuống thân thể họ. Họ nói họ không chỉ nợ tôi và muốn trả món nợ đó. Họ còn nói họ yêu tôi và muốn tôi thuộc về họ. Họ nói họ đã nhìn tôi bằng những con mắt bướm suốt lâu nay. Họ nói họ nghĩ là tôi sẽ rất vui khi đi với họ. Họ hứa sẽ chăm sóc và không làm đau tôi. Họ giục giã tôi rối rít..
Tôi cũng mơ thấy chị. Những bóng đen ngồi chật trên ngực chị. Những bóng đen cố làm chị ngộp thở. Chị cầm trong tay bông cỏ vòi voi. Những bông hoa nhói trắng như ngọn lửa nhỏ.
Ảnh: laodong
Mẹ tôi phải chăm sóc tôi và chăm sóc luôn cả chị trong suốt ba ngày. Đến ngày thứ tư thì tôi tỉnh táo.
Những linh hồn không ngủ
Chính tôi đã mở những cái ngục của cha chị vào một buổi trưa khi chị đang ngồi trò chuyện với bà nội chị bằng một lối nói chẳng đâu vào đâu. Hôm đó, như thường lệ cha chị không có ở nhà. Không ai biết ông đang trên đường về. Những chuyến đi về của ông luôn bất chợt. Không ai biết đêm hôm đó trái đạn sẽ rớt xuống làm đổ sập hai nửa ngôi nhà. Không ai biết cái chết sẽ đến. Mang đi người vợ và bàn tay của ông Lân. Mang đi cha chị và, như một sự ban phước, mang đi bà nội chị.
Cha chị cũng không biết. Ông đến nhà vào chập tối. Như thường lệ. Vui vẻ bông đùa. Ăn cơm xong ông vuốt gò má lệch của chị. Nói rằng: Rồi cha sẽ sửa sang lại cho con.
Rất nhiều đêm sau ngày chị chết. Khi ký ức về một xóm nhỏ nghèo khổ với những điều kỳ lạ xảy ra đã dần nguôi ngoai trong lòng mọi người. Tôi vẫn không sao quên được. Tôi đã vô cùng ân hận. Tôi luôn cầu mong thời gian quay ngược để tôi tìm về buổi trưa đó. Tôi biết chắc những oan hồn cha chị giam giữ trong mấy cái chum, đã thoát ra khi tôi gỡ những lá bùa dán trên nắp chum rồi cạy bung nó bằng một chiếc dao cùn. Khi đó dưới gầm bàn thờ nhà chị, ánh sáng lờ mờ run rẩy. Tôi mơ hồ nghe những tiếng thở dài. Một tiếng gì đó như tiếng đập cánh của loài côn trùng. Tôi thấy mồ hôi tôi túa ra vì sợ hãi. Tôi dốc hết những thứ có trong mấy cái chum: Những giấy tờ lộn xộn, mấy hình vẽ loằng ngoằng, vài miếng nhựa không rõ hình thù, mấy sợi dây... Tôi túm tất cả giấu trong vạt áo rồi mang về nhà thả hết vào bếp củi chị Vân đang nấu cám heo. Nước mắt tôi rơi trong một lo sợ lẫn vui mừng khấp khởi. Từ nay không còn tiếng rên rỉ, không còn những bóng người than khóc. Chị sẽ ngủ ngon và sẽ có những giấc mơ vui.
Khi tôi quay lại nhà chị, chị vẫn đang ngồi bên bà nội mình nói những câu rời rạc về tiếng chó tru, tiếng chân người và tiếng lá quẫy cựa trong những đêm gió thổi.
Thức ăn và con chó đói
Nhà tôi đã chuyển về một nơi khác. Xóm cũ đã là ngày xưa. Giếng nước không còn. Vạt mả không còn. Bươm bướm cũng không mà hoa cúc dại cũng không. Mỗi sáng tôi ngồi nhìn ra con đường kéo một vệt dài đến bờ sông mà thấy mình vô lý. Can cớ gì tôi không buông bỏ được để cứ mơ mãi những giấc mơ cũ mèm nặng nề đau đớn. Có đêm tôi thức giấc và nhớ tiếng còi tàu. Xóm cũ có một đường ray nối nhà ga với sân bay. Những chuyến tàu ngang đây không chở người, không ánh đèn và tiếng huyên náo. Chỉ những toa chở hàng trùm kín vải bạt. Chỉ tiếng còi tàu kéo dài buồn bã và ngọn đèn pha phía đầu máy nhìn chòng chọc vào bóng đêm, có khi rọi sáng cây ô môi đang kỳ nở hoa làm nên một vẻ đẹp lộng lẫy như một điều không có thật trên thế gian này.
Tôi đã mang cho chị một ít thức ăn. Hôm đó tôi vừa tỉnh táo sau cơn sốt kéo dài ba ngày. Cả tôi và chị đều bị sốt vì đẫm mưa khi ra chơi ngoài vạt mả trong buổi trưa vắng người. Tôi nghe mùi thức ăn thật thơm sau bếp. Tôi lần xuống đứng nhìn. Mẹ múc cho tôi một ít. Tôi mang sang nhà chị. Trí nhớ tôi lưu giữ những hình ảnh nhập nhòe. Chị ngồi bên mái hiên đổ sập loay hoay với mấy cái chum rỗng như thể muốn tìm một cái gì đó. Mắt chị sáng lên khi nhìn thấy tôi. Nhưng chị và tôi không được ăn những thứ mà mẹ tôi vừa nấu và bảo tôi mang sang cùng ăn với chị. Tôi nhớ cú phủ dập đầu tiên của con chó nhà ông Lân. Sự tiếc nuối và nỗ lực chống chọi của tôi khi giành lại những thức ăn rơi trên đất và những cắn xé của con vật trong cơn điên dại thèm ăn đầy bản năng.
Ông Lân đã đánh chết con chó ngay trong đêm hôm đó.
Khi tôi ở bệnh viện về thì chị đã chết. Mẹ tôi bảo chị chết vì đói. Chị đã từ chối thức ăn và nước uống mọi người mang đến cho chị. Những đứa trẻ khác trong xóm thì bảo là chị đã bị đưa đi bởi một bầy đom đóm. Chúng dẫn chị ra ngôi mả của cha chị. Mẹ tôi đã tìm thấy chị ở đó.
Chuyến tàu
Tôi không lớn lên được nữa. Thể tạng tôi vốn yếu ớt từ ngày mẹ sinh. Thêm thiếu đói kéo dài. Thêm cơn sốt sau ngay ngày mắc hơi mưa ngoài vạt mả. Rồi bệnh viện, những mũi kim may trên da thịt nát bươm bởi nanh chó, những mũi tiêm quanh rốn trong rất nhiều ngày. Rồi sự ra đi của chị.
Thân thể tôi như teo dần héo hắt. Tôi thường xuyên ngủ và mơ. Tôi mơ suốt, không chỉ ban đêm mà cả ban ngày. Trong giấc mơ tôi đã gặp rất nhiều người khi quen khi lạ. Tôi gặp lại bà nội chị, cha chị. Tôi gặp lại cả bàn tay đã chết của ông Lân. Một bàn tay chỉ có xương và gân khô quắt. Tôi gặp lại con chó rầu rĩ. Nhưng tôi không gặp chị. Mãi cho đến hôm nay.
Tôi nhớ chị lắm. Ừ, tôi biết, vậy nên tôi mới tìm về đây. Rồi chị sẽ đi tìm cha chị nữa chớ? Tôi không tìm nữa, không tìm biết đâu sẽ gặp. Vậy giờ chị sẽ đi đâu? Tôi không biết, đi theo cỏ. Đi đến đâu? Tôi không biết, nhưng tôi thấy tự do, có vẻ như những bông cỏ trắng này sẽ không đưa tôi đến gặp cha tôi đâu. Tôi muốn đi với chị. Thôi đừng. Chị nhớ không, mấy cái ngục của cha chị đó, là do tôi. Tôi biết. Chị không trách tôi sao, tôi đã thả những oan hồn đó ra. Tôi biết, tôi cũng định thả họ, tôi không chịu được tiếng khóc của họ, tôi cũng muốn họ tự do.
Tự do. Tôi bước xuống giường. Chân tôi hụt vào trống rỗng. Chới với nhìn lại tôi thấy mình ngồi trong một toa tàu. Không phải tàu chở hàng thường ngang qua xóm cũ trong những đêm khuya khoắt. Một toa tàu êm ả. Chị đang ngồi bên cạnh tôi. Trước tôi và sau tôi là những bóng người dịu dàng im lặng. Chị ngồi bên trái, gò má, đôi mắt, khóe miệng lệch lạc chìm khuất vào trong tối. Tôi chỉ nhìn thấy chị với con mắt lành thẳm đen, trầm lặng và nét thẳng của sống mũi. Chị ngồi yên. Tôi thấy yên ổn. Con tàu đang lướt qua bóng đêm. Chúng ta đang đi đâu? Chị đáp : Giấc mơ. Tôi nhắm mắt buông mình vào thanh thản. Đã quá lâu rồi tôi mới thấy lại sự thanh thản này. Đang đi vào giấc mơ hay ra khỏi giấc mơ? Tôi muốn hỏi chị nhưng rồi thấy không cần hỏi nữa. Cũng không cần phải biết. Nhiều lúc không biết gì cả thì mọi chuyện không dưng lại dễ dàng hơn.
Krông Pắc 4.6.2009
-
Đinh Thị Như Thúy