,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
1085432
Xã hội nghi ngại thi “2 trong 1”, vì sao?
1
Article
null
,

Xã hội nghi ngại thi “2 trong 1”, vì sao?

Cập nhật lúc 03:03, Thứ Bảy, 12/07/2008 (GMT+7)
,

- Liệu lần này, anh chàng “Một kỳ thi THPT quốc gia”, người thứ bẩy, sẽ chung tình với "cô gái già" giáo dục vốn cao số đến bao năm? Chưa ai trả lời được, khi mà chiếc xe hoa của nàng còn một năm nữa mới khởi động. Những người thiện tâm, thiện chí, vẫn mong mỏi mối nhân duyên là tốt đẹp, tiết kiệm tiền bạc, công sức của cải cho xã hội và đem lại lợi ích cho thí sinh. Nhưng cũng chưa ai đoán định nổi, vì trong thời buổi “kim tiền” này, hạnh phúc vốn…mong manh.

 

"Cô gái già"cao số và sáu lần lên xe hoa

Trong mọi sự thái nghén và sinh nở các chủ trương đổi mới của giáo dục, thì thai nghén và sinh nở sự đổi mới thi cứ là vật vã nhất, truân chiên nhất, mệt nhọc nhất. Bởi thi cử là lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm, mang tính xã hội quá rộng lớn, nó đụng chạm tới mỗi gia đình có con đi học.

 

Nguồn ảnh - Corbis (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)

 

Mỗi kỳ thi diễn ra như hút vào đó, cái túi chứa khổng lồ cả nguồn lực con người, tài lực vật chất, hút vào đó cả quỹ thời gian lao động, sự tích cóp tiền bạc một nắng hai sương của người lao động. Không chỉ thế, nó còn tạo nên sự căng thẳng tâm lý xã hội đến mất ăn mất ngủ của hàng triệu lượt thí sinh, đi theo đó, hàng triệu gia đình bởi tính cạnh tranh khốc liệt, sống mái để đạt mục tiêu được tuyển chọn.

 

Chính vì thế đi ngược thời gian người ta thấy ngành GD và ĐT từng phải thay đổi không biết bao lần cách thức tổ chức tuyến sinh. Lịch sử thi cử tuyển sinh đại học đã ghi nhận ít nhất tới sáu phương án tổ chức thi tuyển sinh từng được triển khai. Khởi đầu, những năm trước đây, thi tuyển sinh được tổ chức tại trường. Các trường ĐH tự ra đề. Khi đó, quy mô tuyển sinh còn nhỏ.

 

Những năm chiến tranh phá hoại, phương án thi tuyển sinh được thay thế bằng xét tuyển. Đến những năm 70, thi tuyển sinh ĐH được tổ chức tại địa phương. Các trường ĐH về tận các tỉnh tổ chức tuyển sinh. Do những hạn chế của cách tuyển sinh này, những năm sau đó, thi ĐH được thay đổi bằng phương án thí sinh về tận trường thi, đề thi do trường tự ra.

 

“Hoành tráng” nhất nhưng cũng gây ra tranh luận gay gắt, dữ dội và để lại nhiều hệ lụy, tai tiếng nhất là những năm 85- 86, thí sinh vẫn thi tại trường, nhưng đề thi được chọn và tổ hợp lại từ “Bộ đề thi” do Bộ GD và ĐT ban hành. Đây cũng là giai đoạn thi tuyển sinh gây ra rất nhiều sự ồn ào, bùng nổ việc kiếm tiền của các trường ĐH từ hoạt động luyện thi tại các lò luyện, khiến cả xã hội nhức nhối không sao chịu nổi vì tốn kém tiền bạc, của cải, công sức của các gia đình thí sinh, mà cũng chưa hẳn có chất lượng tuyển sinh trung thực, khách quan và công bằng.

 

Thực tiễn đó, thúc đẩy ngành GD chọn lựa giải pháp “Ba chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển), thay thế cho cách tuyển sinh theo bộ đề thi. Cũng phải nói rằng, “Ba chung” đã gây nên không ít sóng gió tranh luận trong xã hội. Hoài nghi nhiều hơn tin tưởng, phản đối nhiều hơn đồng thuận, đồng cảm và chia sẻ.

 

“Ba chung” mới gắn bó được khoảng 4-5 năm, thì nay, cả xã hội lại một lần nữa dấy lên sự tranh luận, phản ứng, nghi ngại trước một sự chọn lựa hoàn toàn mới của ngành GD và ĐT, chủ trương chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả tốt nghiệp để xét tuyển ĐH.

 

Sáu lần chia tay để rồi lại tiếp tục chọn lựa, ngành GD và ĐT giống như "cô gái già" cao số, chưa tới bến đỗ bình yên. Sự long đong, lận đận ấy của nàng cho thấy các phương án thi cứ chưa bao giờ là những chàng trai “chung tình”, đã thế lại đầy nhược điểm và khiếm khuyết.

 

Cũng chưa bao giờ phản ứng của xã hội lại gay gắt đến thế, trước phương án thi cử mới, trước “người tình thứ bẩy” táo bạo mà "cô gái già" GD đang chọn lựa, có bản chất  bị nhiều người chê là khá phiêu lưu. Điều đó cũng dễ hiểu. Kiểm soát một kỳ thi sao cho nghiêm cẩn, trung thực, khách quan như kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT nắm 2008 vừa qua còn khó, nay lại gộp hai kỳ thi vào làm một. Độ khó của kỳ thi "2 trong 1" này không thể gấp đôi, mà phải là gấp “n” lần, bởi sự đòi hỏi các dữ kiện, điều kiện cho mục tiêu kép đều tăng gấp bội.

 

 

Nguồn ảnh - Corbis

 

 

1 và 100

 

Sự phản đối của xã hội về "người tình thứ bẩy" này như thế nào? 

Nhiều ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, nhà sư phạm, nhà khoa học, nhà giáo viện lý lẽ, mục tiêu của hai kỳ thi khác nhau, nên không thể “ở trong nhau”, và nếu chỉ còn một kỳ thi, thì phải bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, giữ lại kỳ thi tuyển sinh ĐH. Nhưng từ góc độ khoa học, từ thực tiễn GD và ĐT, người viết bài này cho rằng, nếu chỉ còn một kỳ thi, thì giữ kỳ thi THPT quốc gia là hợp lý. Vì sao?

 

Vì về lý luận, một trăm trường phổ thông là một trường phổ thông, bởi mục tiêu đào tạo là duy nhất và như nhất, nhằm tạo ra sản phẩm, những đứa con GD có một mặt bằng tri thức, dân trí phổ thông mang tính nền tảng. Trong khi đó, một trăm trường ĐH là một trăm trường ĐH bởi yêu cầu mục tiêu, xuất phát từ nguồn lực lao động và nhu cầu phát triển đa dạng các lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.

 

Muốn được tuyển chọn vào ĐH, hoặc muốn được trang bị một kiến thức ngành nghề nào đó, tạo nguồn nhân lực, về xuất phát điểm, người được tuyển phải có một chuẩn kiến thức, một ba rem tri thức nhất định tối thiểu. Đó là lý do vì sao nếu chỉ tồn tại một kỳ thi, thì phải giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

 

Cũng với quan điểm trên, ý kiến phản đối chủ trương “2 trong 1” còn cho rằng không thể lấy đề thi chung để lựa chọn hai mục tiêu hoàn toàn khác nhau, một bên là hoàn thành một bậc học phổ thông nhất định, một bên là tuyển chọn để đào tạo nguồn nhân lực lao động có trình độ cao.

 

Nhưng thực tiễn GD cũng cho thấy, một đề thi có thể mang tính chất phân hoá để chọn lựa học sinh giỏi, học sinh trung bình là điều bình thường, vậy một đề thi có nhiều phần khác nhau, để điều chỉnh hay tuyển chọn hai mục tiêu khác nhau, tốt nghiêp THPT và tuyển chọn ĐH, nhất là thí sinh dự thi tuyển chọn cũng vừa học hết bậc THPT là hoàn toàn có thể được, miễn là đề thi hàm chứa mục tiêu kép đó phải “đạt chuẩn”.

 

Những hoài nghi có lý.

 

Nhưng vì sao đa số ý kiến dư luận xã hội vẫn phản đối, nghi ngại ý tưởng, tư tưởng và sự thành công của kỳ thi “2 trong 1”. Hẳn điều này có lý của nó. Thông thường, một kỳ thi thành công được quyết định bởi nhiều điều kiện, nhưng cơ bản nhất là ở ba khâu: Đề thi, coi thi và chấm thi.

 

Đề thi vốn là khâu nhạy cảm nhất, dễ tạo nên sự tác động với dư luận xã hội nhất ở độ khó, dễ, chuẩn hay không chuẩn so với yêu cầu mục tiêu và tính chất kỳ thi. Trong thực tế các kỳ thi cả tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH nhiều năm nay, hầu như năm nào, cũng có những ý kiến tranh luận rất khác nhau về những sai sót ở đề thi, ở đáp án, buộc ngành phải họp hành, luận bàn, trả lời cho giới chuyên môn và cho những hoang mang của dư luận xã hội.

 

 

Nguồn ảnh - Corbis

 

Điều đó cho thấy “tay nghề” ra đề thi của đội ngũ chuyên môn về công tác này còn thiếu ổn định, bộc lộ sự thiếu chuyên nghiệp của lực lượng làm đề thi trước yêu cầu đổi mới thi cử. Sự thiếu tính chuyên nghiệp đó cần được ngành xem xét, có kế hoạch chiến lược lâu dài trau dồi, huấn luyện về kỹ thuật, thủ thuật làm đề, bồi dưỡng và học tâp của đội ngũ chuyên gia ra đề thi, nhất là khi xuất hiện phương thức thi trắc nghiệm, còn khá mới mẻ với thực tiễn giáo dục nước ta.

 

Nhưng nếu đề thi về lâu dài không phải là khâu quá lo lắng thì coi thi, khâu có ý nghĩa quyết định nhất tính trung thực, khách quan và công bằng của một kỳ thi, lại là khâu yếu nhất rất đáng lo.Thực tiễn kết quả thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2008 cho thấy điều đó. 

 

Mặc dù biên bản giám sát, thanh tra đột xuất, thanh tra tại chỗ nhận xét coi thi là ổn, là không có gì đặc biệt, nhưng tỷ lệ tốt nghiệp ở nhiều hội đồng thi tốt nghiệp THPT, nhất là bổ túc THPT tăng vọt một cách đáng ngờ, cho thấy khâu coi thi, chấm thi đều có vấn đề.  Đây là chuyện “tình gian, lý ngay”. Tuy rất khó bắt bẻ, vì “chứng cứ đâu”, nhưng “đến mùa quýt” giới chuyên gia đầy kinh nghiệm mới tin đó là tỷ lệ thực chất.

 

Nếu nhìn vào thiết kế của đề án thi “2 trong 1” hiện nay sau 20 lần dự thảo, lấy ý kiến của các cơ sở GD và ĐT, vẫn có cảm giác các tác giả của đề án còn “lạc quan”, thậm chí “lơ mơ” với khâu này, khi thiết kế kỳ thi tổ chức tại địa phương. Cách tổ chức này, khiến cho những người am hiểu giáo dục lo ngại nhất. Bởi do nhiều động cơ, những mối quan hệ và lợi ích xã hội chằng chịt tại địa phương trong bối cảnh nền kinh tế thị trường vốn phức tạp,  rất có thể sẽ điều khiển khâu coi thi từ đường thẳng ra đường cong, rất có thể, sự chính trực sẽ thua sự gian lận(!).

 

Xin lưu ý các tác giả đề án, những năm xa xưa, khi tổ chức tuyển sinh ĐH tại địa phương, người ta nhận thấy có rất nhiều điều không đáng tin cậy. Chính thực tiễn ấy khiến ngành (Bộ ĐH cũ) phải  thay đổi, tổ chức thi tuyển sinh ĐH tại trường.

 

Vì vậy, thiết kế tổ chức kỳ thi "2 trong 1" tại địa phương trong thực tế, rất khó bảo đảm tính trung thực, khách quan, công bằng, mà lợi ích, theo sự quan sát của dư luận dễ dàng rơi vào  các trường hợp “con ông cháu cha”. Bởi kỳ thi vốn có tính cạnh tranh cực kỳ quyết liệt, thì sự gian lận, hoặc tiêu cực rất dễ xảy ra. Nếu coi thi là khâu yếu nhất hiện nay thì thiết kế thi tại địa phương cũng là điểm yếu nhất của đề án này.

 

Cũng từ thực tiễn kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2008 vừa qua, với tỷ lệ tốt nghiệp cao đột biến, ngoài khâu coi thi, khâu chấm thi cũng được đặt trong vòng nghi vấn, nhất là ở những môn thi tự luận, vì với hình thức này, việc chấm điểm vẫn do chủ quan của giáo viên, dù lý thuyết có đưa ra tiêu chí chấm, tiêu chí đáp án, tiêu chí kiến thức môn học và cả thiết kế chấm hai vòng độc lập.

 

Nhưng nếu ở địa phương này, tại cả hai vòng chấm độc lập, giáo viên chấm thi chấm "điểm rẻ", chấm nới tay, còn ở địa phương khác, giáo viên chấm "điểm đắt", điểm chặt thì sẽ tạo ra sự không công bằng cho thí sinh giữa các vùng miền. Đây là điểm yếu, là điểm hạn chế nhất của khâu chấm thi theo hình thức tự luận. Vậy thiết kế của đề án phải làm thế nào để giáo viên chấm thi chính xác và công bằng giữa các vùng miền.

 

Ở góc độ kỹ thuật, so với hình thức tự luận, hình thức thi trắc nghiệm với cách chấm thi bằng máy tỏ rõ ưu thế chấm khách quan, chính xác hơn hẳn. Và cho dù còn  tiếng ra, tiếng vào, thì hình thức thi trắc nghiệm với công cụ chấm bằng máy vẫn có một mục tiêu, một ưu thế có khả năng ngăn chặn tiêu cực hoặc sự gian lận trong chấm thi…

 

Điều đó, đòi hỏi với chủ trương thi “2 trong 1” sớm muộn gì ngành GD và ĐT cần tăng dần số môn thi trắc nghiệm, ngoại trừ một vài môn thi quá đặc thù. Bởi thực chất, nếu đề thi trắc nghiệm xây dựng đạt chuẩn, vẫn bảo đảm sự rải đều kiến thức, chống học tủ, học lệch, bảo đảm bốn cung bậc từ nhớ,  hiểu, đến vận dụng và gợi mở năng lực tư duy độc lập của thí sinh.

 

Các kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ mới đây thực chất là những bước thăm dò, tập dượt trên lộ trình đổi mới để tiến tới thực hiện chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả xét tuyển thi ĐH, CĐ. Nhưng thực tiễn và kết quả của các kỳ thi, nhất là thi THPT, bổ túc THPT, cùng với dư luận và áp lực xã hội gay gắt buộc ngành GD và ĐT, mới ngay sau kết thúc đợt I của kỳ thi tuyển sinh ĐH, đã phải tuyên bố quyết định lùi thời điểm thực hiện đề án đến năm 2010.

 

Đó là một quyết định tỉnh táo, khôn ngoan, thận trọng, cho thấy thái độ ngành biết lắng nghe và cầu thị, bởi nếu vẫn quyết định triển khai đề án vào năm 2009, ngành thực sự phải đứng trước hai thách thức. Đối tượng thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm này khá phức tạp, đa dạng, buộc việc ra đề thi cực kỳ vất vả, không tránh khỏi sai sót trong bối cảnh kỹ thuật, thủ thuật và năng lực đội ngũ ra đề thi hiện nay chưa thực sự đạt tới trình độ chuyên nghiệp.

 

Mặt khác, thiết kế về cách tổ chức thi tại địa phương cũng hoàn toàn chưa chín, chưa đủ sức thuyết phục xã hội, và ở khâu này, rất cần sự đầu tư công sức công phu hơn nữa, để sáng tỏ một cơ chế như thế nào có thể kiểm soát được khâu coi thi vốn rất dễ xảy ra gian lận, nếu không, cũng có nghĩa, tiêu chí trung thực, công bằng, khách quan của kỳ thi có nguy cơ bị phủ nhận ngay từ trong thiết kế.

 

Liệu lần này, anh chàng “ Một kỳ thi THPT quốc gia” , người thứ bẩy, sẽ chung tình với "cô gái già" GD vốn cao số đến bao năm? Chưa ai trả lời được, khi mà chiếc xe hoa của nàng còn một năm nữa mới bắt đầu khởi động. Những người thiện tâm, thiện chí, vẫn mong mỏi mối nhân duyên là tốt đẹp, tiết kiệm tiền bạc, công sức của cái cho xã hội và đem lại lợi ích cho thí sinh. Nhưng cũng chưa ai đoán định nổi, vì trong thời buổi “kim tiền” này, hạnh phúc vốn …mong manh. 

  • Kim Dung    

 
Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ:
 
 
Ý kiến bạn đọc:
 
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,