,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
1024596
Hàng rong trước giờ cấm… rong
1
Article
null
,

Hàng rong trước giờ cấm… rong

Cập nhật lúc 05:59, Thứ Sáu, 18/01/2008 (GMT+7)
,
 (VietNamNet) - Cho dù chỉ nay mai thôi, rất có thể cấm bán hàng rong sẽ trở thành hiện thực; cho dù thế, thì những “hàng hoa rong”, những “tiếng rao lúc nửa đêm” nhọc nhằn vẫn phải sống cuộc sống của họ vì cơm áo mưu sinh. Và họ để lại trong lòng chúng ta sự cảm thông, chia sẻ cùng không ít nỗi băn khoăn…

Vui buồn… hoa hàng rong

Bất kể ngày mùa thu mát mẻ hay mùa đông giá lạnh, bất chấp cái nắng chói chang của mùa hè, cả những hạt mưa lất phất của mùa xuân, khi lang thang trên đường phố Hà Nội ta vẫn thường bắt gặp những “bông hoa di động” trên chiếc xe đạp cà tàng hay đơn giản là trên những cái mẹt nhỏ bày bán ở vỉa hè. Lấp lóa sau hàng trăm bông hoa khoe sắc là nụ cười rám nắng, là bộ quần áo bạc màu của những người bán hoa rong. Những hình ảnh đó, đều góp phần tạo nên sắc phố đặc trưng của Hà thành.

Thỉnh thoảng, đi qua một vài con phố, giữa ồn ào xe cộ và khói bụi, bất chợt gặp những khóm hoa rung rinh, khoe sắc sáng bừng lên một góc phố, thấy trong lòng như có gì đó dịu lại, vui vui. Hoa hàng rong không có cái vẻ đẹp sang trọng theo kiểu giấy bóng, tủ kính như hoa trong tiệm, càng không có vẻ đã được tạo dáng tạo kiểu một cách cầu kỳ như những bó hoa ta vẫn thường thấy trong các hội nghị hay các ngày lễ.

Chở mùa đi khắp phố. Ảnh: Theo blog Nguyên DJ
Chở mùa đi khắp phố. Ảnh: Theo blog Nguyên DJ

Hoa hàng rong mang vẻ đẹp rất mộc, thậm chí, khi cầm lên một vài cành hoa vẫn còn thấy cả những vết bùn vương trên thân, trên lá. Buổi sáng, tôi vẫn thường có thói quen mua một vài bông hoa bán rong về cắm, nhìn những hạt sương còn đọng lại trên cánh hoa cũng đủ biết hoa đã bắt đầu cuộc hành trình của mình từ rất sớm và cũng có thể vừa mới vượt qua một quãng đường dài để đến được tay người mua.

Hoa hàng rong thường không được chuộng khi đi tặng hoặc dịp lễ nào đó, không hẳn vì kém nhan sắc mà đơn giản vì vẻ bề ngoài khá mộc của nó. Bù lại, hoa hàng rong lại hơn đứt hoa tiệm về chủng loại và độ tươi của hoa. Thỉnh thoảng, trên những thúng, những mẹt hoa bán rong, tôi còn bắt gặp những bông hoa dại giản đơn nhưng có vẻ đẹp hút hồn khoe sắc cùng muôn vàn loài hoa kiêu sa khác. Một chút hương đồng nội giữa hàng ngàn mùi hương phố thị cũng làm ấm lòng một kẻ xa quê như tôi…

Đã đến khá nhiều thành phố, nhưng chưa  thành phố nào nơi tôi đi qua lại có nhiều hàng hoa rong lang thang trên mọi ngõ phố như ở Hà Nội. Có lần, tôi hỏi thăm cô bạn người Huế: “Ra Hà Nội cậu thấy ấn tượng nhất cái gì?”. Và tôi thật sự ngạc nhiên khi cô bạn trả lời rằng, ấn tượng nhất là những hàng hoa bán rong trên đường phố, nhìn lạ mắt mà lại rất đẹp, còn giá cả thì rẻ đến bất ngờ.

Cũng có thể, sau những ngày tất bật trên đường, ít ai trong chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp dung dị, tưởng như tầm thường ở những gánh hoa rong, và cũng có thể vì quá quen thuộc với ta nên vẻ đẹp của nó chìm đi và trở nên thật bình thường trong mắt ta. Chỉ khi được phát hiện, ta mới giật mình nhìn lại, quả thật, đó là vẻ đẹp rất Hà Nội. Hằng ngày, hàng trăm chiếc xe đạp chở hoa len lỏi khắp phố phường Hà Nội rao bán. Có lẽ những người bán hoa hàng rong không bao giờ ý thức được rằng họ đang góp phần tạo nên một sắc phố rất riêng của đất Hà thành này.

Có lẽ rất ít người khi dừng lại mua một vài bông hoa hàng rong lại để ý đến khuôn mặt đen nhẻm nắng gió, đôi bàn tay sần sùi đầy vết xước vì gai của những người bán hàng. Ít ai trong chúng ta để tâm đến một điều rằng để có những bông hoa đẹp mang đến niềm vui, sự tươi tắn của cuộc đời cho mọi người thì họ, những người bán hoa rong đã phải vất vả như thế nào. Họ phải dậy từ sáng sớm, đến chợ hoa lấy hàng, thậm chí, có những người vừa trồng vừa bán hoa nên nhiều khi đêm không ngủ để cắt hoa cho kịp sáng mai bán sớm.

Hoa rong trước giờ xuống phố. Ảnh: Vnphoto.net
Hoa rong trước giờ xuống phố. Ảnh: Vnphoto.net

Những đôi dép mòn vẹt vì gánh bộ, những đôi chân rã rời vì phải đạp xe đi qua không biết bao nhiêu ngõ ngách trong thành phố. Bù lại cho sự vất vả ấy, là những đồng tiền nhàu nhĩ, quăn mép được cất kín trong túi như báu vật. Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ vì bán được hàng, tôi chợt chạnh lòng nghĩ  đến mẹ  ở quê. Cũng giống họ, mẹ tôi nhặt nhạnh từng mớ rau, củ sắn bán lấy tiền nuôi con ăn học. Mỗi lần nhận từ tay mẹ một xấp tiền nhàu nát, thấy sống mũi cay cay, những đồng tiền ấy, chưa một lần tôi dám tiêu một cách quá trớn… Bóng dáng của họ, gương mặt sạm nắng gió và những giọt mồ hôi lăn trên má khiến tôi thấy thân thuộc biết bao nhiêu.

Đã có lần, khi đang chọn hoa tặng một người bạn, tôi vừa buồn, vừa tức giận khi thấy một chiếc @ đỗ xịch trước mặt người bán hàng. Một cô bé trạc hai mươi ngồi trên xe hất hàm: “Hoa hồng bao nhiêu?”. “Ba nghìn cháu à”. Cô gái nguýt dài, kèm theo một câu bĩu môi: “Hoa bán rong mà đắt bỏ mẹ" rồi phóng vụt đi. Tôi nhìn bác bán hàng lắc đầu ái ngại. Cô bé đó chỉ trạc tuổi con gái bác. Không biết cô gái ấy học ở đâu ra cái kiểu khinh mạn đó, tự nhiên thấy buồn…

Phố phường đã sang đông. Những chiếc xe chở hoa bán rong vẫn lặng lẽ tỏa hương trên đường, mặc giá rét căm căm. Nụ cười rám nắng, bộ quần áo bạc màu, những đôi chân nứt nẻ và đầy vết xước vẫn miệt mài đạp xe khắp các con phố, như chưa bao giờ được nghỉ ngơi. Phố phường Hà Nội như đặc sắc hơn vì có họ. Và tôi tin vào điều đó.

Tiếng rao lúc nửa đêm

“Ai bánh giò, bánh rán, bánh khúc đây”. “Ai xôi nóng không?”. 1h đêm, trời Hà Nội lạnh như nước đá xát vào tim, tiếng rao của những người phụ nữ đi bán rong vẫn vang lên lúc trầm lúc bổng.

Dường như tiếng rao đêm đã trở thành quen thuộc trong tâm khảm của những ai đã và đang sống trên mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến. Có người đã từng gọi tên nó như một nét văn hóa không thể thiếu. Cũng từng có người nghe tiếng rao đêm bỗng khóc rưng rức, thương dáng mẹ còng lưng đang “gánh cả đồi cát trắng” ở quê nhà.

Nghe tiếng rao đêm, chợt nhớ cô bé 10 tuổi cạnh nhà lần đầu tiên ra Hà Nội chơi, khi trở về chỉ đem một điều duy nhất ra thắc mắc với mẹ: “Đêm nào con cũng nghe tiếng rao. Sao người Hà Nội khổ hơn quê mình hả mẹ?”.

Nhọc nhằn hàng rong đêm. Ảnh: Theo laodongvieclam
Nhọc nhằn hàng rong đêm. Ảnh: Theo laodongvieclam

Đêm, lang thang cùng cô bạn thân trong con phố nhỏ Yên Hòa, Cầu Giấy, nhìn thấy dáng nhỏ nhoi trong chiếc áo khoác mỏng manh của chị bán bánh khúc, giò nóng đang còng lưng đạp, miệng vẫn không ngớt: “Bánh khúc, giò nóng đây”, chợt nhớ đến khuôn mặt thẫn thờ, xám ngoét của cô bé bán cam trạc 18 tuổi bị công an tịch thu mất gánh hàng rong. Sau thoáng thẫn thờ là đôi dòng nước mắt lăn dài, hình như đây là lần đầu tiên cô đi bán rong nên chưa quen với việc bán chui, bán chạy. Chợt thấy bụi trong mắt mình cay cay, bỏng rát…

Hà Nội. Phía ngoài những ngôi nhà cao tầng là cuộc sống của những thân cò trên phố. Đêm Hà Nội, trong cái lạnh buốt giá thấu tim gan, khi mọi người đã chìm vào giấc nồng trong chăn ấm, đệm êm thì những tiếng rao đêm cũng bắt đầu.

Dường như, sau khi chủ trương cấm bán hàng rong nay mai được thực hiện, những tiếng rao đêm như trở nên dày hơn, dài hơn và khuya hơn, não nề hơn. Họ vẫn chưa thể quên được nghề? Cuộc sống của gia đình họ cứ vẫn phải trông chờ vào tiếng rao ấy.

2 giờ đêm, tôi khoác cái áo choàng cổ kín ra mở cổng gọi: “Bánh giò ơi”. Người phụ nữ mỏng manh trong chiếc áo khoác đã sờn màu quay lại, bàn tay run run vì lạnh lấy chiếc bánh giò nóng… Rồi chị lại đi như lút vào đêm đông. Chợt nhớ tới câu chị bảo: “Cái cần câu cơm của gia đình chị đấy em ạ”. Cái cần câu cơm của gia đình chị trong “cơn bão giá cuối năm”…

  • Lê Huyền - Lê Phan

Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ: kyduyen@vasc.com.vn hoặc hpthao@vasc.com.vn

Ho ten: Lâm Nhật Hùng
Dia chi: 345 Ngô Gia Tự
Email: hunglamnhat@...
Noi dung: Hàng rong sinh ra bởi đó là nhu cầu của cuộc sống, tại sao lại phải cấm? Bởi đơn giản không thể quản lý được sao? Tại sao không quản lý người bán hàng rong bằng cách cho họ đăng ký với chính quyền để dễ dàng kiểm soát?

Ho ten: Tran Ngoc Sinh
Dia chi: Hai Phong
Email: khuesinh@...
Noi dung: Tôi đồng ý cầm hàng rong. Không thể cứ tồn tại mãi cảnh bán rong trong khi không có nước nào trên thế giới việc bán hàng rong quá nhiều như ở Việt Nam. Trung Quốc có hàng tỷ dân, đời sống cũng còn rất khó khăn nhưng không có hàng rong. Đó là do trình độ quản lý xã hội. Không thể vì dân còn nghèo mà kéo dài mãi tình trạng này. Cần tập trung buôn bán tại chợ tập trung, cũng chính là tạo điều kiện cho người dân buôn bán nhỏ bán hàng dễ hơn, không phải đi rong. Có nhiều việc thoạt nhìn thấy khó khăn nhưng chỉ là lúc đầu. Hàng rong kèm theo tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm, cần giải quyết càng sớm càng tốt, không nên vin vào đời sống khó khăn. Càng kéo dài tình trạng hàng rong chính là làm cho người lao động càng khổ.

Ho ten: NTP
Email: nguyentruongphuonga02@...
Noi dung: Theo tôi, thành phố cần xem xét kỹ vẫn đề cấm bán hàng rong. Xem cấm ở đâu là cần thiết. Những người bán hàng rong, mục đích chính cũng là mưu sinh. Nếu bây giờ không được bán nữa, gia đình họ biết sống bằng nghề gì? Trong khi quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do phát triển công nghiệp. Mà chúng ta chưa có quỹ phúc lợi để đáp ứng cuộc sống tối thiểu cho họ. Hai là hàng rong cũng là một nét đặc trưng của Hà Nội từ lâu đời, nó đã quen thuộc với nếp sống của người Hà Nội. Hơn nữa, khách du lịch cũng rất thích hàng rong của Việt Nam, coi nó là một nét văn hóa của Hà Nội. Nhưng chúng ta cần có chính sách cụ thể để kiểm soát hàng rong, tránh gây ách tắc giao thông, tệ nạn xã hội, sản phẩm thiếu an toàn… Kính mong chính quyền thành phố nhanh chóng có những giải pháp thích hợp hơn, vừa để giữ trật tự xã hội, vừa đáp ứng được nguyện vọng người dân.

Ho ten: Bạn đọc
Noi dung: Bán hàng rong khiến cho thành phố nhem nhuốc. Kỉ niệm về hàng rong khi thành phố còn nhỏ, một vài hình ảnh được thơ mộng hóa. Theo tôi, có thể tập trung một số điểm để hàng rong đến đây bán, cần có sự tham gia của nhà văn, họa sĩ, thiết kế theo kiểu xưa, vừa trật tự, vừa đẹp, giữ lại nét truyền thống. Bỏ nhà tù Hỏa Lò, giữ lại một phần nhỏ làm di tích là biền pháp tốt. Nên chăng theo cách làm này? Vừa hiện đại vừa giữ bản sắc dân tộc. Còn giữ bản sắc cứ theo kiểu phát triển vô tội vạ thì bao giờ mới có một Hà Nội hiện đại, văn minh?

Ho ten: HTV
Dia chi: Melbourne, Vic, Australia
Email: rosemary_vht@...
Noi dung: Hiện tôi là một sinh viên đang du học tại Úc. 17 năm sinh ra và lớn lên giữa lòng Thủ đô để lại trong tôi rất nhiều những hình ảnh và kỉ niệm khó phai về Hà Nội dấu yêu. Sâu sắc nhất trong số đó có lẽ phải kể đến những gánh hàng rong, một nét rất đặc trưng của Hà Nội. Mỗi khi nhìn thấy những người bán rong ở Melbourne, lòng tôi lại xao xuyến nhớ về Hà Nội hơn bao giờ hết. Không chỉ là những gánh hoa rong mà còn cả những xe đẩy  ngô luộc, khoai nướng thơm lừng một góc phố mùa đông, còn là tiếng rao tào phớ trưa hè oi ả, là nhiều, rất nhiều những gánh hàng rong khác gắn liền với cuộc đời học sinh của bất cứ cô bé, cậu bé Hà Nội nào. Thật đáng buồn khi nghĩ rằng một ngày nào đó trở về, tôi sẽ không còn được nhìn thấy những hình ảnh quen thuộc đó nữa.

Ho ten: Nham Long
Dia chi: 73 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội
Email: ngoduythin@...
Noi dung: Các nước họ cũng có dân nghèo thành thị, họ có cho phép bán hàng trên một số vỉa hè, nhưng chỉ là bán báo, cà phê. Không có nơi nào như ở nước ta, người dân từ nông thôn ra thành thị mang cả bếp than tổ ong, lồng gà, nước rửa bát, đồ nghề sửa chữa xe đạp, lợn, gà, ngan, vịt… Thậm chí còn để nguyên con sống trong lồng. Tất cả đều diễn ra trên vỉa hè. Như vậy liệu có phải là nét văn hóa không? Theo tôi nên quy hoạch lại một vài địa điềm/ phường và chỉ cho phép bán một số mặt hàng, còn đâu phải kiên quyết dẹp. Nếu không Hà Nội sẽ thành một thành phố bẩn thỉu, nhếch nhác, lộn xộn.

>> Cảm nghĩ của bạn về bài viết và những gánh hàng rong?

 

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,