Giám thị Đỗ Việt Khoa, dư âm trước và sau
(VietNamNet) - Thời gian rồi sẽ trôi đi, nhưng sự kiện giám thị Đỗ Việt Khoa bị thua ngay trên “sân trường” tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay nói một điều muôn thuở như quy luật. Cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái hay và cái dở, giữa cái đẹp và cái chưa đẹp chắc chắn là cuộc đấu tranh lâu dài, không đơn giản. Những con người chính trực trong cuộc chiến đấu cần tỉnh táo, cần luôn cảnh giác nhưng cũng cần phải được bảo vệ, ủng hộ, được chia sẻ từ số đông những người tốt.
Chị nghĩ gì về sự kiện giám thị Đỗ Việt Khoa, kỳ thi năm trước và kỳ thi năm nay?
Câu hỏi của một người bạn đồng nghiệp nguyên là nhà giáo, như viên đá nhỏ rắn đanh và sắc lạnh rơi vào giữa những ngày nóng bỏng thông tin kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chưa bao giờ sút giảm đến thế. Xã hội, nhất là những ai vốn quan tâm đến giáo dục hẳn chưa thể quên sự kiện giám thị Đỗ Việt Khoa, mà có người đã gọi là “hiện tượng”.
Một năm trước đây, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, giám thị Đỗ Việt Khoa coi thi tại Hội đồng thi Trường THPT Phú Xuyên A (Huyện Phú Xuyên) đã dũng cảm tố cáo những gian lận thi cử, làm bùng lên dư luận xã hội bất bình và bức xúc trước những tiêu cực trong giáo dục nhiều năm đã ủ thành bệnh nan y.
Một cách nghĩ tâm linh, đầy duy cảm, có người nhận xét số phận đã đặt thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một thầy giáo hiền lành, thật thà và chính trực vào sứ mệnh của người “châm ngòi” chống lại cái xấu, cái gian lận và bất công ngay trong lĩnh vực giáo dục. Với hành động dũng cảm này, cùng sự chuyển vần của thời cuộc đổi mới cơ chế quản lý, làn gió sinh hoạt dân chủ trong xã hội bắt đầu thổi nhẹ, lịch sử giáo dục đất nước thực sự giở sang trang mới.
Giám thị Đỗ Việt Khoa. Ảnh: TL
Trang giáo dục dạy thật - học thật - thi thật - làm thật, được đánh dấu bằng cuộc vận động “hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục), với ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là cái chính trực phải thắng cái gian tà. Giá trị thật phải thắng giá trị “rởm”, ngay trong lĩnh vực được coi là mô phạm nhất nhưng đã nhiều năm sống chung với căn bệnh dối trá vì chủ nghĩa thành tích.
Một năm sau, cũng tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, dư luận xã hội sửng sốt trước thông tin thầy giáo Đỗ Việt Khoa, với vị trí giám thị 2 coi thi tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Trãi (Thường Tín - Hà Tây) bị tới ba lần lập biên bản vì “vi phạm quy chế”, xem xét kỹ lại chỉ là những lỗi nhỏ nhặt, đó là ký nhầm vào vị trí giám thị số 1, là đi lại nhiều...
Hai thời điểm, cũng giám thị ấy, hai sự kiện khác hẳn nhau đã gây nên “cơn sốc” dư luận vừa hấp dẫn vừa sôi nổi. Có cả ủng hộ và phản bác, có cả lời khen lẫn tiếng chê, có cả nói xuôi và bàn ngược. Đáng chú ý, sau những thông tin khách quan của báo chí, thì chỉ riêng mạng điện tử VietNamNet đã có hàng trăm ý kiến bạn đọc phản hồi.
Sự giống nhau kỳ lạ trong những thư phản hồi này là cho dù khác nhau về địa vị xã hội, vị trí công dân, từ người lao động bình thường đến bậc trí giả đáng kính, tiếng nói đồng điệu vẫn là tiếng nói ủng hộ giám thị Đỗ Việt Khoa. Vì sao vậy? Sự giống nhau nữa, ở cả hai sự kiện đối lập, tiếng nói ủng hộ giám thị Đỗ Việt Khoa là tiếng nói phổ biến của xã hội, trong khi sự phản đối bằng chính hành động với giám thị Đỗ Việt Khoa lại là ở cơ sở giáo dục, hội đồng thi, nơi giám thị Đỗ Việt Khoa công tác.
Phân tích hai thời điểm, hai sự kiện đối lập nhau, nhiều ý kiến cho rằng đã có một sợi dây mỏng manh nhưng rất bền chắc và tinh vi, xuyên suốt hai sự kiện này chặt đến nỗi, nếu không có một giám thị Đỗ Việt Khoa dũng cảm, chính trực chống gian lận trong kỳ thi năm trước,sẽ không có một giám thị Đỗ Việt Khoa bị lập biên bản “vi phạm quy chế” tới ba lần tại kỳ thi năm nay chỉ vì những sai sót rất nhỏ.
Giải đề thi sau 10 phút phát đề tại một hội đồng thi năm 2006. Ảnh: TL
Giám thị Đỗ Việt Khoa thắng ở kỳ thi năm trước nhưng lại “thua” ở chính tại kỳ thi thứ hai ngay trên “sân trường”, bởi những nguyên nhân sâu xa, nhưng có khi lại được ngụy danh bằng những lý do có vẻ chính đáng khó bắt bẻ. Sự tinh vi là ở đó. Nói thẳng ra, chính hành động chống tiêu cực của giám thị Đỗ Việt Khoa tại kỳ thi năm trước, thực chất đã là sự tuyên chiến và đe doạ không ít lợi ích cá nhân của một số người nắm quyền quản lý, làm tổn hại lợi ích của những người có con em đi thi.
Những lợi ích cá nhân tuy khác nhau nhưng lại gặp nhau, hỗ trợ nhau, thoả thuận nhau tại kỳ thi - anh thì có lợi, tôi thì vừa có lợi lại vừa có danh. Trong sự thoả thuận lợi ích ấy, giám thị Đỗ Việt Khoa luôn là vật cản, và đã là vật cản phải bị “soi”, bị “vô hiệu hoá”, chí ít cũng thoả mãn sự thù tức, ghét ghen.
Công bằng mà nói, không phải tất cả những nhà giáo đồng nghiệp với giám thị Đỗ Việt Khoa đều ủng hộ cái sai trái, đều chống lại thái độ sống tích cực của giám thị Đỗ Việt Khoa. Nhưng không phải ai cũng có nhận thức đúng và đủ quyền làm chủ của mình trong một thời cuộc đang có nhiều đổi mới, thời cuộc mà con người muốn thực hiện quyền dân chủ, trước tiên phải được thực tập dân chủ.
Dường như số đông không chỉ mệt mỏi với sự mưu sinh, kiếm sống, làm giàu, mà còn quen với một nếp nghĩ an phận, ỉ lại, ngại đấu tranh vì “rách việc”, ngại thay đổi vì “đấu tranh, tránh đâu”. Chính tâm lý cầu an đó là mảnh đất yên lành và mầu mỡ cho thói quan liêu, độc đoán, vô hình trung cũng là tiếp tay cho những gian lận, những tiêu cực thi cử dưới hình thức này, hình thức khác.
Và cũng phải công bằng mà nói rằng, muốn đấu tranh chống tiêu cực, chỉ nhiệt huyết, tâm huyết thôi chưa đủ. Con người chính trực còn cần một phương pháp tư duy tỉnh táo, khoa học và khách quan, một phương pháp làm việc đúng. Đặc biệt phải hiểu mình, hiểu người, đánh giá đúng mình, đánh giá đúng người là quan trọng, là cực kỳ cần thiết. Hiểu mình, hiểu người để biết mình đang đứng ở đâu, biết cả "sở trường, sở đoản", biết dừng lại đúng chỗ mà không ảo tưởng tham vọng, không nông nổi bồng bột, có sự khôn ngoan trong hành xử và đôi khi có một chút may mắn để tự bảo vệ chính mình khỏi đơn thương độc mã, tránh sự trầy da sứt trán không cần thiết.
Trong cuộc đấu tranh này, giám thị Đỗ Việt Khoa dường như thiếu một phương pháp tư duy và một phương pháp làm việc tỉnh táo, khôn ngoan cần thiết. Anh thua ngay trên “sân trường” của mình là dễ hiểu. Điều may mắn cho giám thị Đỗ Việt Khoa, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tây, trước áp lực tâm lý xã hội nhiều phía, với một cái nhìn tỉnh táo từng trải, khôn ngoan, đã kết luận đúng mực với những “vi phạm” của giám thị Đỗ Việt Khoa.
Thời gian rồi sẽ trôi đi, nhưng sự kiện giám thị Đỗ Việt Khoa bị thua ngay trên “sân trường” tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay nói một điều muôn thuở như quy luật. Cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái hay và cái dở, giữa cái đẹp và cái chưa đẹp chắc chắn là cuộc đấu tranh lâu dài, không đơn giản. Những con người chính trực trong cuộc chiến đấu cần tỉnh táo, cần luôn cảnh giác nhưng cũng cần phải được bảo vệ, ủng hộ, được chia sẻ từ số đông những người tốt.
Giáo dục Hà Tây trước đây nhiều năm liền tỷ lệ tốt nghiệp THPT luôn trong tốp đầu bảng, 98- 99%. Năm nay, kết quả tốt nghiệp tại kỳ thi “hai không” tụt xuống chỉ còn hơn 57%. Cũng không chỉ có Hà Tây mà còn rất nhiều địa phương trong cả nước đều có hiện tượng tương tự. Nhưng đó là một hiện tượng lành mạnh cho dù có biết bao việc phải làm đang đặt ra cho ngành GD-ĐT. Điều ấy cho thấy, sự dũng cảm của giám thị Đỗ Việt Khoa và của nhiều giám thị có danh hay vô danh từng đi trước không hề vô nghĩa.
Vì thế mà dư âm xã hội về sự kiện giám thị Đỗ Việt Khoa, trước và sau là công bằng, khách quan và nhất quán, bạn đồng nghiệp à!
- Kỳ Duyên
Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ: kyduyen@vasc.com.vn hoặc hpthao@vasc.com.vn
Ho ten: Leminet Ho ten: Nguyễn HưngTĩnh Ho ten: Nguyễn Lan Bình Ho ten: Le Thi Ngoc Le Ho ten: Lê An Huy
Dia chi: Hà Nội
Email: homevnn@gmail.com
Noi dung: Bài viết của bạn rất hay. Bản chất của phần lớn chúng ta là ngại ngần thay đổi, e sợ trước sự bất trắc. Nhưng chỉ thay đổi mới làm con người tiến bộ và xã hội phát triển. Muốn thực hiện được điều đó, cần thiết phải có niềm tin vào lẽ phải, sự dũng cảm và trên hết tất cả là cái nhìn tỉnh táo trước sự vật sự việc. Hy vọng rằng thầy Khoa sẽ đọc bài báo này, có những sai lầm, có những cản trở, nhưng trên tất cả, chúng tôi tại thời điểm hiện tại vẫn tin vào sự chính trực của thầy. Cũng như đang vững tin vào một nền giáo dục mới mà chúng ta đang thực hiện. Mong thầy vững bước.
Dia chi: Yên Bái
Email: tinhncyb@yahoo.com
Tieu de: Thầy giáo Đỗ Việt Khoa vẫn luôn là con người dũng cảm.
Noi dung: Tôi ủng hộ quan điểm của tác giả bài viết. Người được ủng hộ và khuyến khích vẫn là thầy Đỗ Việt Khoa. Những việc làm của thầy Khoa năm 2006 đã được báo chí và dư luận lên tiếng ủng hộ, những "thế lực thù địch" với thầy không dám trực diện trả thù. Tuy nhiên, họ vẫn ngấm ngầm chờ đợi cơ hội, và dĩ nhiên kỳ thi lần này, thầy Khoa đã bị tới 3 biên bản vi phạm. Đó cũng là điều dễ hiểu và dễ thông cảm với thầy. Mong rằng thầy Khoa hãy vững vàng, tự tin và tỉnh táo hơn trong cuộc đấu tranh này.
Dia chi: TP HCM
Email: binhlannguyen@yahoo.com
Noi dung: Hoan hô VNN! Nội dung thật chính xác! Ngay khi biết tin về việc thầy Khoa bị trù, bị soi và trả đũa tôi đã rất bức xúc. Rất tiếc là Bộ GD-ĐT lại không soi ngược lại Sở GD Hà Tây về việc này. Thầy Khoa, lẽ ra phải cho làm giám sát ở cấp độ cao hơn mới đúng, sao lại chỉ được làm giám thị coi thi duy nhất trong một phòng thi? Phải chăng đó là một cách giam lỏng thầy Khoa của Sở GD Hà Tây? Cảm ơn VNN về sự dũng cảm về sự thật này!
Dia chi: 03 Hoàng Diệu, Đà Lạt
Email: nuocmatngocredcross@yaoo.com.vn
Noi dung: Tôi cảm thấy vô cùng tâm đắc với bài viết này. Ngành giáo dục cần có nhiều Đỗ Việt Khoa thì mới tốt lên được.
Dia chi: Đống Đa, Hà Nội
Email: leanhuy06@yahoo.com.vn
Noi dung: Đọc xong bài viết, tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả về nhận định trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã thiếu một phương pháp tư duy, một cái nhìn tỉnh táo. Bởi lẽ không phải chỉ ở kỳ thi tốt nghiệp PTTH vừa qua, mà ngay từ lần lấy phiếu tín nhiệm việc tự ứng cử ĐBQH ở cơ quan. Cái nhìn con người thiếu tỉnh táo của thầy Khoa ở đây chính là việc thầy chưa nhận thức được sau khi lên tiếng vì vụ tiêu cực thi cử chắc chắn thầy sẽ bị không ít người ghét.
Ho ten: Nguyễn Trương
Dia chi: Gio Linh - Quảng Trị
Email: tinhyeunguyentrai@yahoo.com.vn
Tieu de: Luôn ở bên cạnh thầy giáo Khoa
Noi dung: Cám ơn bài viết của Kỳ Duyên và báo VNN cho đọc giả cùng tham luận những nội dung, thông tin “nóng hổi”. Quả thực, ngay sau khi nghe thông tin thầy Khoa bị “rớt đài” ngay trên “sân trường” trong kỳ thi năm nay, chúng tôi không thấy ngạc nhiên chút nào. Nhưng tôi và mọi người chúng ta yêu lẽ phải, yêu công lý, yêu cái hay, cái đẹp đều có chung một ý nghĩ : trân trọng, biết ơn sự dũng cảm, chính trực của thầy giáo Đỗ Việt Khoa – một con người tạo thêm được niềm tin, dũng khí trong cuộc chiến chống tiêu cực và bệnh thành tích trong ngành giáo dục, thêm một mũi tên thép bắn vào vỏ bọc ung nhọt đang ngấm ngầm làm băng hoại xã hội bấy lâu nay. Mong thầy đừng nản chí, chúng tôi luôn ở bên cạnh thầy trong cuộc chiến này, và một điều muốn góp ý thêm (cùng ý với tác giả Kỳ Duyên) là: thầy phải tỉnh táo hơn, có phương pháp tư duy tốt hơn để không bị mắc bẫy của những kẻ vụ lợi nhưng lại ngụy danh lẽ phải.
Ho ten: Nguyễn Hòa Bình
Email: cdvaog@hotmail.com
Tieu de: Hoan nghênh VNNet
Noi dung: Thêm một lời ủng hộ VNNet chắc cũng không thừa, nhưng nếu tất cả các tờ báo dù là điện tử hay báo in thông thường đều dũng cảm như VNNet thì chắc chắn xã hội ta sẽ đổi mới thực sự trên con đường phát triển và hội nhập. Chúc VNNet ngày càng có nhiều bài báo hay, có tính thuyết phục.
Hồi âm của Thư Hà Nội: Thư Hà Nội xin cảm ơn vì đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi của bạn đọc về bài viết "Giám thị Đỗ Việt Khoa, dư âm trước và sau", trong đó rất nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của bài viết, ủng hộ thái độ chính trực, tích cực của thầy giáo Đỗ Việt Khoa chống lại những gian lận trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục. Đồng thời bày tỏ sự mong muốn thầy Khoa cần rút kinh nghiệm, để tránh hành động nông nổi và bồng bột. Đáng chú ý, mới đây, Thư Hà Nội nhận được email của thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Sau khi cảm ơn bài viết, những góp ý chân tình về phương pháp tư duy, phương pháp làm việc còn non yếu, thầy giáo Đỗ Việt Khoa viết: "Kết quả đỗ tốt nghiệp trường tôi chỉ đạt 29%, thấp gần nhất Hà Tây. Tôi bị lãnh đạo trường nói, nguyên văn: "Chỉ tại mày mà trường này khổ thế. Các vị giám thị Phú Xuyên bảo là năm nay làm chặt cho trường của Khoa "điếc" biết tay". Tôi thầm cảm ơn các giám thị Phú Xuyên đó, vì họ làm nghiêm gần như thi đại học. Có thế, năm tới các em học sinh mới chăm học, mới chịu chọn đường đi cho đúng chứ không thể làm mãi cái việc lãng phí trong học hành được. Hiện nay, tại địa phương tôi, nhiều cha mẹ đã khuyên con học hết lớp 9, nếu không có khả năng học tiếp thì đi làm, đi học nghề... Thế chẳng phải là một suy nghĩ đúng đắn, có lợi cho các em đó hay sao?"