,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
882874
Rải thảm đỏ thôi, chưa đủ!
1
Article
null
,

Rải thảm đỏ thôi, chưa đủ!

Cập nhật lúc 05:26, Thứ Năm, 04/01/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Bia đá với bảng vàng, mũ áo ngày xưa và bằng tiến sĩ ngày nay, không phải chỉ để mà ngắm nghía. Cũng như những “chiếu cầu hiền” thưở trước với những “thảm đỏ" thời nay, mới chỉ tỏ ý tôn vinh, tỏ lòng trọng thị. Một người am hiểu lịch sử, một nhà báo lâu năm "ôn cố tri tân":

Nhân đầu năm mới 2007, đất nước chúng ta, với tư cách thành viên chính thức của WTO, thật sự bước vào cuộc tranh đua toàn cầu, trong đó có những đối thủ là những nền kinh tế trí thức hùng mạnh, xin hãy cùng nhau học lại để làm tốt hơn những bài học từ ông cha ta tạo nguồn hiền tài và dùng vốn nhân tài tạo ra sức mạnh đua tranh, tạo ra thời hưng thịnh.

Soạn: HA 1000205 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Hoàng Thành Thăng Long (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Quả vậy, hơn nghìn năm đất nước ta phát triển độc lập, lắm thăng trầm, đã cho hay: những thời võ công lẫm liệt và thời văn trị hưng vượng, chung quy nhờ tổng hòa nhiều động lực, mà nổi bật là thuận lòng dân, có vua sáng, lắm nhân tài.

Từ thời Lý...

Nhà Tiền Lê, sau chiến thắng Bạch Đằng hiển hách (938) mở ra vận hội mới và hơn nửa thế kỷ vun đắp nền độc lập, nhưng tới triều vua cuối cùng do hư đốn, bạc ác với dân, tàn bạo với kẻ sĩ - nhà sư (vua thích thấy cảnh giết dân như ngóe và róc mía trên đầu sư tóe máu mà cười sằng sặc) nên chi triều thần ra tay phế bỏ, để tôn đại thần giỏi giang Lý Công Uẩn lên ngôi nhà Lý.

Dời đô từ thế thủ Hoa Lư ra thế mở Thăng Long, ra sức khuyến nông, các vua đích thân xuống ruộng “tịch

Soạn: HA 1000351 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Văn miếu Hà Nội (Nguồn: NXBTG)

điền”, để dưỡng sức dân. Lập đại học Quốc Tử Giám (1070), mở các khoa thi (từ 1075), để đào tạo, tuyển dụng nhân tài. Triều Lý đã mở đầu cả kỷ nguyên độc lập và phát triển đất nước, làm nên cả võ công rạng rỡ trên sông Như Nguyệt (1076), lẫn văn minh Lý nở rộ và đặc sắc.

Từ đời Trần...

Đời Trần kéo dài gần hai thế kỷ giữ nước hiển hách và phát triển văn minh rực rỡ. Ấy là nhờ chiến lược lấy dân làm gốc, mở mang nông - công - thương, tích lũy tiềm lực kinh tế  - quốc phòng, nhờ bồi dưỡng mạnh mẽ sức dân, nên  khi giặc đến mới có Hội nghị Diên Hồng bô lão cả nước đồng thanh hô “đánh”.

Nhờ nuôi quân, luyện quân đủ cả thủy bộ, kỵ, thảy đều thiện chiến. Nhờ mở mang giáo dục xuống đến tận làng mạc, thứ dân, liên tục mở khoa thi kén người tài. Nhờ thiết lập kỷ cương, ít ra có bộ Hình luật  cùng lễ nghi triều chính. Nhờ đặt xã tắc và muôn dân lên trên hết (nên mới có Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn rút gươm toan chém con trai khi anh chàng khuyên cha đoạt lấy ngai vàng). Nhờ vua và đại thần nêu gương theo luật. Phụ chính Thái sư Trần Thủ Độ, dù nể vợ đến đâu, cũng cự tuyệt lời nhỏ to của bà, không lấy quan ngang tắt thân quen; cũng khen thưởng đến cả lính gác cửa phủ biết giữ luật dám ngăn cả kiệu Phụ chính phu nhân. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thì tin yêu đến cả tì tướng nô bộc như Yết Kiêu, Dã Tượng. Nên khi nguy cấp, chạy ra bờ Nhĩ Hà, nơi hẹn hai tì tướng kia đợi sẵn giữa muôn ngàn tên đạn, quả nhiên vẫn có ở đó thuyền và người cứu nạn.

Soạn: HA 1000207 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Lễ hội Kiếp bạc  (Ảnh: Phạm Hải)

Nước sáu, bảy triệu dân, mà ba lần đại thắng cả thảy một triệu quân xâm lược của đế quốc khổng lồ Nguyên - Mông từng chinh phục gần hết châu Á cùng đại lục Trung Hoa. Và nền văn minh Trần sáng chói với “tứ đại khí” là sản phẩm văn hóa và công nghệ cao nhất thời đại: Chuông Quy điền, tháp Báo Thiên, chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh.

Và bậc hiền tài bậc nhất được dân tộc tôn làm Thánh - Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Và nhiều những tấm gương phẩm giá muôn đời: Trần Quốc Toản 16 tuổi cầm quân xung trận; Trần Bình Trọng giặc bắt dụ hàng mà thà chết “làm quỷ nước Nam chứ không làm vua đất Bắc”... Quả là một thời đại cả nước đều “địa linh, nhân kiệt” (đất thiêng, người giỏi), muôn dân đều dự phần “nguyên khí” tài năng. 

Đến thời Lê...

Thời Lê Thánh Tông (1442 - 1497, ở ngôi 38 năm) là đỉnh cao văn hiến triều Lê - nước thịnh, dân yên, vua giỏi, lắm người tài. Ấy là do thời này đã khá hoàn chỉnh chiến lược, chính sách, luật lệ, bộ máy quản lý... tạo ra nguồn lực con người (từ lê dân cho chí bậc đại thần). Lê Thánh Tông, tâm thì đặt vào vận nước, chuyên cần “trống canh năm còn đọc sách, chiêng xế bóng chửa thôi chầu”. Đức thì những “muốn cho mọi người đều giàu đủ, yên vui để tiến tới thịnh trị”. Cắt cứ quan phủ, còn ra dụ, dặn: “phải làm theo phép nước, lo cho dân, nén dục vọng”. Tài thì tiêu biểu là dựng được bộ Luật Hồng Đức đồ sộ và tương đối hoàn chỉnh hơn bất cứ thời nào; và chủ soái Hội Tao Đàn với ít ra “28 vì sao sáng” thơ văn.

Ông là nhà chính trị và nhà văn hóa đương thời. Ông để ý uốn nắn cả tập tục dân gian, ông biết cả việc trẻ con kinh thành dùng diêm tiêu đốt pháo bông nguy hiểm, mà cấm. Ông chăm lo việc nông trang, bách nghệ, thông thương nội ngoại, khiến cho “nhà bắc nhà nam đều no mặt, lừng lẫy cùng ca khúc thái bình”, còn đặc sản cùng hàng thủ công, mỹ nghệ bán sang tận Nhật Bản, Ả Rập. Thăng Long, Phố Hiến, Hội An... trở nên các đô thị phồn vinh.

Ông giỏi việc quân, tài ngoại giao và giữ gìn biên ải, nên “bốn phương phẳng lặng”. Ông mở mang mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục, phát sách giáo khoa cho các phủ, chỉnh lại việc thi cử, cả thi văn lẫn thi võ. Vua thân chinh ngồi trên hiên trước sân diện, “ra đề văn sách hỏi đạo trị nước” các nhân tài đã lọt vòng thi hội. Vua nghiêm lệ ngay cả việc dạy dỗ thái tử, tuy rằng Thái hậu (mẹ ông) đã dạy cháu cả bằng roi vọt mà sắc mặt vua vẫn nghiêm. Ông riết róng việc sát hạch tài cán quan lại, và bình xét công tội từ quan triều đến quan các trấn cùng phủ, huyện và mọi thuộc lại “không ai bỏ sót”. Ông trị nặng tội tham nhũng và sách nhiễu dân. Cho nên bộ máy quan chức thời này sạch, mạnh mà gọn nhẹ (chừng năm nghìn quan ăn lương trên cả nước).

Chiến lược người tài thời Lê Thánh Tông vậy là cơ bản và có hệ thống: tạo nguồn - tuyển chọn - tin dùng - kiểm soát và đãi ngộ. Ấy là cái gốc thời hưng thịnh.

Đến Tây sơn Nguyễn Huệ...

Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, nhà quân sự thiên tài, tuy vốn chữ còn chưa mấy, nhưng dạ cầu hiền và mắt nhìn người thì sáng láng. Người cầm chục vạn hùng binh, mà ba lần cầu xin La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cho lời chỉ bảo. Người choáng ngợp giữa kinh thành Thăng Long hoa lệ với cả rừng kẻ sĩ Bắc Hà, mà không hề mặc cảm, hiềm nghi, không lấy uy bắt phải theo, trái lại, hết sức trọng và tin dùng người giỏi. Nên trước khi về Phú Xuân mới trao quyền bính Bắc Hà cho Đại tử mã Ngô Văn Sở, bên cạnh là danh sĩ Ngô Thì Nhậm (người khi gặp, Nguyễn Huệ đã reo lên: “Thật là trời để dành ông cho ta vậy”), cùng đông đảo nhân sĩ Bắc Hà.

Hai nhân vật tài ba này, sau đó đã thông minh và táo bạo rút lui chiến lược về Tam Điệp, bỏ kinh thành cho 29 vạn quan Thanh “ngủ trọ một đêm”. Nhờ thế, đã bảo toàn lực lượng và nhuệ khí để hợp quân với đại binh Quang Trung Nguyễn Huệ từ Phú Xuân ra, phản công đại thắng Xuân Kỷ Dậu (1789). Sau khi quét sạch quân xâm lược, Quang Trung ban ngay  Chiếu khuyến nông  cho dân an cư lạc nghiệp, rồi Chiếu cầu hiền mời gọi tất thảy ai có tài ra giúp nước. Và mở Viện Sùng chính biên dịch kinh sách ra chữ Nôm dùng cho trường học. Và vui mừng ưng thuận cho dân phường Văn Chương tu sửa Văn Miếu, v.v. Ông giương ngọn cờ chấn hưng văn hóa, khơi nguồn “nguyên khí”.

Tiếc rằng bậc lỗi lạc Quang Trung lại đoản mệnh (ông mất ba năm sau đó, 39 tuổi) và chí lớn chấn hưng đất nước thống nhất sau hai thế kỷ cắt chia, không ai nối được.

Còn Tự Đức (1848 - 1883 ở ngôi 35 năm), ông vua Nguyễn hay chữ, văn tài, nhưng con mắt chính trị thì nông cạn, đã thả nổi cơ đồ trước hàm cá mập thực dân. Mất niềm tin ở sức mạnh nhân dân, ông nơm nớp sợ Tây, không theo phái chủ chiến tiêu biểu là Tôn Thất Thuyết.

Ông đóng cửa lại để ôm ấp ảo tưởng thời Nghiêu Thuấn xa xưa của văn minh nông nghiệp cổ truyền, một mực “trọng nông, ức thương”, “bế quan tỏa cảng”, ông cự tuyệt hàng loạt điều trần cải cách kinh tế theo hướng thương mại và kỹ nghệ phương Tây, của những nhà cải cách tài ba Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện... Có dân mà không biết dựa, lắm người giỏi mà không biết dùng, thì nước suy, nước mất là dễ hiểu.

Và thời nay...

Chúng ta nay đang chú ý hơn và có một số chủ trương khơi dậy nguồn lực con người Việt Nam, phát huy sức mạnh, tài năng, coi khối đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định mọi thành tựu phát triển mà cái đích của sự phát triển là hạnh phúc của toàn dân. Ý tưởng chiến lược đã thấy là sáng tỏ.

Tuy nhiên, có vẻ như qui trình liên tục - liên thông - liên hoàn như ông cha xưa vào thời vận tốt đã thành công: tạo nguồn - trọng thị - trọng dụng - trọng đãi, hiện gặp nhiều trục trặc, khập khiễng, hẫng hụt, khâu nào cũng tỏ ra bất cập.

Soạn: HA 1000215 gửi đến 996 để nhận ảnh này
    2007: VN thành viên chính thức WTO

Ngay trong khâu đầu tiên, khâu quan trọng nhất - tạo nguồn, xây đắp nền móng và vun trồng nguồn tài năng lao động hiên đại chất lượng cao, đó là sự nghiệp giáo dục và đào tạo, quốc sách hàng đầu, cũng là khâu tiêu tốn ngân sách hàng đầu ( từ 17% đến 20% ngân sách), dư luận toàn xã hội vẫn dồn mọi sự lo lắng và bức xúc, một cách hoàn toàn có lý, vào nhưng bệnh chạy theo thành tích ảo và bệnh gian dối hiện đang là lực cản lớn để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Trong khâu trọng dụng, trọng đãi thực tế vẫn tồn tại những nghịch lý. Cử nhân, kỹ sư, tiến sỹ ngày càng đông đảo, nhưng nhân tài thật thì đâu đâu cũng thở than là khan hiếm. Thảm đỏ lắm nơi đã trải. Nhưng có nơi rải thảm không chỉ đón người tài mà giành cả, có khi là phần hơn, cho người có sức nặng của "phong bì" hay chỗ "có đi có lại". Có nơi, thảm đỏ thật, nhưng đợi hoài vẫn chẳng có mấy tài năng thực chất bước lên. Vì người tài thật đã không nhiều đáng kể, mà không ít trong số họ than vãn rằng tài năng không có nơi đắc địa để mà thi thố, và thành quả lao động chất xám mới chỉ tạm đủ nuôi thân. Vậy là chất xám bị lãng phí và rò rỉ ra ngoài.

Dù là “hiền tài là nguyên khí của quốc gia" - ý tưởng ấy của ông cha ta, một chân lý truyền đời, đã được tạc vào đá bia Văn Miếu. Nhưng bia đá với bảng vàng, mũ áo ngày xưa và bằng tiến sĩ ngày nay, không phải chỉ để mà ngắm nghía. Cũng như những “chiếu cầu hiền” thưở trước với những “thảm đỏ“ thời nay còn nặng về tỏ ý tôn vinh, tỏ lòng trọng thị.

Mới chỉ thế thôi là chưa đủ, chưa thể tạo ra nguồn nguyên khí dồi dào, chưa thể làm cho “nguyên khí thịnh thì quốc gia hưng vượng”. Bài học của ông cha thưở trước nuôi dưỡng nguồn “nguyên khí quốc gia” hẳn vẫn đang còn tươi rói tính cấp thiết và tính thời đại, cần phải đuợc ôn lại và thực thi triệt đễ hơn, sâu rộng hơn. 

  • Nhi Anh 

        Ý kiến phản hồi của độc giả xin gửi về tran@vasc.com.vn hoặc điền vào mẫu sau:

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,