,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
875884
"Văn hoá giao thông": Nói nữa vẫn không thừa...
1
Article
null
,

'Văn hoá giao thông': Nói nữa vẫn không thừa...

Cập nhật lúc 10:49, Thứ Năm, 14/12/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) – Sau bài viết “Văn hoá giao thông của cộng đồng”, Thư Hà Nội nhận nhiều thư phản hồi đồng tình của bạn đọc, kèm theo cả những phân tích mới mẻ và sâu sắc về văn hoá trong giao thông xe đạp và xe máy, sự kết hợp của luật lệ và nếp sống văn minh. Thư HN xin giới thiệu những bài viết tiêu biểu sau đây. 

          >>> Trịnh Phan Phan: XE ĐẠP - XE MÁY VÀ VĂN HOÁ CỦA PHÁT TRIỂN

1.“Lần đầu tôi sang đây năm 1994 đường phố toàn xe đạp, nay thì xe đạp đã nhường chỗ cho xe gắn máy và ô tô. Đó chính là một câu chuyện kinh tế thú vị. Nó gây ấn tượng với tôi mạnh nhất”. Lời nhận xét  của cựu thủ tướng Pháp Michel Rocard (Báo Tuổi Trẻ ngày 1/12) đáng để suy nghĩ lắm.

Sau 12 năm trở lại Việt Nam, ông Rocard nhìn thấy sự biến chuyển của kinh tế Việt Nam thông qua sự biến chuyển của bộ mặt giao thông Việt Nam. Một nền giao thông xe đạp (tạm gọi như vậy) tiêu biểu cho một nhịp sống chậm chạp, nặng tính cơ học thủ công. Một nền giao thông xe máy, ô tô (cũng tạm gọi vậy) tiêu biểu cho một nhịp sống nhanh nhạy, hối hả, mang màu sắc của một xã hội công nghiệp hiện đại. Vậy thì rõ ràng là sau 12 năm chúng ta đã tạo dựng được một bộ mặt giao thông mới, một sức sống kinh tế mới: nhanh hơn, mạnh hơn, dẻo dai hơn, phù hợp với dòng chảy của thời đại hơn. Đấy là một tín hiệu đáng phấn khởi.

2. Song sự phát triển xã hội, trọng tâm là sự phát triển kinh tế và điểm dễ thấy nhất, dễ đập vào mắt nhất là sự phát triển của bộ mặt giao thông  bao giờ cũng phải đi kèm với văn hóa của sự phát triển. Nền giao thông xe đạp quen với văn hóa ứng xử kiểu xe đạp. Nền giao thông xe máy vì thế cũng phải quen với văn hóa ứng xử kiểu xe máy. Đem văn hóa xe đạp vào giao thông xe máy thì trước sau gì cũng dẫn đến chuyện lợi bất cập hại.

Soạn: HA 984065 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đi xe đạp cũng đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Phạm Hải

Câu hỏi đặt ra: vậy văn hóa ứng xử kiểu xe máy là gì, khác với văn hóa ứng xử kiểu xe đạp ở chỗ nào? Nói đơn giản: đã đi xe máy thì phải từ 18 tuổi trở lên và phải có bằng xe máy. Nó khác hẳn với cái kiểu một đứa trẻ con 5, 6 tuổi cứ trèo lên xe đạp tập vài buổi là đã có thể phóng bay bay trên đường. Nói trừu tượng: Vì xe máy có tốc độ nhanh hơn xe đạp nên tai nạn xe máy (nếu có) cũng thường nghiêm trọng hơn tai nạn xe đạp (nếu có). Vì thế người lái xe máy kiểu gì cũng phải có trình độ giao thông tốt hơn người đi xe đạp.

3. Thực tế, chúng ta đã làm được như thế chưa? Thì đấy, cứ thi thoảng lại nghe thấy chuyện người ta đi “chạy” bằng xe máy, nghĩa là tạo cho mình một cái mác ảo, một cái thứ văn hóa xe máy ảo. Thì đấy, cứ thi thoảng lại thấy báo chí đưa tin về những vụ giao thông ô tô thiệt hại đến kinh người. Lý do: lái xe thiếu hiểu biết trong việc thực hiện luật giao thông, hoặc giả, hiểu biết rồi nhưng vì cái lợi riêng của mình nên cố tình vi phạm (chở khách quá trọng tải, bắt khách không đúng khu vực, chạy quá tốc độ để tranh khách…). Tóm lại là, vẫn có rất nhiều người vì quen với văn hóa xe đạp nên đã mang văn hóa xe đạp vào nền giao thông xe máy.    

4. Xin được nhắc lại, một nền giao thông xe đạp chuyển mình sang giao thông xe máy là một tín hiệu rõ nét của sự phát triển. Nhưng sự phát triển chỉ có thể bền vững khi đi kèm với nó là những biến đổi văn hóa “ăn theo” nó. Không thể đem văn hóa xe đạp vào nền giao thông xe máy, cũng như không thể đem những thói quen nông nghiệp vào một xã hội công nghiệp. 

          >>> Nguyễn Hiên:  LUẬT GIAO THÔNG VÀ “VĂN HOÁ GIAO THÔNG”

Câu chuyện thứ nhất diễn ra ở “xứ người”: Một phụ nữ đi bộ sang đường sai luật và bị xe ô tô đâm. Người phụ nữ bị thương rất nặng. Người chủ xe đã không bồi thường mà còn kiện người phụ nữ vì làm xe anh ta bị móp và anh ta bị chấn động về tinh thần.

Câu chuyện thứ hai là ở “xứ ta”. Một ông đi xe đạp đột ngột sang đường không vẫy tay xin đường làm một chị đi xe máy đâm phải. Không ai bị sao nhưng xe đạp và xe máy đều hỏng. Người đi đường xúm lại râm ran: “Ông xe đạp kia sai rõ. May mà không chết nhé. Thôi bà đi xe máy đưa ông ấy mấy đồng rồi đi đi…”. Chị đi xe máy rút một ít tiền ra đưa ông đi xe đạp rồi lẳng lặng dắt xe máy của mình đi tìm chỗ sửa.

Rõ ràng là có sự rất khác nhau về cách ứng xử của anh đi xe ô tô trong câu chuyện thứ nhất, và chị đi xe máy trong câu chuyện thứ hai, mặc dù trong câu chuyện, cả hai người đều là những người đi đúng luật giao thông. Đi tìm nguyên nhân sâu sa, người ta thấy nổi lên một điều là ý thức về pháp luật giao thông giữa “xứ ta” và “xứ người” còn có một khoảng cách.  

Ở Việt Nam Luật giao thông đường bộ đã có từ lâu nhưng trên thực tế dường như vẫn tồn tại một thứ “luật” bất thành văn là: khi xảy ra tai nạn thì người đi ôtô thì phải đền người đi xe máy; người đi xe máy đền người đi xe đạp; và người đi xe đạp thì đền người đi bộ. Sự đúng sai theo Luật Giao thông do Nhà nước ban hành chỉ là “tình tiết” tăng nặng hay giảm nhẹ mức đền bù mà thôi. 

Việc thiếu ý thức tôn trọng pháp luật giao thông như vậy đã dẫn đến nhiều ứng xử giao thông rất “made in Vietnam”: người đi bộ thì tuỳ tiện qua đường bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào mình cần; xe đạp thì cứ vèo một cái lao từ ngõ ra phố; xe máy thích là “lượn lờ” trước mũi ô tô chẳng hề ngại vì “ông va vào tôi là ông đền đấy”… Cũng từ chỗ chẳng sợ luật, người ta sẵn sàng phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai phần đường, vượt đèn đỏ… mà chẳng chút “áy náy” nào.  

Khi đã không coi trọng pháp luật giao thông thì người ta cũng chẳng để ý đến cái gọi là “văn hoá giao thông”. Không cần biết đến những người khác cùng tham gia giao thông với mình, nhiều người cứ triệt để nguyên tắc “mạnh ai nấy đi”. Ngoài đường quốc lộ, xe ô tô này xin vượt, xe khác không cho chỉ vì… không thích cho, ai làm gì được nhau (?!). Trong đô thị, đường ùn tắc ư, ta cứ len lên đã, vướng người đi ngược chiều à, kệ ta cứ phải len. Ông kia xin đường để rẽ ư, tôi đang vội để tôi vượt qua ông đã rồi ông hẵng rẽ. Đang đi đường gặp bạn à, phanh “két”, đứng chống chân trò chuyện luôn. Người đi qua nhìn ư, nhìn cái gì, chúng tôi lâu mới gặp nhau, ông bà đi phải tránh chứ… 

Có một ranh giới không rõ nét lắm giữa hành vi bị xem là không có “văn hoá giao thông” với hành vi vi phạm pháp luật giao thông. Đôi khi, người ta quên mất rằng việc “giành” đường, chèn ép nhau khi đi trên đường là vi phạm pháp luật giao thông chứ không chỉ là thiếu tôn trọng người cùng tham gia giao thông với mình. Ngược lại, người ta cũng ít khi để ý rằng thực hiện một hành vi được coi là có “văn hoá giao thông” (chẳng hạn đi xe đúng làn, dừng xe đúng vạch, ưu tiên nhường đường cho cho xe cứu hoả, xe cứu thương…) cũng chính là sự chấp hành nghiêm túc luật giao thông.

Rõ ràng giữa pháp luật giao thông và “văn hoá giao thông” có mối quan hệ khá khăng khít. Những hành vi, ứng xử “đẹp”, có văn hoá khi tham gia giao thông chỉ có được khi người ta hiểu và tôn trọng luật giao thông. Mặt khác, ý thức về lối sống văn hoá, tôn trọng người cùng tham gia giao thông sẽ là động cơ tốt thúc đẩy mọi người tìm hiểu và chấp hành luật giao thông. Nên chăng, cả hai ý thức này đều cần được song song nhấn mạnh trong những nỗ lực nhằm thay đổi ý thức của người tham gia giao thông – nguyên nhân chính của trên 85% vụ tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay. 

  • H.H. (giới thiệu)

                                   Kính mời bạn đọc phản hồi và đề xuất: 

 

                                                                                                 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,