,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
870496
Sau những giờ phút tâm thái thăng hoa
1
Article
null
,

Sau những giờ phút tâm thái thăng hoa

Cập nhật lúc 11:04, Thứ Năm, 30/11/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Hy vọng, sau sự kiện APEC 2006, cơ hội cả dân tộc sống trong tâm thái thăng hoa, người dân Hà Nội và cả nước sẽ càng ngày ý thức được việc tự làm mới mình, làm mới cả cộng đồng, xứng đáng với đất nước đang bước lên một tầm cao

Dân tộc ta, trong những bước ngoặt lịch sử, từng có những giờ phút tâm thái thăng hoa. Bây giờ, mới đây là tuần APEC 2006 - Hà Nội. Háo hức, phấn chấn, đọc báo, nghe đài, nhất là chăm chú xem truyền hình vô tuyến, rồi luận đàm, hy vọng…Đông đảo người dân, không chỉ Hà Nội mà cả ở các đô thị, miền quê, vùng núi, như vượt lên mình đôi chút, trên cuộc sống thường nhật, ngẫng theo tầm cao sự kiện quốc gia.

Soạn: HA 971145 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Hàng bạc xưa (Tranh của Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái)

Mỗi sự kiện vui trong đại như thế, đất nước lớn mạnh thêm, và cũng là một cơ hội để toàn dân ta làm mới mình thêm... Mặt người rạng sáng hơn, phố xá như thay áo mới, sạch hơn, rực rỡ cờ biển và hoa tươi lá biếc, và đường phố tuy vẫn mải vội, vẫn đông vẫn chật nhưng xe cộ ngã ba ngã tư đèn xanh đèn đỏ thì đâu ra đấy, trật tự, nhường nhịn, đàng hoàng, khác hẳn ngày hôm trước. Nét thanh lịch bỗng dưng hiện lên, đáng vui và đáng yêu quá, với người Hà Nội!

Nhưng…(Thật buồn và đáng tiếc, trên đời này vẫn còn lắm thứ “nhưng”!). Nhưng sự kiện vừa qua đi, lại nếp quen phố xá xô bồ, lại người người chen lấn, lợi riêng vẫn lấn luật chung. Ngay từ cái lợi bé hơn cái đinh là nhanh chậm vài dây, nửa phút cũng không nhường nhịn người khác lúc đi đường, hoặc dừng đỗ nán đợi khi đèn đỏ bật…

Tôi đã suýt gặp vạ tai bay khi dừng xe trước vạch lúc đèn đỏ ở một ngã tư đường phố vẫn còn rực rỡ dải hoa mừng APEC, nhưng vừa vắng bóng màu áo xanh tươi của thanh niên sinh viên tình nguyện, màu áo vàng của cảnh sát giao thông. Đèn đỏ...vậy mà mé phải một anh vượt ẩu khiến mình nhao sang trái, thì lập tức một xe con bóng loáng đã phía trái vọt lên tạt cho xô sang phải, hai anh chàng bạt tử vọt lên khiến xe cộ phía đường đèn xanh vội dạt cả ra, may không gây tai nạn.

Soạn: HA 971147 gửi đến 996 để nhận ảnh này
                      Chợ cóc vĩa hè. Ảnh: VietNamnet

Và một số đoạn đường phố hôm qua sạch bóng, thì bụi, đất, cát, rác đã lại từ từ xâm lấn. Và không ít ngõ phố hôm qua phong quang, lại vật liệu xây dựng -những gạch, đá, cát sỏi…hôm qua tạm ẩn mình, lại rủ nhau chườn ra, chiếm chỗ. Và hàng rong lỉnh kỉnh thúng mủng ghế gủng gánh gồng, lại chực bung ra vỉa hè.  Và các bồn hoa tươi ven đường phố, nếu không còn được chăm nom sớm tối, e rồi cũng sẽ héo úa dần. Và, và…

Tiếc thay, trong những con người mới, gương mặt mới loé lên trong những ngày hôm qua, thì số không ít, ngày hôm nay, lặn mất! Có thể nét dáng mới mẻ ấy trong ngày thường lại bị thói quen tư lợi, nếp sống xưa cũ chưa đô thị kéo cho chìm xuống, và thế là những lo toan, bức xúc đời thường đẩy vào góc khuất. Thôi lại phải chờ chăng đến sự kiện lớn quốc gia khác rồi mới lại trỗi dậy?

Càng thấy giữ lấy và nhân ra cái hay cái đẹp ở mỗi người nảy sinh khi tâm thái thăng hoa, dù chỉ là vài ba hành vi ứng xử cộng đồng thôi, cũng đã khó rồi. Chúng ta đều biết trên đời chẳng có có phép mầu, mà chỉ có những sáng kiến, cách thức hành động khôn ngoan để mỗi người và cộng đồng tự giúp mình và giúp nhau làm cho cái mới mẻ không đến nỗi chợt hiện rồi biến mất. 

Tôi nghĩ rằng, ta có thể mong muốn các lực lượng chức năng giữ kỷ cương, trật tự, mỹ quan đô thị đủ đông, đủ mạnh, đủ nghiêm như trong những ngày diễn ra các sự kiện trong đại quốc gia. Bởi riết róng khuôn phép theo luật định và theo qui tắc xã hội, bao giờ cũng tạo hành lang tự do cho những người tuân thủ luạt pháp và nếp sống văn minh, đồng thời tạo sức ép buộc những ai quen nếp tuỳ tiện, xô bồ vào khuôn khổ.

Ta có thể không lớn tiếng phê phán ồn ào, nhưng chắc không bị coi là “rỗi hơi”, khi vỗ vai thân tình hỏi chẳng hạn cái anh chàng phóng xe vượt ẩu chẳng đếm xỉa đến tiếng la ó chê bai của nhiều người, rằng sao hôm qua đi đứng tử tế ngon lành thế, nay vẫn đường ấy, dòng xe cộ tấp nập ấy và nguy cơ tại nạn chết người vẫn luôn tiềm ẩn, nay lại  đi đứng liều lĩnh thế? Và có một lời khuyên nhủ với anh ta.

Ta ước  ao ngày  càng  đông đảo  xã hội  có thói quen nhắc nhau thân tình như thế  đối với bất cứ ai có hành vi làm tổn hại, hoặc làm xấu xí đi trật tự đời sống và mỹ quan phố xá, làng bản hằng ngày. Đông đảo xã hội làm như thế, thì có cơ tạo thêm một thứ kỷ cương lỏng đấy mà mạnh đấy, của dư luận và tình người. Có cơ làm lan toả xã hội cái tốt, điều hay từ người này sang người khác, loang mãi ra, rộng mãi ra, thành đông đảo, thành phổ biến một nếp sống văn minh. Thế giới ngày nay là “thế giới phẳng” mà, người ta nói chẳng sai. 

Ngoài ra, trường học có vị trí không thể thay thế được trong việc hình thành nếp ứng xử của con người trong cộng đồng. Theo tôi, chúng ta vẫn phải trông đợi nhiều vào trường học ương trồng, đào luyện các thế hệ công dân có hiểu biết, có thói quen và năng lực mới của thời kỳ đất nước chuyển nhanh trong hội nhập với thế giới. Đào luyện nếp sống văn minh cho một dân tộc là một “công trình” lớn của cả một thế hệ, thậm chí nhiều thế hệ.  

Chúng ta hy vọng, sau sự kiện APEC 2006; sau sự kiện gia nhập WTO - cơ hội cả dân tộc, thêm một lần, sống trong tâm thái thăng hoa, đông đảo người dân Hà Nội, và cả nước nữa, sẽ càng ngày càng ý thức được việc tự làm mới mình, làm mới cả cộng đồng để xứng đáng với đất nước đang bước lên một tầm cao.

  • Nhi Anh

                          Ý kiến phản hồi của bạn đọc:

 

 

 

 

 

 

 

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,