,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
865958
Hàng rong trong thành phố
1
Article
null
,

Hàng rong trong thành phố

Cập nhật lúc 23:08, Thứ Sáu, 17/11/2006 (GMT+7)
,

(VietnamNet) - Tản mạn về một nét chấm phá của một Hà Nội muôn màu. Hà Nội bây giờ vẫn những gánh hàng rong, vẫn những chiếc xe đạp dạo mang lại cảm giác thanh bình cho thành phố, như trong thơ ca xưa…

 

Từ sáng sớm tới đêm khuya, những xe hàng rong đi qua khắp những phố phường Hà Nội, trên gác ba ga cũ kỹ là thúng táo vàng ươm trong chiều nắng hạ, là những tấm bánh khúc thơm lành, ấm nóng đêm đông khuya khoắc, là cả cả mùa thu dịu êm ẩn trong đóa cúc vàng rực, là những bông hồng còi Đông Anh tỏa mùi thơm buổi sáng xuân thanh khiết…

 

Buổi đêm Hà Nội thức khuya, sẽ nghe thấy tiếng rao hàng dài suốt con ngõ nhỏ, những tiếng rao thẳm sâu, như chìm mãi vào bóng đêm cô độc, miệt mài… Những tiếng rao như vẽ vào đêm dáng gầy gò trên chiếc xe đạp cũ. Mỗi vòng xe chứa đựng nỗi nhọc nhằn, chứa đựng cả tình yêu thương âm thầm, bền bỉ…

 

Tôi có một người bạn Phương Nam, chỉ ghé qua Hà Nội ít ngày mà lòng đã nặng tình với người, với đất. Mỗi mùa thu đều thương nhớ Hà Thành, nhớ chị con gái làng Vòng bán cốm dưới gốc cây xà cừ trên đường Hoàng Tích Trí. Gánh cốm non xanh như ngọc, tay chị gói cốm, một lớp lá mùng, một lớp lá sen xanh, rồi sợi rơm vàng cuốn quanh như chút nắng cuối mùa vướng víu… cho hương thơm của cốm, của sen ngọt ngào mùa thu, níu giữ mãi nỗi nhớ nhung của những người từng một lần đi qua phố ấy… Mỗi mùa thu bạn lại gửi những dòng mail dài, nói về nỗi nhớ Hà Thành, về nỗi nhớ gánh cốm non thơm và chị con gái làng Vòng có nụ cười thoảng mờ như có như không dưới vành nón trắng

 

Soạn: HA 959365 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Xe đạp bán hoa. Ảnh: Mai Trinh

Còn tôi, mỗi khi đi xa thành phố, uống cà phê sáng trên một con đường lạ, lòng lại cồn cào nhớ hương vị chậm chạp tĩnh lặng của ly cà phê Hà Nội trong quán cũ, khi ngồi chờ chị bán hoa quen đi qua, gạt chân chống xe đạp rồi chào tôi với khóe cười dù đầy nỗi nhọc nhằn mà lan tỏa cảm giác an lành…

 

Tôi và bạn tôi chỉ là những người nơi xa, đến rồi yêu Hà Nội từ lúc nào không biết. Còn trong ký ức, trong tâm hồn những đứa con Hà Nội, chắc hẳn hình ảnh những xe hàng rong và những tiếng rao khuya đã in dấu rất sâu … đã cũ kỹ và êm đềm, như khúc nhạc đằm sâu trong bản tình ca xưa, ngàn năm vẫn còn da diết… Nên có người đi xa, nửa đêm thao thức nhớ tiếng “Khúc ơ….” tuổi thơ mà ứa cả nước mắt trong giấc mơ khắc khoải vọng quê hương. Nên có người đi xa, một ngày kia quay trở về thành phố, gặp gánh hàng hoa buổi sớm như gặp lại cố nhân, mà cứ thế trong lòng rưng rưng mãi…

 

Vậy nên tôi thấy giật mình rồi xót xa trong lòng khi một sáng ngồi trong quán cà phê, nghe chị con gái xinh đẹp bên cạnh cất giọng gọi: “Ê! Hoa!”. “Ê!”? –  Sao không thể gọi chị bán hoa lam lũ ấy bằng một câu gì đó khác? Tên họ là thứ rất đáng trân trọng của mỗi người, nhưng thật ra những người bán hàng rong từ lâu đã không có tên nữa, họ thường được gọi là “Hoa”, là “Xoài” hay là “Phớ”…tùy vào việc họ bán gì. Điều đó cũng có thể thông cảm được. Cuộc sống vội vàng, không mấy người còn mua hoa của một chị bán hoa quen hay đợi chị bán hoa quả quen đi qua, vừa mua vừa hỏi chuyện gia đình… như xưa nữa, thế nên gần như không ai biết tên người bán hàng rong để gọi

 

Nhưng chị con gái kia ơi, chị vẫn có thể gọi chị bán hoa ấy bằng câu gì đó khác, như là “chị bán hoa ơi”, hay “Hoa ơi” chẳng hạn… Như thế để chị bán hoa đỡ tủi thân. Vì chị bán hoa  ấy đã đi chợ từ khi trời còn khuya, chọn những đóa hoa đẹp nhất rồi chở sau lưng đi rong khắp thành phố, và nhờ đó, căn phòng điều hòa nơi công sở của chị sẽ đỡ khô khan đi bởi hương hoa thơm mát và sắc hoa ấm nồng…

 

Soạn: HA 959367 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bà cụ bán hương dọc phố. Ảnh: Mai Trinh

Vô tình mà sau buổi sáng đó tôi cứ chú ý mãi những gánh hàng rong gặp trên đường phố.

 

Chú ý rồi thấy buồn hơn khi có cô gái trẻ, giờ nghỉ trưa từ quán cơm văn phòng về, sà xuống bên hè, ăn thử mấy miếng xoài dầm bày trên mẹt của bé gái chừng 15 tuổi, ăn xong lắc đầu kêu: “Chua quá!” và bỏ đi trước ánh mắt ngơ ngác của em bé bán hàng, ánh mắt ngơ ngác, ấm ức, nhìn tội nghiệp

 

Chú ý rồi buồn vô cùng khi thấy cô gái trẻ ngồi trên xe máy, ngó xuống mẹt hàng của người phụ nữ bán rong, vừa chỉ chỏ vừa phàn nàn: “ Sao lại nhặt quả ấy? Chọn tử tế cho tôi không là không có lần sau đâu!”, người bán hàng ngồi dưới nghển cổ nhìn lên bằng vẻ mặt cam chịu, nhặt tới nhặt lui những quả ổi găng mà người ngồi trên xe máy chỉ….

 

Nhìn những cảnh tượng như vậy mà lòng cứ băn khoăn không biết nét thanh lịch của người con gái Hà Thành đã bị bỏ quên đâu?

 

Và tôi cũng thấy xấu hổ vô cùng khi chứng kiến cảnh một anh nhân viên quản lý đường phố, cũng thanh niên khỏe mạnh như tôi, cũng thuộc về thế hệ sung sướng sinh ra trong hòa bình, được ăn được học, thô bạo giằng lấy quang gánh của một bà lão đã già lắm, làm văng tung tóe mấy quả ổi, quả xoài lăn lóc. Rồi khi bà lão chân líu ríu với theo, anh ta khỏe mạnh gạt tay làm bà ngã lăn ra đất, gương mặt méo xệch, những nếp nhăn xô cả vào nhau…

 

Không biết tôi có là người hoài cổ và bảo thủ, vì dù biết những gánh hàng rong đã làm ảnh hưởng phần nào đến mỹ quan đô thị, vẫn thấy xót xa mãi trong lòng và ao ước giá mà anh ta đã đổi xử nhẹ nhàng hơn. Vì bà lão đã già đến thế vẫn phải vất vả kiếm sống.

 

Tôi bỗng nhớ lần ngồi uống nước ở quán của bà, thấy chân tay bà đã run lắm mà vẫn tự hào nói với tôi rằng: “Con cứ uống bao nhiêu cũng được, trả bà 500 thôi. Bà bán hàng thế này là cũng đủ sống đấy! Bà người Thái Bình. Người Thái Bình bây giờ không ai đi ăn mày đâu!”

 

Tôi cũng nhớ lần lang thang chợ đêm Long Biên, thấy những người phụ nữ nhà quê trải bao tải nằm ngủ, đợi mua được những mớ rau ngon nhất, những thứ quả tươi nhất, đợi trời sáng chở rau quả sau xe đi khắp ngõ Hà Thành…. Hỏi chuyện những người ấy mới biết họ sống vất vả biết bao nhiêu. Phải rời khỏi căn nhà, rời khỏi đứa con nhỏ ỉ eo đứng khóc sau cánh cửa, họ đi từ lúc bắt đầu ngày và chỉ trở về nhà khi bán được hết hàng, dù ngày mưa dầm hay ngày nắng nóng…

 

Những người bán hàng rong ấy, chắc họ không chờ đợi việc được người mua hàng cư xử trân trọng, không mong gì ngoài việc bán hết hàng để trở về nhà sớm hơn mấy phút…

 

Những người từ quê lên, lam lũ, hồn hậu như thế cần và đáng được nhận những câu nói dịu dàng, những ánh mắt trân trọng từ những cư dân của thành phố đẹp này, thành phố ngàn năm văn vật với những xe hàng rong ghi dấu yên bình trong ký ức…. , thành phố có câu thơ hay: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài / Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

 

Hà Nội, tháng 11 năm 2006

  • Mộc Miên 

                                                            

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,