Vỉa hè, “bầu trời”, sự vô cảm... đến bao giờ?
(VietNamNet) - Đó là những điều nhức nhối trước mắt cần giải quyết, khi quan khách APEC đang bắt đầu đến Hà Nội và 1000 năm Thăng Long không còn bao xa. Độc giả Thư Hà Nội vẫn tiếp tục tỏ ra bức xúc: bao giờ, bao giờ?
LẠI CÂU CHUYỆN VỈA HÈ
Câu chuyện “Vỉa hè Hà Nội” trên mục Thư Hà Nội nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của nhiều yêu Hà Nội, ngưòi dân Hà Nội và người Việt Nam ở xa Hà Nội.
Bạn Lương Bá Hùng, Hà Nội, gửi đến tiếng nói đồng tình về bài viết trên và còn bổ sung thêm những “định nghĩa” mới về vỉa hè, nhấn mạnh thêm những hiện tượng đang làm xấu đi bề mặt của Hà Nội và các thành phố thị xã trong nước nói chung. Trong thư gửi tác giả “Vỉa hè Hà Nội”, bạn Hùng viết:
“ Bạn thân mến,
Tôi xin cho thêm vài “khái niệm” mới của vỉa hè Hà Nội như sau:
Vỉa hè là cái sọt rác khổng lồ. Có lẽ chỉ những đường phố có các cơ quan ngoại giao hay chính phủ cấp trung ương đóng trụ sở mới thoát khỏi cảnh này. Hình như không ít người Hà Nội sẵn sàng đem chất thải trong nhà mình hay trong túi mình, từ miệng mình để xả ra đây, vì nó rất nhanh và ... tiện, lại hầu như không tốn tiền phí hay phạt!
Cái sọt rác này còn có nhiều 'lợi điểm' kì quái khác so với các loại sọt rác áp dụng các công nghệ tiên tiến mà khó có thể liệt kê hết ở đây. Nhưng, không thể không cảnh tỉnh khi cần phải nhắc nhở mỗi chúng ta rằng, vỉa hè đang được biến thành cái ổ vi trùng gây đủ mọi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người đấy!
Vỉa hè còn là sân khấu thời trang tự nhiên. Từ lúc nhu cầu về tiêu dùng ăn mặc bắt đầu phát triển, các loại mốt thời trang từ mới đến cũ, từ "bắt mắt" đến nhàu nát, nhếch nhác đều có chỗ đứng trên vỉa hè, với đa dạng mục đích và diện mạo. Với mục đích thương mại, các ma-nơ-canh có thể khoác trên mình (hay không) một thứ gì đó, chỉ tội nghiệp là với ánh mắt vô hồn nhìn người đi đường phán xét, bất kể họ vui hay buồn.
Trong nhà chật chội và thường là do trời nóng quá, nhiều cư dân cũng không cần câu nệ giữ nguyên trang phục "giản dị" ra hè hóng mát, và người đi đường thì cứ việc thoải mái thưởng thức phong cách trình diễn thời trang kiểu này!
Vỉa hè là kho bãi. Vỉa hè cũng trở thành các hệ thống kho bãi nguyên vật liệu hay phế thải xây dựng chưa tìm được đầu ra. Bà con đi đường có lẽ ít người cảm thấy sự mất mát của cái vỉa hè, vì họ còn phải bận tâm tìm cách đối phó với khói bụi hay sự lầy lội trên những lối đi mới.
Tuy thế, vẫn còn may. Bởi mặc dù còn quá nhiều sự bất cập của cái vỉa hè Hà Nội như thế, nhưng hình như chưa có ai muốn xóa sổ sự tồn tại của cái vỉa hè, ngay cả trong tâm tưởng. Chỉ có điều, người ta đang nghĩ quá lâu làm sao để trả lại cái vỉa hè theo đúng nghĩa của nó đã ghi trong từ điển.
Có anh bạn bảo tôi không phải lo lắng lâu, vì Việt Nam sắp vào WTO, khách APEC đã gõ cửa Hà Nội. Tôi vẫn không tin lắm! “
Những ngày gần đây, các vị khách “tiền trạm” APEC đã bắt đầu đến, các cảnh sát giao thông đã ra quân, nơi này nơi khác của hệ thống vỉa hè với các “định nghĩa” khác nhau có vẻ như được chăm sóc hơn. Nhưng vẫn còn lắm ngổn ngang. Và điều đáng lo nhất là cảnh “đá ném ao bèo”, rồi đây khi cảnh sát giao thông thưa huýt còi, thưa phạt ... thì đâu lại vào đấy, vỉa hè lại là quán giải khát, là gara, là bãi đỗ xe ...
HÃY NHÌN LÊN BẦU TRỜI !
Bạn Hoàng Long, cũng là một cư dân Hà Nội, có sự liên hệ giàu chất tưởng tượng, từ cái vỉa hè dưới mặt đất đến cái “thiên la địa võng” trên trời.
Và bạn đề xuất thêm cho Hà Nội một Guiness ngược nữa - Guiness “dây điện”:
“Nhân một sớm thu Hà Nội, ngồi uống tách cà phê nhìn lên trời thu Hà Nội mà lòng gợn đau, muốn chia sẻ cùng tác giả của “Vỉa hè Hà Nội".
Hà Nội đã có “Vỉa Hè”, một kỷ lục Guiness ngược, Hà Nội còn có nhiều "kỷ lục tầm cỡ thế giới" nữa mà nói ra đây, viết ra đây không phải vì chê bai hay tự ti, càng không phải để nhằm chỉ trích vào một tập thể hay cá nhân nào, mà chính là để Hà Nội đẹp, văn minh thêm nữa, xứng đáng với bao tâm thức của người dân đất Việt dành cho Thủ đô của chúng ta, nhất là đã bắt đầu Hội nghị APEC và sắp đến thời điểm trọng đại 1000 năm Thăng Long văn hiến.
Đúng là dây điện đi trên cột, giăng trên trời, cũng có nhiều thành phố và cả Thủ đô trên thế giới có, nhưng chao ôi, ở Hà Nội ta, nó là thiên la địa võng. Có một cái cột, anh điện lực thì đã đành, bây giờ đến điện thoại, rồi internet và đến truyền hình cáp đều đánh đu vào. Không còn đếm xuể nữa, nó đã thành một bức mành mành đan bằng dây điện rồi, to có, nhỏ có, rối rắm thành bụi. Rồi đứt lòng thòng thành dây câu, rỗi võng xuống thành bẫy giăng người.
Đáng tiếc thay, những hiện tượng này không phải là người dân không có ý thức làm. Phải chăng từ lỗi các công ty, các cơ quan nhà nước, một sự vô ý thức mang tính công quyền, tính tập thể – một lối ăn theo nhau, có cái cột của “anh điện lực” thì ta cứ mắc vào cứ tha hồ treo – không biết họ có hợp đồng với nhau không hay là đưa mấy đồng để tặc lưỡi cho qua.
Tôi đồ rằng các vị có quyền cho “quân lính” nhà mình tha hồ bung ra, chắc chẳng bao giờ nhìn lên các cột điện và nhìn lên trời cả. Một sự “vô kỷ luật”, một sự thiếu ý thức, thử hỏi rằng cứ ăn theo kiểu đó rồi thì cái thành phố này đi đến đâu. Tôi cũng không dám nói là nếu thay thế dây đi trên trời bằng đào cống ngầm (cho cáp điện thoại và cáp TV) thì họ giảm bớt bao nhiêu tiền lãi. Mà sao chỉ lấy đồng lãi làm tiêu chí duy nhất?
Một khách du lịch ngoại quốc hóm hỉnh nói: đến Việt Nam, đến thành phố, đến Thủ đô của các bạn ấn tượng sâu đậm trong tôi là sự mất trật tự giao thông dưới đất và sự tư do giăng lưới các loại dây (điện thoại, điện, cáp truyền hình) trên trời. Dù đó chỉ là câu nói mỉa mai thái quá, nhưng cũng đủ người Việt Nam ta nhói lòng.
Hãy giữ lấy những nét đẹp của Thăng Long cổ kính. Xin những người có trách nhiệm để một giây nhìn lên bầu trời Hà Nội!"
Không phải chỉ có mỗi một bạn Hoàng Long bức bối, rất nhiều người khác cũng có cảm giác như vậy mỗi khi ra đường nhìn thấy “bầu trời” thành phố rối rắm dây dợ.
Đó chẳng phải chỉ là câu chuyện mỹ quan “trên trời” thành phố, nó còn cả sự an toàn mạng sống cho con người. Cũng mới đây thôi, một thanh niên đi xe máy chết oan ức vì quàng vào cổ búi dây điện trên đường dây đổ xuống. Sự kiện đau lòng này chắc cũng đủ để cảnh tỉnh mọi người, trước hết những cơ quan có trách nhiệm.
SỰ VÔ CẢM
Nếu mọi người đều có cảm xúc khi ngước mắt lên bầu trời, hay cúi nhìn xuống mặt đất, nhìn thấy những cảnh chướng tai gai mắt dọc con đường đang đi qua. Nếu ai cũng biết tự giữ gìn vẻ đẹp văn minh nơi công cộng như giữ gìn ngõ nhỏ, góc sân, ngôi nhà mình đang ở. Và, đặc biệt, nếu mọi cơ quan, mọi “công bộc của dân” được giao trọng trách quản lý đô thị đủ tầm và đủ tâm nhìn xa trông rộng, "vi hành" sâu sát. Nếu...., và nếu tất cả cộng đồng và mọi ban ngành không vô cảm tình hình không đến nỗi như bây giờ.
Một người con của Hà Nội, mấy chục năm sống ở trời tây, trở về nơi chôn rau cắt rốn, đã nhìn thấy sự vô cảm diễn ra trước mắt mình. Bạn Hoài Hương, kể lại:
“Cô trở về Hà Nội sau hơn 20 năm xa cách. Thành phố đổi thay! Đâu rồi những con đường tàu điện chạy dọc phố phường, tiếng leng keng vẫn rõ mồn một trong ký ức của cô. Đường phố đông đúc quá, nhiều xe máy, nhiều ô tô. Những hàng quán dọc vỉa hè; dường như chẳng nhà nào bỏ phí lợi thế mặt đường để kinh doanh, buôn bán. Hà nội quen mà cũng lạ lẫm quá! Trở về mảnh đất nơi sinh ra và lớn lên nhưng cô như một du khách lạ.
Đi bộ từ khách sạn phố Bảo Khánh ra Hồ Gươm, cô quyết định dạo một vòng quanh hồ. Vừa đi cô vừa tránh những quầy hàng, những tốp người tụ tập, xe cộ ngổn ngang. Chợt cô nhíu mày…Đằng kia, một chị đang dùng chổi hất rác xuống hồ. Chị muốn góc bán hàng của mình sạch nên chẳng ngần ngại hất rác rưởi xuống mặt nước. Chẳng ai quan tâm đến hành động của chị bán hàng. Quanh hồ, có người nhìn thấy, có người không… nhưng tất cả đều thờ ơ, xem đó là chuyện bình thường, chẳng ai can thiệp.
Đi một vòng sang phía bờ bên kia… cô lại tròn mắt khi nhìn thấy một chị công nhân vệ sinh đang vớt rác. Chị dùng cái sào dài dồn những túi ni lông, vỏ bánh, chai nước đang dập dềnh sát mép hồ vào một chỗ rồi vớt. Sao thế nhỉ? Đằng kia hất xuống, đằng này vớt lên. Việc ai người nấy làm!”
Đó là sự vô cảm của một số người trong cộng đồng. Sự vô cảm đó khi đã trở thành thói quen của đám đông thì xã hội khó có thể văn minh.
Và đây là một biểu hiện của sự thờ ơ, sự vô cảm ở các cơ quan, ở những người có trách nhiệm quản lý đô thị. Đó là:
“Chuyện "nhà không cổng" xảy ra giữa lòng Thủ đô, kéo dài hơn một năm nay, dù các cơ quan truyền thông tốn bao nhiêu giấy mực, đơn từ của các bên liên quan gấp từng xấp, nhưng đến giờ này vẫn còn bí, bí như cánh cổng bị bịt lại của nhà ông già Tiến. Chính quyền phường, quận và thành phố đã biết, nhưng mãi vẫn chưa giải quyết xong. Dù rằng, mối quan hệ dân sự này có nhiều khúc mắc phức tạp, nhưng nếu nhà chức trách cấp quận hay cấp thành phố tặc lưỡi: “Chuyện hai nhà tự giải quyết với nhau”, thì người dân biết bấu víu vào đâu”.
Một cộng tác viên, bạn Hà Kim (Hà Nội), đã phản ảnh sự việc vô lý trên đây lúc cuộc tranh chấp vẫn chưa có hồi kết. Nhưng may sao, một lệnh cưỡng chế, cuối cùng, cũng vừa được ban hành và khối gạch xi măng chắn cổng nhà ông Tiến vừa được phá bung ra.
Tuy vậy, kết cục ấy phải đợi hơn một năm. Hơn 365 ngày hai ông bà già phải bắc thang trèo tường để ra vào nhà mình! Và tình trạng cũ biết đâu sẽ còn tái diễn. Điều phi lý ấy tồn tại lâu đến vậy, phải chăng vì sự vô cảm của con người, của những người có chức quyền.
Rõ ràng, sự vô cảm của con người, của các cấp cọng hưởng với sự buông lỏng quyền hành và trách nhiệm, thiếu năng lực quản lý đô thị là trở lực to lớn trên con đường xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Vỉa hè và “dây dợ” trên trời chỉ là những hình ảnh đập vào mắt mọi người, hàng ngày mà thôi.
Căn bệnh được chẩn đoán như vậy chắc là trúng. Nhưng bao giờ sẽ chữa được căn bệnh và các hậu luỵ của nó? Ai cũng thắc mắc, ai cũng mong chờ: Bao giờ, bao giờ?
-
Trần Hoàng Hà (tổng hợp)
Mời bạn đọc tham gia ý kiến: