,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
855808
Tôi đi công chứng
1
Article
null
,

Tôi đi công chứng

Cập nhật lúc 17:39, Thứ Hai, 23/10/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) – Quốc hội trong lộ trình thảo luận và thông qua Luật Công chứng. Nhà kinh tế, nhà báo Bùi Văn, có nhiều năm học và làm việc ở nước ngoài, cung cấp những thí dụ sinh động, sự so sánh thú vị và có ích....

 

Lần đầu tiên vào năm 1995 tại thành phố Boulder của bang Colorado (Mỹ), tôi phải công chứng bản photocopy một văn bằng (tiếng Việt) để kèm vào hồ sơ gửi đến một trường ở bang khác. Khá bối rối cho một người nước ngoài mới đến. Nhưng khi hỏi một cô nhân viên của trường tôi đang học, cô cười: quá đơn giản.

 

Tôi được chỉ đến một cô nhân viên ở phòng Giáo vụ. Cô này đối chiếu bản sao với bản chính (cả hai đều bằng tiếng Việt). Sau đó mở tủ ra lấy một con dấu công chứng (Notary Public) như một cái kìm lớn, dập con dấu nổi vào bản photocopy, kèm theo chữ ký và dòng chữ “chứng nhận giống y bản chính”. Toàn bộ mất 5 phút. Miễn phí.

 

Soạn: HA 932923 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Một "phòng" công chứng ở Canada: 1 nhân viên kiêm nhiệm, 1 kìm dập có dấu nổi, 1 cây bút! (Ảnh: tư liệu nước ngoài)

Lần thứ hai vào năm 1996, thẻ tín dụng Citibank của tôi bị trừ mất 85 USD mà tôi không hề tiêu. Gọi điện đến Citibank, họ gửi đến một tờ cam kết (Affidavit) và thông báo sẽ hoàn lại 85 USD vào tài khoản, ngay khi nhận được cam kết là tôi không tiêu khoản tiền đó.

 

Tôi mang bản cam kết ra chi nhánh ngân hàng ở bên kia đường. Một nhân viên ngân hàng yêu cầu tôi ký ngay trước mặt cô ta. Cô lấy trong tủ ra một con dấu, ký và dập dấu nổi với dòng chữ “xác nhận người này đã ký trước mặt công chứng viên”. Thêm một việc nữa, cô ghi vào nhật ký công chứng của mình: ngày… giờ… đã xác nhận chữ ký… cho ông… Chỉ mất 5 phút. Và cũng miễn phí.

 

Hỏi ra, tôi được biết các văn phòng đều có thể cử người làm công chứng viên. Thủ tục: cơ quan giới thiệu, qua một khóa tập huấn vài ngày về nghiệp vụ công chứng, tuyên thệ không gian dối, đăng ký chữ ký, sau đó được cấp bản hướng dẫn nghiệp vụ và con dấu nổi có ghi mã số công chứng viên. Hàng ngày họ vẫn làm công việc bình thường, khi có yêu cầu thì họ trở thành công chứng viên. Công chứng cho khách hàng của cơ quan mình thì miễn phí, cho khách vãng lai thì thu từ 3-5 USD lệ phí.

 

Các con dấu nổi đều thể hiện rất rõ mã số công chứng viên. Nếu có gian lận, cơ quan điều tra sẽ lập tức tìm được cá nhân công chứng viên nào đã làm việc đó.

 

Lần thứ ba là tại Việt Nam vào năm 2000. Tôi phải công chứng bản dịch bằng lái nước ngoài ra tiếng Việt. Mang ra văn phòng công chứng xếp hàng. Phí dịch thuật là 90 ngàn đồng cho chiếc bằng lái chỉ bằng 3 ngón tay, với khoảng 30 từ thông dụng nhất (bắt buộc phải do dịch vụ ở đây dịch). Theo phiếu hẹn, ngày hôm sau quay lại nhận bản dịch và bắt đầu xếp hàng chờ công chứng.

 

Soạn: HA 932927 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chen lấn ở phòng công chứng. Ảnh: TPO

Căn phòng rộng hơn 100 mét vuông đông nghẹt người chờ đợi. Chưa kể người tràn ra ngoài sân và ra vỉa hè. Trên các bàn công chứng, hồ sơ chất cao ngập đầu. Ai cũng nhấp nhổm nhìn vào, biết là còn lâu mới đến lượt mình nhưng chỉ lo hồ sơ của mình có thể thất lạc. Một nỗi lo khác là đến hết ngày mà chưa đến lượt mình thì lại cầm hồ sơ về để ngày mai đến lại.

 

3 giờ chiều, chuông điện thoại trên bàn reo, anh cán bộ công chứng nghe điện thoại của ai đó và trả lời “Chưa xong, 4 giờ chiều đến lấy”. Một giờ sau, một anh chàng xuất hiện (có lẽ là cò). Anh cán bộ công chứng rút ra một xấp hồ sơ khoảng trên chục bộ, trao cho người mới đến với một từ ngắn gọn “xong”. Anh cò biến đi nhanh chóng. Chỉ mất 1 phút. 

 

Lần thứ tư, có lẽ không hẳn là công chứng. Tôi có một bản lý lịch tự khai với hàng chữ in sẵn: “Tôi cam đoan những nội dung trên là đúng sự thật và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai trái”.  Tuy nhiên vẫn phải lấy xác nhận của địa phương. Ra phường, sau một hồi ngồi chờ đợi, nhân viên Ủy ban Nhân dân phường đóng cho một con dấu quốc huy với hàng chữ “Chứng nhận anh ABC có hộ khẩu thường trú tại địa phương”. Bộ hồ sơ của tôi đã có sẵn bản photocopy hộ khẩu có xác nhận sao y. Vậy xác nhận trên có nghĩa gì? Anh cán bộ phường hay tôi sẽ chịu trách nhiệm nếu trong bản lý lịch có gì sai?

 

Có phải ta không thể làm được?

 

Đến nay tôi vẫn không biết ở thành phố gần 200 ngàn dân nói trên có bao nhiêu người làm công chứng viên. Nhưng tôi đoán là con số đó cao hơn nhiều lần so với một thành phố hàng triệu dân ở ta.

 

Xem những ví dụ trên, việc chứng thực một chữ ký, một bản sao… liệu có cần trình độ cao đến mức một cán bộ giáo vụ ở trường đại học hay một cán bộ ngân hàng không thể làm được? Hay không ai đáng tin cậy hơn những người ngồi trong văn phòng công chứng? Hay những câu xác nhận của phường như trên, tuy hết sức vô nghĩa nhưng vẫn là một thủ tục nhất thiết phải có?

 

Xem ra công việc cải cách hành chính, có những điều hết sức đơn giản. Chỉ cần nhìn vào những gì thế giới đã làm và tự hỏi: điều họ đang làm có hợp lý không, hay điều ta đang làm có bất hợp lý không? Điều gì cản trở chúng ta không làm được như họ?

 

  • Bùi Văn

-----------------------------------------------  

(Mời đọc kỳ tới: Một góc đời thường, một con người bình thường của Hà Nội thuở nào. Câu chuyện:  Cháo bà Chạch ....)

-----------------------------------------------     

                                            

                                                      Ý kiến bạn đọc ?

 

 

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,