Vỉa hè Hà Nội
Ai và từ lúc nào phát minh ra cái vỉa hè?
Trong cái buổi sớm thu se se nắng, se se gió, mà ngã tư đường phố xe cộ đã tắc nghẽn đến nỗi trong chốc lát, vỉa hè, nơi những đứa trẻ mẫu giáo hồn nhiên nối đuôi nhau đến trường, vừa đi vừa hát vang, ngộ nghĩnh, đã phải đứng nép vào nhau nhường cho đoàn xe máy, xe đạp ngang nhiên ào ào chen chúc lao lên trước trên đoạn vỉa hè bất lực.
Kỷ lục Ghi-net ngược. Giở Từ điển Tiếng Việt thông dụng, chỉ thấy ghi chú: “Vỉa hè: phần dọc theo hai bên phố, được xây lát, dành cho người đi bộ”. Theo định nghĩa ấy, nếu ví đường phố như một bản nhạc hoành tráng hoặc xô bồ, còn đầy tạp âm thì vỉa hè là “quãng lặng” cần thiết, ngăn cách giữa những âm thanh đa dạng, hỗn tạp, của đường phố (hay xô bồ của cuộc đời) với sự yên tĩnh, mát lành của mỗi ngôi nhà (hay sự bình yên trong tình thương yêu giữa những con người).
Vỉa hè hay quán ăn? (Nguồn: www.vnn.vn)
Nhưng nếu có một kỷ lục Ghi-nét “ngược”, tôi xin được đề cử: Vỉa hè đa năng Hà Nội. Có lẽ cũng ít có thủ đô nào ở các quốc gia đang hướng tới văn minh đô thị, mà vỉa hè lại “đa năng” đến thế, lại đạt kỷ lục về sự "đa dụng" đến thế.
Hoặc làm một suất cơm đĩa, cơm phần ngon lành dưới cái nắng nóng trưa hè, hay cái lạnh tê tái của mùa đông Hà Nội. Mà có khi cũng chẳng cần đến bàn, đến ghế. Quanh một gánh bún ốc, bún riêu, bún đậu mắm tôm, nam thanh nữ tú cho đến các vị công chức ở Hà Nội có thể ngồi xổm chan chan, húp húp, chấm chấm xuýt xoa vì cái nóng, cái cay lẫn cái ngon. Và khi các vị thực khách đứng lên, ôi thôi, là giấy lau tay, lau miệng trắng xoá đến chiều tối.
Vỉa hè là quán giải khát. Hà Nội nổi tiếng là cà phê ngon. Nhưng Hà Nội còn nổi tiếng bởi các quán “cóc”. Người Hà Nội không chỉ ưa thưởng thức cà phê trong các quán, nhà hàng sang trọng, lịch sự. Họ còn thích thú được ngồi uống cà phê một cách dân dã ở vỉa hè. Vài ba chiếc ghế mây thấp lè tè, một ly đen hay ly nâu nóng hổi, một vài người bạn chí cốt hay có khi chỉ một mình, tờ báo trong tay hoặc điếu thuốc, cùng cái nhìn lơ đãng phố xá, người qua kẻ lại. Cũng đủ làm nên một không gian văn hoá dân dã vô cùng thú vị. Thế đấy.
Nhưng quán “cóc” mới thực sự là nét riêng của Hà Nội một thời gian truân, và cái gian truân ấy bỗng trở thành không thể thiếu trong đời sống thường nhật của biết bao con người, cho dù cuộc sống nay đã khấm khá hơn rất nhiều. Một cái quầy nho nhỏ, có khi chỉ là cái hòm gỗ đơn giản. Vài chiếc ghế con con. Vài chén trà nóng hổi, điếu thuốc lá, cùng đĩa kẹo vừng, kẹo lạc. Dăm ba người đàn ông. Thế là thành một “quán cóc”. “Quán cóc” không còn “nhảy” như cóc mỗi khi có bóng dáng hay sắc phục cảnh sát, mà đã trở thành quán cố định nhan nhản khắp vỉa hè Hà Nội. Chẳng ai còn thấy là luộm thuộm, hay tuỳ tiện, mất mỹ quan, lạ thế (!), nó còn trở thành “văn hoá quán cóc”. Và cứ thế, nó “liêu xiêu” đi vào cả ca từ của một bản nhạc nổi tiếng về Hà Nội.
Vỉa hè là siêu thị khổng lồ. Có những đoạn vỉa hè, chẳng biết từ bao giờ, bỗng biến thành những chợ “cóc” ( lại “cóc”), với những bà, những mẹ, những chị tần tảo bán rau, bán thịt, bán đậu. Nơi là chợ quần áo “Sida”, bán toàn quần áo cũ nhưng có khi vẫn là “mốt” là “của độc” của không ít thanh niên, sinh viên, người nghèo. Nơi là chợ vật liệu xây dựng sắt thép, sỏi đá ngổn ngang, chẳng thấy bóng dáng con người đâu, nhưng mọi việc mua bán cứ diễn ra “hết ngày dài lại đêm thâu”. Nơi là quán sách, quán bán kính, quán giầy dép, hoa quả...
Khác chăng là cái siêu thị khổng lồ này, chỉ cần ai đó hô “cảnh sát” là ôi thôi hàng họ, quang gánh, thúng mủng... chạy tứ tán. Rồi chỉ một lúc thôi, các “gian hàng” của siêu thị lại tụ hội chỗ cũ, cò cưa, trêu ngươi pháp luật, lại tưng bừng kẻ bán người mua, như chưa từng có chuyện ba chân bốn cẳng thi chạy bao giờ.
Vỉa hè là cơ quan thông tin. Đây là một điểm riêng “đặc sắc” của đất thủ đô. Mọi thông tin bí mật nhất, quan trọng nhất, người ta đều có thể nghe được ở vỉa hè, tại các quán cóc, quán giải khát, quán ăn. Chả thế, để bảo đảm độ “thiếu tin cậy” của thông tin, ở Hà Nội, thường có một câu cửa miệng “Theo tin từ Thông tấn xã vỉa hè...”.
Vỉa hè là... phòng ngủ. Không chỉ là nơi chứa những giấc mơ của những người hành khất, vô gia cư, vào những đêm hè nóng nực, chẳng may mất điện, bạn cứ thử dạo quanh chính những khu phố cổ, phố cũ mà xem. Những chiếc giường bạt, những chiếc chõng, ghế ngựa... lập tức được khiêng ra vỉa hè. Vợ chồng, con cái nằm ngồi thoải mái, quạt phành phạch, gãi soàn soạt, chuyện trò ríu ran, chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện “Sở điên nặng”... Đêm về khuya, trăng thanh gió mát, trên những chiếc giường bạt, chiếc chiếu... từng cặp, từng cặp ngổn ngang say sưa, thiêm thiếp.
Vỉa hè hay bãi xe ? (Nguồn: www.vnn.vn) |
Vỉa hè là toa- lét.
Bạn có thể gặp nhiều lần cái hình ảnh này, đặc biệt ở các đoạn đường xa xa trung tâm. Một bà mẹ, ông bố trẻ, ngang nhiên xi con tè, hoặc con ị ngay trên hè phố. Đôi chỗ ở gốc cây trên vỉa hè, thậm chỉ cả ở “viả hè” của cầu Chương Dương, cầu Long Biên, các quý ông, quý anh có khi “ tây tây”, hoặc không, đều có thể ngang nhiên đứng quay lưng ra ngoài, mặt ngoảnh vào trong, miễn là mắt mình không nhìn thấy thiên hạ. Thậm chí, ngay cả các bà, các chị, quang gánh, thúng mủng vứt ngay cạnh, họ thản nhiên trút bầu” tâm sự” mặc xe cộ lại qua.Vỉa hè là nhà máy nước. Những tháng hè nóng nực khan hiếm, có dạo bạn còn có thể thấy hàng trăm, hàng chục cái “giếng nước” nhân tạo ở vỉa hè trước cửa mỗi ngôi nhà tại các con phố trung tâm. Dưới những ô giếng đó, là những chiếc máy bơm. Rồi ống nước loằng ngoằng hồn nhiên chạy ngang, chạy dọc, từ nhà nọ vắt sang nhà kia, thậm chí vắt ngang đường.
Vỉa hè là công viên. Ban đêm, đi ở một số đường phố Hà Nội thanh vắng, bạn cũng có thể gặp không ít những thiếu nữ chân dài, mắt xanh mỏ đỏ, đứng như hẹn hò, như đợi ai. Cũng có khi họ ngồi trên xe máy, chân ghếch lên vỉa hè, ngóng đợi. Một vài vị nam giới chạy xe qua, ghé lại, như hỏi han, rồi thì thầm. Một chốc sau, họ nhảy lên xe, ôm eo, hoặc chạy sánh đôi hệt những cặp tình nhân. Đêm về khuya, chỉ có “họ mới hiểu, họ đi đâu, về đâu?” (mượn ý thơ của Xuân Quỳnh).
Vỉa hè hay lòng đường? (Nguồn: www.vnn.vn) |
Và vỉa hè trở thành lòng đường.
Cái ranh giới phân biệt giữa lòng đường với vỉa hè thường biến mất nhất là khi vào những lúc tắc đường, mà chuỵên tắc đường, nghẽn đường ở Hà Nội là chuyện thường ngày của Thủ đô. Vào những lúc đó, xe máy, xe đạp lao ầm ầm, leo vèo vèo lên vỉa hè, chen chúc, hỗn độn, mạnh ai nấy phóng. Đổi lại, người đi bộ phải đi xuống lòng đường.Lời kết. Nghe chuyện vỉa hè, một người bạn tôi hỏi: “Nhưng nếu không có vỉa hè, người ta sẽ sống bằng gì, sống thế nào?”. Khi đọc định nghĩa về vỉa hè trong cuốn Từ điển Tiếng Việt, bạn tôi triết lý: “Giữa lý thuyết với thực tiễn, giữa lời nói với việc làm luôn là khoảng cách xa lắm, nhất là thời buổi này!”.
Tôi im lặng. Quả là khó trả lời cho một đời sống thực tiễn quá phát triển so với tầm quản lý đô thị của một Thủ đô. Thậm chí, có những cái từ sự tuỳ tiện, còn biến thành một thứ” văn hoá”, một nét riêng để nhớ để thương khi người ta xa Hà Nội thì sao nào?.
Nhưng điều tai hại là ở chỗ này, vỉa hè Hà Nội càng “đa năng”, càng đa dụng, văn minh càng đi xuống, càng phản chiếu diện mạo một nền sản xuất nhỏ và lạc hậu.
Lời giải nằm trong tay của các nhà quản lý đô thị, quản lý thủ đô trước thềm “1000 năm Thăng Long Hà Nội”.
Ý kiến phản hồi ?