,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
828560
Sống với phóng xạ: không nên hững hờ, đừng quá lo lắng
1
Article
null
,

Sống với phóng xạ: không nên hững hờ, đừng quá lo lắng

Cập nhật lúc 10:25, Thứ Năm, 10/08/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) -  Người dân thời văn minh biết chấp nhận sống chung với phóng xạ, nhưng cũng cần hiểu hơn về nó để tránh rơi vào thái quá. Đó là thông điệp của Thư Hà Nội hôm nay với mọi người ... 

 

Sau những câu chuyện “mất nguồn phóng xạ”, rồi “gạch men phóng xạ” người dân thời văn minh bắt đầu để ý đến một dạng môi trường  mới: phóng xạ. 

Tuy vậy, hình như vẫn còn đây đó, nơi này thì hờ hững xem đó là chuyện đâu đâu, chỗ khác lại quá nhấn mạnh nguy cơ ô nhiễm của loại môi trường này. 

 

Phóng xạ : sao lại hững hờ !

 

Phóng xạ có ở mọi nơi. Điều này tưởng đã là điều hiển nhiên, nhưng vẫn có người còn ngạc nhiên. Ngay trên một tờ báo phổ thông về khoa học, có người viết rằng: không có nơi nào ở nước ta, “ngoài hai vùng là Lào Cai và Lai Châu có chứa chất phóng xạ”!. Và nếu có, chỉ (xuất hiện) “ở nơi có chiến tranh, có vũ khí phóng xạ (!)”. Hoặc còn giải thích thêm: “các chất phóng xạ (nếu) có trong gạch, (thì) sau khi nung sẽ chuyển từ pha rắn sang pha lỏng, rất khó xảy ra phóng xạ (!)”. 

 

Thực ra, con người bao đời nay, dù ở bất cứ nơi nào trên trái đất đều đang sống chung với chất phóng xạ, thường xuyên bị tác động bởi các tia phóng xạ (thường gọi là bức xạ). Nói cách khác, con người đang sống chung giữa môi trường phóng xạ hay môi trường bức xạ.

 

Do có hai loại phóng xạ, bức xạ cũng được phân chia ra: bức xạ tự nhiên và bức xạ nhân tạo.

 

Bức xạ tự nhiên gồm các tia bức xạ bay tới từ mặt trời hay vũ trụ (tia vũ trụ) và các bức xạ phát ra từ các đồng vị phóng xạ có trong đất đá, cây cỏ, thức ăn, nước uống, không khí...

 

Bức xạ nhân tạo lại phát ra bởi các đồng vị phóng xạ được sản xuất bởi con người. Nguồn phóng xạ Eu thất thoát hai tháng trước là một loại bức xạ nhân tạo sản xuất ở Lò phản ứng hạt nhân Đà lạt. Bức xạ nhân tạo cũng có thể phát ra từ các thiết bị hạt nhân dùng trong y tế hay trong các ngành kỹ thuật, như máy chụp X quang, chụp CT, máy kiểm tra chất lượng sản phẩm và công trình v.v ...

 

Đều cùng bản chất vật lý như nhau, nhưng mức độ đóng góp vào môi trường phóng xạ chung của hai loại bức xạ khác xa nhau. Nhiều công trình nghiên cứu đã xác định rằng: Trên phạm vi toàn cầu, sự đóng góp của các bức xạ tự nhiên là lớn nhất, chiếm đến khoảng 85%. Trong đó, từ đất đá chiếm 18%, từ khí Radon - 42%, từ thức ăn và nước uống – 11% và tia vũ trụ - 14%.

 

Bức xạ nhân tạo chiếm phần nhỏ hơn, khoảng 15%. Trong đó các hoạt động y tế như khám chữa bệnh (kiểm tra X quang, chữa răng....) chiếm 14,2 %, bụi phóng xạ từ các vụ thử bom nguyên tử trên mặt đất trước đây đóng góp 0,71 % và hoạt động của các nhà máy điện nguyên tử chỉ tham gia phần rất bé nhỏ - 0,0355 %.

 

Ở nước ta, đã có nhiều công trình điều tra phông phóng xạ tự nhiên trên nhiều vùng lãnh thổ khác nhau. Còn có cả dự án khảo sát phóng xạ nhân tạo.

 

Các số liệu về phóng xạ tự nhiên trên nhiều vùng, chủ yếu ở Miền Bắc, được thu thập từ 50 năm trước, bởi các đơn vị khảo sát thăm dò khoáng sản thuộc ngành Địa chất. Những chuyến bay khảo sát địa vật lý trên nhiều địa phương mang theo máy tự ghi phóng xạ gamma. Tiếp theo là các đơn vị địa vật lý khảo sát trên bộ ở một số vùng lãnh thổ. Họ đã xây dựng một bản đồ trường phóng xạ tự nhiên thô với tỉ lệ 1:500.000.

 

Các thầy trò của một số trường đại học, đặc biệt các nhóm nghiên cứu thuộc các viện trong ngành năng lượng nguyên tử VN, trong vài thập niên gần đây, đã mở rộng và nâng cấp công việc khảo sát.

 

Về phóng xạ nhân tạo, ngoài sự phát hiện, năm 1986, bụi phóng xạ nhân tạo trong khí quyển bay đến từ vụ nổ lò phản ứng của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, gần đây lại điều tra thu thập được một bộ số liệu về sự phân bố trên toàn lãnh thổ nước ta, của các chất phóng xạ nhân tạo, chủ yếu là Cs-137, phát tán từ vụ nổ Chernobyl, và đặc biệt từ các vụ thử vũ khí nguyên tử ồ ạt trên mặt đất giữa những năm 50-60 của thế kỷ trước.

 

Với các kết quả thu được, có thể thấy ở nước ta, cũng như trên toàn thế giới, ở đâu cũng có phóng xạ, nhân tạo và tự nhiên. Hơn nữa, các số liệu khảo sát cho biết khái quát hình ảnh sự phân bố phóng xạ trên toàn lãnh thổ nước ta.

 

Ngoài ra, đã phát hiện những vùng hoạt độ phóng xạ cao như các vùng mỏ Urani, Thori và đất hiếm (Tây Bắc), mỏ graphit (vùng Quảng Nam) hay mỏ sa khoáng (dọc bờ biển Trung bộ).

 

Chính ở các địa phương này, sự quan tâm theo dõi tình hình sức khoẻ của dân cư nên được đặt ra. Lại càng phải kiểm tra chặt chẽ và áp dụng các quy tắc và biện pháp phòng chống hữu hiệu đối với công nhân làm việc trong môi trường phóng xạ cao, đặc biệt ở các công đoạn khai thác chế biến khoáng sản.

 

Cũng nên nhấn mạnh rằng, dù thành phần bức xạ nhân tạo trong môi trường nói chung rất bé, nhưng nguy cơ tiềm ẩn tác hại lại rất cao đối với một số nhóm người và một số địa điểm sử dụng chất phóng xạ và thiết bị hạt nhân. Đáng lưu ý là trường hợp hàng ngàn nguồn phóng xạ kín hở đang nằm rải rác khắp nơi, hàng ngàn máy chiếu chụp tia X đang có mặt từ bắc đến nam, ở thành thị và nông thôn, nhưng không phải tất cả nằm trong tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.

 

Sự thực là vậy, sao có thể hững hờ như chuyện đâu đâu xa xôi được. Đã đến lúc sự không hiểu biết, sự thờ ơ hay coi thường đối với điều kiện sống và làm việc với bức xạ của bản thân mỗi người và sự lỏng lẻo trong quản lý của một số cơ quan hữu quan là điều không xem là bình thường trong một đời sống văn minh, trong một đất nước có pháp luật.

 

Phóng xạ : đừng quá lo lắng

 

Bây giờ lại đề cập đến một góc khác với phóng xạ. Cũng trong thời gian gần đây, phát biểu với báo chí, có chuyên gia đã đề cập đến chuyện di dời dân khỏi những vùng “không an toàn”, nơi mà số liệu đo phóng xạ dã ngoại cho thấy cao hơn bình thường. Cụ thể là: “Những điểm lân cận (vùng dân cư) có độ tích tụ năng lượng bức xạ trong một năm là 2 - 4 mSv, trong khi tiêu chuẩn môi trường cho phép chỉ là 1 mSv (!)”.

 

Trước hết, có lẽ nên biết sơ qua, rằng mSv là đơn vị đo liều hiệu dụng, một đại lượng nói lên mức độ tác động của mọi loại bức xạ lên tế bào trong cơ thể con người. Độ lớn của phông phóng xạ môi trường được mô tả qua liều hiệu dụng trung bình trong một năm mà mỗi người nhận được, và đơn vị đo của nó là mili-silvert/năm (hay viết tắt mSv/n).

 

Trên thế giới,  tổ chức quốc tế UNSCEAR đã tập hợp số liệu từ nhiều nước và nhiều vùng khác nhau, với khoảng 23 nước, chiếm một nửa số dân trên hành tinh, và đưa ra con số về phông phóng xạ trung bình toàn cầu là 2,4 mSv/năm. Theo đó, mỗi người, trong một năm, nhận một liều hiệu dụng từ các loại bức xạ tự nhiên khoảng 2,4 mSv/năm. Ở đây, liều chiếu ngoài khoảng 1,1 mSv/năm (45%) và liều chiếu trong khoảng 1,3 mSv/năm (55%).

 

Nhiều nước trên thế giới có phông phóng xạ cao hơn mức trung bình nói trên. Chẳng hạn, trong các nước Âu và Úc châu, môi trường phóng xạ trong lành nhất là hai nước Anh (UK) và Úc (Australia) với phông phóng xạ (hay liều hiệu dụng trung bình) khoảng 1,6 mSv/năm. Nhưng, ở Phần lan (Finland) lại có phông phóng xạ rất cao; gần 8 mSv/năm, kế đến là Pháp (France) và Tây ban nha (Spain) với gần 5 mSv/năm.

 

Soạn: AM 862483 gửi đến 996 để nhận ảnh này
So sánh phông phóng xạ một số nước                công nghiệp phát triển

Thế nhưng, có những vùng, dân chúng sống trong một môi trường bức xạ tự nhiên rất cao, như ở Ramsar (Iran), Kerala (Ấn độ), Guarpapi (Braxin) và Yangjang (Trung Quốc). Một số ngôi nhà ở Ramsar người dân nhận liều bức xạ vào cỡ 132 mSv/năm, cao hơn mức trung bình thế giới khoảng 50 – 70 lần.

 

Ở nước ta, một số số liệu đo trên các vùng dân cư ở thành phố, thị xã, ven đường quốc lộ, đồng bằng và trung du đều chứng tỏ môi trường (hay còn gọi là phông) phóng xạ tự nhiên nằm trong khoảng 2 - 2,5 mSv/n, nói chung không vượt quá phông trung bình của thế giới.

 

Còn ở những vùng mỏ phóng xạ và đất hiếm (Tây Bắc), graphit (vùng Quảng Nam) hay sa khoáng (dọc bờ biển Trung bộ) ..., hàm lượng các nguyên tố phóng xạ trong đất đá cao hơn, và phông phóng xạ cũng cao hơn mức trung bình khoảng 1,5 – 2 lần. Có những khu vực, giữa thân các mỏ quặng, phông phóng xạ cao hơn nhiều lần, liều hiệu dụng nằm trong khoảng 10 – 30 mSv/n.

 

Tuy vậy, như trên đã dẫn, việc gọi một số vùng dân cư ở nước ta có phông phóng xạ nằm trong khoảng 2 - 4 mSv là những “vùng không an toàn” hoặc khuyến cáo di dời dân có lẽ chưa thật thoả đáng, hay quá lo xa, nếu so sánh với những vùng dân cư với phông phóng xạ ở nhiều nước trên dưới 5 mSv/, thậm chí cao gấp hàng chục.

 

Ngoài ra, ở đây, có sự nhầm lẫn, mỗi khi thấy phông tự nhiên ở đâu đó lớn hơn giá trị giới hạn liều (1 mSv/n) đã vội kết luận là vi phạm giới hạn an toàn về phóng xạ. Nên hiểu rằng, giới hạn liều 1 mSv/n, theo khuyến cáo của ICRP hay theo tiêu chuẩn TCVN 6866/2001 của Việt Nam, như sau: ngoài liều phóng xạ gây ra bởi môi trường tự nhiên, trong 1 năm, mỗi người không nên nhận thêm một liều bổ sung quá 1mSv/năm, lấy trung bình trong 5 năm liên tục.

 

Hiện nay, trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, không có giới hạn liều cho phông bức xạ tự nhiên. Liều hiệu dụng trung bình trong vòng một vài chục mSv/n vẫn được xem là liều thấp và những ảnh hưởng của liều này đến sức khoẻ con người vẫn còn tiếp tục nghiên cứu và chưa có lời đáp.

 

Để dễ hình dung điều này, sau đây sẽ giới thiệu về ảnh hưởng lên con người đối với các liều chiếu khác nhau (chiếu trong một thời gian ngắn):

 

-         Mức   200 mSv : Không có biểu hiện bệnh lý gì

-         Mức   500 mSv : giảm cầu lymp trong máu

-         Mức  3000 mSv : làm rụng tóc

-         Mức  5000 mSv : tỷ lệ tử vong là 50%

-         Mức 10000 mSv : tỷ lệ tử vong gần 100%.

 

Qua đó, ta thấy giá trị liều vài ba mili-Silvert là rất nhỏ so với những liều có khả năng gây ra những tác hại có thể phát hiện qua lâm sàng ở trên. Vì vậy, sự hiểu biết chưa đầy đủ và chính xác mức độ tác hại của bức xạ với sức khoẻ; dẫn đến sự nhấn mạnh đến nguy cơ phóng xạ quá mức cần thiết, làm tăng mối lo ngại trong một bộ phận dân chúng, cũng là một xu hướng không đúng. Về điều này, cơ quan truyền thông có vai trò rất quan trọng.

 

Tuy vậy, cũng nên hiểu thêm rằng ảnh hưởng của bức xạ liều thấp mang tính thống kê, trong đó sác suất gây tác hại tăng lên theo liều bị chiếu. Vì thế, không bao giờ xa rời thông điệp đúng đắn, nổi tiếng của nguyên lý ALARA (The dose should be As Low As Reasonably Achievable): liều bức xạ trong môi trường càng thấp bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, trong sự cân nhắc các lợi ích kinh tế xã hội khác.

 

Tóm lại, đã chấp nhận sống chung trong môi trường có phóng xạ, cả hai thái cực – quá hững hờ hay quá lo lắng – đều nên tránh.

 

  • Hoàng Hà       

Ý kiến bạn đọc xin gửi về địa chỉ tran@vasc.com.vn hoặc điền vào mẫu phản hồi dưới đây:

  

 

 

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,