,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
823510
Nếu tôi là thị trưởng ...
1
Article
null
,

Nếu tôi là thị trưởng ...

Cập nhật lúc 04:03, Thứ Sáu, 28/07/2006 (GMT+7)
,

(VietnamNet) - Nếu có điều ước, người dân Hà Nội gốc này ước "được làm thị trưởng", chỉ để thực hiện những trăn trở về quản lý môi trường, quy hoạch đô thị và giao thông trong thành phố...

Hà Nội, một ngày hè năm 2006

H. thân,

Không biết giờ này thời tiết ở t/p Hồ Chí Minh của bạn ra sao? Còn Hà Nội của tôi đã trải qua nhiều đợt nắng nóng. Cái nắng nóng Hà Nội thời kinh tế thị trường giờ cũng đỏng đảnh, khắc nghiệt đầy bất ngờ, lạ lắm. Có những chiều muộn, từ cơ quan trở về nhà, hơi nóng vẫn như táp vào mặt, hầm hập, khô rang, ngộp thở.

Tuổi trẻ đã qua rồi, tình yêu cũng “qua rồi”, như lời một bài hát, vậy mà bỗng cảm thấy má mình như cũng hồng lên, cũng chín lên. Chút an ủi mát lành của thiên nhiên Hà Nội là những rặng cây xanh, là những chùm hoa dâu da xoan trắng phớt li ti, là những nhánh phượng vàng kiêu sa điểm xuyết trong kẽ lá, cùng những chùm quả bằng lăng chỉ đợi những cơn mưa hè là nở bung, tím rười rượi...

Tôi bỗng nhớ tới lần bạn ra thăm Hà Nội, bên ly cà phê Nhân, chúng mình trêu nhau, bạn đã hỏi: “Nếu cho bà một điều ước, bà ước gi?”. “Làm thị trưởng thành phố!”. Đôi mắt H. vốn rất to, rất đen, có hàng mi rợp mà thời thiếu nữ, tôi biết nhiều đôi mắt “ trai tơ” đã phải trộm nhìn, như càng to hơn, sẫm hơn: “Thị trưởng thành phố. Để làm gì?”. - “Chỉ để làm ba cái việc mà tôi cho là rất lớn. Đó là quản lý môi trường, quy hoạch đô thị và giao thông!”. “Bà chưa làm quản lý bao giờ có khác. Lĩnh vực nào cũng có sở, ban, ngành, cũng được phân cấp quản lý. Cơn cớ gì mà thị trưởng thành phố lại nắm ba cái việc ấy?”. Tôi đã không trả lời...

Buổi chiều nay, trong cái nắng rang người, chen chúc trong cái dòng hỗn độn ô tô, xe máy, xe đạp, xe thồ...tôi lại bỗng nhớ tới câu hỏi của bạn. Vì sao bạn biết không? Thị trưởng thành phố giống như ông chủ một gia đình. Khách đến nhà, nhìn cơ ngơi xây cất, bài trí nội thất, cây cảnh, nếp sống, họ sẽ hiểu ngay trình độ tư duy, tầm trí tuệ, “phông” văn hoá của chủ nhà này thế nào? Ông thị trưởng thành phố có khác chi ông chủ nhà, vừa có vai trò trụ cột, vừa có cái nhìn tổng thể để điều hành, điều phối?

Thời buổi hội nhập toàn cầu đòi hỏi đất nước nói chung, Hà Nội nói riêng tìm mọi cách kéo đầu tư nước ngoài vào. Dĩ nhiên sức hút đầu tư hay năng lực cạnh tranh của Hà Nội có hiệu quả hay không chính là nhờ các chính sách “mở cửa” từ thủ tục đến cơ chế vận hành. Thế nhưng đối tác quốc tế vào Hà Nội, đầu não của cả nước, chỉ cần nhìn vào ba cái diện mạo ấy, họ sẽ hiểu ngay, “đo” được ngay tầm trí tuệ, tư duy, tầm văn hoá của cả Thủ đô, nói rộng hơn, của cả dân tộc này, họ sẽ hiểu phải làm ăn với một đối tác như thế nào, con đường đầu tư sẽ là “ con đường tơ lụa ”hay con đường chông gai?.

Y phục chưa xứng kỳ đức

Đã từng có rất nhiều lời tụng ca về vẻ đẹp của Hà Nội, từ những bạn bè quốc tế, của người Việt xa xứ, hay của những người con Hà Nội tha hương. Nhưng nếu ai đó hỏi tôi: “à Nội có đẹp không?”. Tôi sẽ trả lời: “Không”. Tôi biết rằng sẽ có rất nhiều lời phản bác. Vì câu trả lời đó có thể đã chạm vào cõi thiêng nhất của tình yêu, hay niềm tự hào xứ sở.

 
 
        
Soạn: AM 852761 gửi đến 996 để nhận ảnh này
   Hồ Hoàn Kiếm

Nhưng tôi cũng là người Hà Nội. Tuổi thơ tôi là con phố cũ bên hồ Gươm, là những buổi hiếm hoi được tha thẩn theo chị, theo em nhặt hoa lộc vừng, nhặt búp đa bên bờ hồ, hay trong Âu Trĩ viên ( nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội) để rồi về nhà len lén giấu những chiếc búp đa trong cặp sách nhưng rốt cục mẹ tôi cũng tìm ra. Và cả ba chị em ăn đòn của mẹ, roi nào ra roi ấy.Tôi đã khóc và nuối tiếc biêt bao khi mẹ vứt đi không thương tiếc những cái búp đa mà chúng tôi đã kỳ công tìm kiếm quanh hồ.

Hà Nội với tôi là những thảm lá vàng rực cuối thu trên những con phố cổ . Là những tiếng rao đêm mùa đông lạnh lẽo, như rơi vào xa vắng. Là chút hương hoa me, hoa sấu chua dịu nhẹ như mùi hương con gái sau trận mưa mùa hạ, cứ phảng phất, cứ đeo đẳng tận ký ức.

Hà Nội rất đẹp, nhưng là cái đẹp cục bộ, mang tính khu biệt. Hà Nội đẹp nhất là hồ Gươm, “lẵng hoa xanh” của thành phố, nơi những hàng sấu xanh um, lá sấu cong cong như vòng hông con gái. Hà Nội cũng rất đẹp với những con phố trầm tư những căn biệt thự kiến trúc Pháp cổ xưa ẩn khuất, những con phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Lý Thường Kiệt... hàng cây xanh hai bên hè phố ngả vào nhau như tình tự. Hà Nội cũng rất đẹp ở những khu đô thị mới trong quy hoạch dự án: Si pu tra, Linh Đàm, Định Công... Nhưng nếu nhìn toàn cục, Hà Nội có đẹp không? Chưa thể nói là đẹp. Vì cái đẹp của một thủ đô, phải là cái đẹp tổng thể và hài hoà.

Ngẫu nhiên và may mắn, số phận cho tôi được đi một vài đất nước, nhưng lại là những đất nước rất tiêu biểu của văn hoá phương đông, phương tây. Ở những nước đó, không chỉ là kiến trúc tân kỳ, hay cổ điển, phản chiếu sự phát triển kinh tế-xã hội, văn minh-văn hoá ở tầm cao, mà trước hết chính là cảnh quan thiên nhiên, là cây xanh. Tôi đã sửng sốt, đã ngỡ ngàng trước thiên nhiên ở những xứ sở xa lạ, một thiên nhiên đẹp như cổ tích, đẹp như không có thực trong những trang truyện cổ, những trang sách học trò xưa. Mới hay cổ tích bao giờ cũng được dệt nên bởi một phần hiện thực.

Ở bất cứ đâu tôi cũng gặp những cảnh quan thiên nhiên, dù khoáng đạt bay bổng, hay cực kỳ tinh tế, đều có dấu ấn quy hoạch, có đầu tư kỳ công, có lao động kỳ diệu của con người, rất đẹp nhưng lại rất “thiên nhiên”, rất tự nhiên.

Giữa xứ sở xa lạ tôi đã thẫn thờ rất lâu khi nhớ về Hà Nội của tôi. Ai cũng nói Hà Nội rất đẹp vì cây xanh. Nhưng phải sòng phẳng mà nhận xét rằng, môi trường cây xanh Hà Nội dường như chưa có sự đầu tư. Thiên nhiên Hà Nội phổ biến các con phố mới sau này là thiên nhiên “tự nhiên chủ nghĩa”, tuỳ hứng và tuỳ tiện. Thế cho nên cây xanh nhiều con phố, nhìn xa thấy đẹp, nhưng có đến gần mới thấy xấu. Vì thiếu hẳn sự hài hoà và tinh tế của quy hoạch đồng bộ và quản lý môi trường. Rất hiếm những con phố cây xanh được trồng, được quy hoạch và tính toán, được “ thiết kế” tạo nên vẻ đẹp hài hoà như những con phố cổ xưa thuộc khu vực trung tâm quận Ba Đình, Hoàn Kiếm.

Có rất nhiều những con phố mới hàng chục loại cây lổn nhổn, có cảm giác người ta có được cây gì trồng cây ấy, đầy ngẫu hứng mà chẳng biết rằng bức tranh cây xanh ấy, vô tình là bộ “ y phục chẳng xứng kỳ đức”, chẳng xứng được khoác lên thân thể của thủ đô nghìn năm văn hiến.

Không ai sống mãi bằng quá khứ. Hà Nội trong ký ức tuổi thơ tôi rất đẹp. Nhưng có đi xa hơn mới hiểu cái kém cỏi của xứ sở mình. Hiểu để thương hơn, để mong Hà Nội của tôi “đẹp dần lên, đẹp mãi lên trong mắt ai”.

Nếu là thị trưởng, tôi sẽ quy hoạch đồng bộ cây xanh đường phố theo từng ý tưởng. Mỗi phố sẽ là một loại cây trồng tạo nên sắc thái riêng biệt. Bên những đường phố mang tên các bậc tiên đế, các bậc chí sĩ, các nhà cách mạng, nhà văn, nhà thơ lớn, sao không thể có những con phố mang tên loại cây đặc trưng, phố “Cây me”, “Cây sấu”, phố “Hoa sữa” chẳng hạn...

Một chút lãng mạn mang phong vị cổ tích giữa đời thường chẳng thú vị lắm sao? Chính sự lãng mạn trong cuộc đời vất vả lại là dinh dưỡng nuôi lớn con người, cho con người khát vọng hướng thiện, hướng tới cái đẹp, phải không bạn? ''... (còn nữa)

(Chờ xem phần cuối: Chung cư “ ba lô” và sự vô cảm. Đi kiểu Sài Gòn hay kiểu Hà Nội?)

  •  Kỳ Duyên

                                 Ý kiến của bạn ?

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,