Thư từ Harvard ...
Kỳ vọng về chuyến thăm của thủ tướng Phan Văn Khải tới ĐH Harvard và Viện công nghệ Massachusett (MIT) qua bài viết của anh Nguyễn Xuân Thành, Cán bộ Nghiên cứu,Chương trình Việt Nam,Trường Quản lý Nhà nước Kennedy, Đại học Harvard
Sau Seattle, Washington DC và New York, Phái đoàn của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải sẽ tới Boston, nơi cải cách giáo dục đại học sẽ là nội dung chủ đạo tại các cuộc hội kiến với Tiến sĩ Lawrence Summers, Chủ tịch Harvard, Tiến sĩ Susan Hockfield, Chủ tịch MIT và một hội nghị bàn tròn với các giáo sư của hai trường đại học hàng đầu này.
Có lẽ do chuyến thăm rơi đúng vào kỳ nghỉ hè nên chúng ta sẽ không thấy Thủ tướng đọc diễn văn trước một tập thể sinh viên và trả lời một vài câu hỏi như thông lệ thường thấy ở các nguyên thủ quốc gia khi họ tới thăm các trường đại học. Tuy vậy, đối với những ai quan tâm tới sự nghiệp giáo dục bậc cao ở Việt Nam, những cơ hội đối thoại thẳng thắn giữa phái đoàn Việt Nam với các học giả hàng đầu của Hoa Kỳ sẽ có ích hơn là một bài diễn văn hình thức.
Trong những năm qua, Harvard đã có những mối quan hệ mật thiết với Việt Nam thông qua các hoạt động nghiên cứu về kinh tế, chương trình đào tạo một năm về chính sách công tại Trường Fulbright và gần đây nhất là chương trình đào tạo về phòng chống HIV/Aids. Các học giả tại đây có cùng một mối quan ngại rằng nếu không có những cải thiện mạnh mẽ trong hệ thống đào tạo đại học, thì Việt Nam sẽ không thể đạt được thành công về phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Theo một số hệ thống xếp hạng, Việt Nam hiện không hề có một trường đại học nào đứng trong số 100 trường hàng đầu ở châu Á. Các trường không có mấy tự chủ trong việc bổ nhiệm các vị trí quan trọng và đổi mới nội dung đào tạo. Thăng tiến trong hệ thống được xem xét dựa trên thâm niên công tác và các mối quan hệ chính trị, thay vì tài năng, thành tích và tiềm năng trong tương lai. Đáng lo nhất là sự không trung thực xuất hiện trong tất cả các kỳ thi, từ tuyển sinh cho đến tốt nghiệp.
Trước những trì trệ và tồn tại này, ngày càng nhiều gia đình có điều kiện ở Việt Nam chọn gửi con em họ ra nước ngoài, mà trong số đó có khoảng 150 người đang học tập và nghiên cứu tại vùng Đông bắc nước Mỹ này. Nhưng con số du học cao nhất mà Việt Nam có thể đạt được cũng chỉ là 4 -5% của hơn một triệu sinh viên đại học, cao đẳng hiện nay. Nói cách khác, không như một quốc gia nhỏ, Việt Nam không thể “thuê ngoài” dịch vụ đào tạo mà phải xây dựng một hệ thống giáo dục đại học vững mạnh của mình. Và đây chính là một triển vọng lớn của Việt Nam. Các chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tề đều đồng ý rằng khác với nhiều quốc gia đang phát triển khác hiện gặp phải các trục trặc tương tự, Việt Nam là một trong số ít có cơ hội khắc phục khó khăn và có đủ nguồn lực về vật chất cũng như trí tuệ để hướng tới một hệ thống đại học chất lượng cao.
Cho đến nay, các nỗ lực được tập trung chủ yếu cho việc đầu tư vào các trường đại học hiện hữu. Tuy nhiên, những cải thiện có được không đáng là bao. Một với cơ chế quản lý không đổi mới và áp đặt cho mọi trường đại học cho dù có mục tiêu đào tạo khác nhau, cũng dễ hiểu khi thấy việc đầu tư thêm nguồn lực tài chính là không có hiệu quả. Và ngay cả những người lạc quan nhất cũng không hy vọng rằng sẽ có một sự thay đổi sâu rộng về cơ chế quản lý trên toàn hệ thống trong một tương lai gần. Những năm qua cũng thấy sự xuất hiện của nhiều chi nhánh các trường đại học nước ngoài. Đây rõ ràng là một xu hướng tốt, nhưng với quy mô nhỏ những hoạt động này sẽ khó có thể tạo nên được một sự cải thiện đáng kể về chất lượng cho cả hệ thống.
Có lẽ đã đến lúc Việt Nam nên xem xét việc xây dựng một hay hai trường đại học mới với một mô hình quản lý hiện đại. Đây sẽ là những trường đại học Việt Nam, do người Việt Nam đảm nhiệm công tác điều hành, giảng dạy và nghiên cứu, nhưng được hỗ trợ bởi những trường đại học hàng đầu ở Hoa Kỳ.
Tránh được khó khăn của tham vọng đổi mới cơ chế ở cấp độ hệ thống, một trung tâm đào tạo đại học mới có thể được dễ dàng chấp nhận hơn trong việc áp dụng mô hình quản lý ở đó quyền tự chủ được đảm bảo. Nhà trường có quyền bổ nhiệm các vị trí điều hành, giảng dạy và nghiên cứu, thiết kế cơ cấu tài trợ cũng như lựa chọn chương trình đào tạo. Kinh nghiệm quan trọng nhất đã được đúc kết về một hệ thống quản lý đại học hiệu quả là tự do nhưng chịu trách nhiệm về mặt hàn lâm, kết hợp với việc thiết lập và duy trì tiêu chuẩn cao trong giảng dạy và nghiên cứu.
Bên cạnh việc đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng một hệ thống giáo dục ‘mở’ với nhiều kênh liên kết với bên ngoài trong kỷ nguyên tăng tốc của tri thức là một đòi hỏi bắt buộc. MIT với cơ sở học liệu mở (OpenCourseWare) của mình đã từng bước đưa toàn bộ các tài liệu giảng dạy từ bài giảng, bài tập và bài thi lên mạng miễn phí để ai cũng có thể truy cập và sử dụng. Harvard thì đang hợp tác với Google để số hóa hàng loạt tài liệu trong các thư viện của mình. Đây sẽ là các kho kiến thức không lồ và quý giá để Việt Nam tiếp cận.
Thành quả rõ ràng của một trường đại học Việt Nam mới với chất lượng hàng đầu sẽ là các sinh viên tốt nghiệp đủ năng lực làm việc trong một nền kinh tế năng động với đà tăng trưởng nhanh, hay theo học các chương trình cao hơn ở các nước tiên tiến. Hơn nữa, việc xuất hiện những mô hình đào tạo mới sẽ thúc đẩy cạnh tranh và tạo động cơ cho các trường đại học hiện hữu phải tìm hướng đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu của mình.
Hầu hết các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ, trong nỗ lực bảo vệ uy tín của mình, đều không muốn mở chi nhánh ở các nơi khác. Tuy nhiên, để mở rộng quan hệ ra nước ngoài, họ sẵn sàng hỗ trợ các nước nhiều tiềm năng như Việt Nam về mặt kinh nghiệm quản lý, nội dung đào tạo và giảng viên. Đặc biệt, họ sẽ giúp kiểm tra và đánh giá về chất lượng đào tạo để trường đại học có thể cấp bằng Việt Nam những được quốc tế công nhận. Đây chính là những gì mà Thủ tướng Việt Nam và Phái đoàn có thể tìm kiếm từ Harvard và MIT.
-
Nguyễn Xuân Thành
Cán bộ Nghiên cứu,Chương trình Việt Nam,Trường Quản lý Nhà nước Kennedy, Đại học Harvard