Sự 'hậu mãi' của nghề báo
Khi thấm thía rằng, dù làm báo ở đâu trên hành tinh này thì việc phản ánh một phần sự thật hoặc không viết sai sự thật đã là rất cố gắng thì tôi nghĩ, nghề mình chỉ cần giúp được ai đó một chút nhỏ nhoi đã là đủ.
Cách đây 8 năm, khi còn làm ở tờ báo giấy, tôi cùng đồng nghiệp có lần gặp cảnh thương tâm ở một vùng quê: một bà cụ sống cô đơn, mù lòa, luôn không đủ cái ăn. Nhìn bà rờ rẫm lần tìm từng ngọn rau trong khu vườn hiu quạnh của mình, chúng tôi chỉ biết rơi nước mắt - những giọt nước mắt bất lực sau khi biếu bà mấy chục ngàn đồng.
Hồi đó, một tờ báo tuần có khoảng 4 vạn người đọc và mỗi ngày nhận được dăm ba chục thư bạn đọc đã là niềm mơ ước của nhiều Tổng biên tập, thì quyên góp tiền giúp những người khó khăn là việc mà một PV bình thường như chúng tôi ít khi nghĩ tới.
Chỉ sau mấy năm, mọi chuyện đã khác quá xa. Một PV mới ra trường, một người cầm bút nghiệp dư nếu không vô cảm hoặc đóng khung mình trong phòng máy lạnh, chỉ bằng bàn tay gõ phím và con tim biết chia sẻ là đã có thể làm đổi thay một số phận.
Chuyện gần đây nhất khiến tôi thấy yêu thêm nghề báo vốn tiêu tốn nhiều nơron thần kinh (và đôi lúc còn gợi cảm giác cô đơn, bất lực) là trường hợp cháu bé Nông Văn Phương... Sau khi đăng lại thông tin về trường hợp của bé, VietNamNet đã nhận được sự chia sẻ rất lớn lao từ bạn đọc - lớn hơn cả sự chờ đợi ban đầu.
Cho đến bây giờ, bé Phương vẫn tiếp tục được bệnh viện Hà Giang chữa miễn phí. Và cho đến bây giờ, bạn đọc VietNamNet vẫn tiếp tục gửi tiền về trợ giúp cho em Phương.
Sự "hậu mãi" này, chắc là đồng nghiệp của chúng tôi, người đã tới tận túp lều bé Phương ở trong rừng để thông tin tới cộng đồng câu chuyện thương tâm của bé cũng không thể ngờ được.
Thời nay, người tiêu dùng thường hay nhận được "hậu mãi", dù đôi khi chỉ là một món hàng trị giá vài chục ngàn đồng. Chủ đầu tư hoặc người môi giới sẽ quan tâm đến tỷ lệ "feedback" (lại quả) là bao nhiêu khi dính dáng đến một vụ làm ăn lớn. Còn nhà báo, sự "hậu mãi" hoặc tỷ lệ "đáp lại" tốt đẹp nhất là dư âm, là hiệu quả của từng tác phẩm báo chí. Và sự "hậu mãi" đó sẽ có được khi trái tim của người viết không vô cảm
Thời đại mà nghề báo có sự trợ giúp của công nghệ thông tin (cụ thể là internet), sự "hậu mãi" tốt đẹp kia càng hiệu quả và "tốc độ" hơn.
Truyền thông thời hiện đại, ngoài chức năng đưa tin, phản ánh mọi mặt của thực tại còn là sợi dây nối kết bạn đọc với bạn đọc thành sức mạnh.
Chương trình "Chúng tôi không vô cảm" trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam mà báo Tuổi trẻ tổ chức được nảy sinh từ một bài viết của bạn đọc. Và, nhiều nạn nhân chất độc da cam đã được trợ giúp từ những bạn đọc "không vô cảm". Chương trình kêu gọi "Chung tay chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ" của báo Lao động nảy sinh từ ý tưởng của một PV khi chị chứng kiến sự khác nhau về hình ảnh "ngôi nhà" của các liệt sĩ ở các nghĩa trang nhỏ lẻ so với nghĩa trang Trường Sơn. Chương trình này đã được đông đảo bạn đọc hưởng ứng.
Có một người bạn hỏi tôi: "Tại sao lại thích quyển sách "Nhật ký Mã Yến" đến thế?". Đó là quyển sách khiến ta cảm nhận một cách sâu sắc sứ mạng nối kết của truyền thông hiện đại. Sự nhân văn, sức lay động của tác phẩm không nằm trong những con chữ mà ở tấm lòng và trách nhiệm cộng đồng của người lám báo, tác nhân chính làm nên sự xuất hiện của tác phẩm.
"Nhật ký Mã Yến" bắt nguồn từ chuyến đi của Pierre Haski - phóng viên tờ Liberation của Pháp tại Bắc Kinh tới thôn Trương Gia Thụ ở Ninh Hạ (miền Tây Trung Quốc) xa xôi... Ở đó anh đã được một người mẹ đưa cho ba cuốn nhật ký của đứa con gái 13 tuổi. Mã Yến - tên em bé gái, chủ nhân của nhật ký - đã trở nên nổi tiếng ở Pháp và cả ở Trung Quốc sau khi những trang viết trên giấy học trò của em được in thành sách. Em được bạn đọc ở Pháp giúp đỡ tiền học. Và, một số em bé gái đứng ở bờ vực thất học vì đói nghèo ở thôn Gia Thụ cũng tìm thấy cơ hội đổi đời từ sự chia sẻ của độc giả tờ Liberation.
"Nhật ký Mã Yến" còn lên tiếng cảnh báo về mặt trái của sự "tăng tốc" GDP ở những nước đang phát triển. Cũng có thể, nhờ sự cảnh báo đó mà nhiều quốc gia khác sẽ không phải có những câu chuyện "Mã Yến". Sự "hậu mãi" này vượt xa cả mơ ước của chúng tôi - những người "hành hương" trên cuộc đời bằng những con chữ.
Khi mới bước vào nghề báo tôi đã mơ ước quá nhiều. Rằng nhà báo có thể đem lại sự công bằng cho xã hội nhờ viết điều tra chống tiêu cực. Nhưng, mơ ước của tôi lùi dần khi biết nhiều đồng nghiệp chỉ có thể viết bài chống tiêu cực nhờ vào kết quả điều tra của các cơ quan chức năng hoặc tài liệu "tuồn ra ngoài" của "bên nọ ghét bên kia". Nhà báo ở ta còn quá thiếu phương tiện và "khả năng" để làm những điều tra độc lập.
Khi mới bước vào nghề, tôi cũng nghĩ nhà báo sẽ không bao giờ quay lưng lại với sự thật. Rồi tôi thấm thía rằng, dù làm báo ở đâu trên hành tinh này thì việc phản ánh một phần sự thật hoặc không viết sai sự thật đã là rất cố gắng thì tôi nghĩ, nghề mình chỉ cần giúp được ai đó một chút nhỏ nhoi đã là đủ.
Nhiều đồng nghiệp của tôi ở VietNamNet và các báo bạn đã làm được điều nên làm: Nối kết bạn đọc với tòa soạn, bạn đọc với bạn đọc, bạn đọc với những số phận cần được sẻ chia, cứu giúp để làm nhẹ đi những nỗi đau, bất công mà ông trời đưa lại. Và họ đã được "hậu mãi".
Nhân ngày 21/6, tôi xin gửi sự cảm phục tới những gì mà các đồng nghiệp báo chí của tôi đã làm được cho cuộc đời này.
-
Lương Thị Bích Ngọc