Phao nổi - Giáo dục chìm
Khám xét ở một phường thu được 4 tạ “phao”. Phao được đem bán tận nhà. Hình ảnh những đống phao vun lại trên sân trường sau giờ thi... Vậy mà cả nước chỉ phát hiện được 22 trường hợp phạm quy...
Những thông số đó đủ cho thấy có biết bao nhiêu thí sinh đã “lọt lưới” giám thị, đã sử dụng phao... cũng có nghĩa là thực hiện hành vi gian lận trong thi cử.
Kết quả giáo dục về mặt kiến thức được thể hiện trên bài thi, được đánh giá bằng điểm số. Nhưng kết quả giáo dục về đào tạo con người, nhất là lớp người đang độ tuổi hình thành nhân cách thì khó có thể tính bằng điểm số.
Từ những chiếc phao thấy ngay một sự thật đáng buồn và đáng lo ngại. Sẽ có những thí sinh vì trung thực mà không thể cạnh tranh được với những thí sinh gian lận trong các cuộc thi tuyển.
Sẽ có những thế hệ ngay từ tuổi học trò đã tự rút ra bài học vào đời là “thật thà thì thiệt”... Và chúng ta sẽ hình dung được những thí sinh hôm nay khi trở thành những công dân và chủ nhân tương lai, lấy sự gian lận làm lẽ sống thực dụng sẽ gây tác hại đối với xã hội như thế nào?
Cho dù, kể từ sang năm, theo Luật Giáo dục mới sửa đổi, số lần thi sẽ giảm bớt, nhưng thói gian lận có giảm bớt hay không? Vấn đề là nền giáo dục của chúng ta hiện tại mới chỉ tính đến việc trang bị (thậm chí “nhồi nhét”) kiến thức mà chưa quan tâm đúng mức đối với việc đào tạo nhân cách, “dạy làm người” như quan niệm giáo dục của người xưa.
Kiến thức thiếu hụt có thể bổ sung được, nhưng nhân cách đã “nhúng chàm” thì thật là khó rửa sạch. Điều đáng nói là ở lớp tuổi ấy, các em học sinh đều đã và đang tham gia vào các tổ chức như Đội, Đoàn, Hội của thanh niên. Vậy thì những tổ chức ấy có quan tâm đến việc giáo dục lý tưởng và nhân cách của giới trẻ hay không và có chịu một phần trách nhiệm về thực trạng này không?
Dung túng vì tệ chạy theo thành tích hay bất lực do không đủ sức dẹp bỏ, thì ngành Giáo dục phải ý thức được rằng những chiếc phao siêu nhỏ ấy sẽ góp phần đánh chìm con thuyền giáo dục vốn đã và đang gặp nhiều sóng gió.
-
Dương Trung Quốc