Hậu hoa hậu
Chưa năm nào cuộc thi hoa hậu thế giới lại trở nên đặc biệt với chúng ta như năm nay: Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền của Việt Nam được bầu là một trong 15 người đẹp nhất hành tinh này. Cuộc thi có vẻ ngắn hơn mọi năm, để chúng ta có chút thời gian suy nghĩ tản mạn.
Chúng ta đã nghe quá nhiều chuyện thiên vị trong các cuộc thi đấu và lựa chọn, đặc biệt khi kết quả chỉ dựa vào cảm nhận. Năm nay hoa hậu thế giới là một cô gái Peru, một nước nhỏ với dân số chỉ bằng một phần ba Việt Nam. Á hậu đến từ Cộng hòa Dominican với dân số chỉ bằng một phần mười Việt Nam. Vị trí thứ ba được dành cho hoa hậu Mỹ, lại là một cô gái da màu. Dường như đâu đó vẫn có hình bóng sự công bằng trên thế giới.
Sự công bằng năm nay lại có một màu sắc mới. Tất cả thế giới đều có quyền tham gia bầu chọn qua máy tính. Khi Long Vũ kêu lên “tất cả những người Việt Nam có máy tính, hãy mở máy và bầu cho Nguyễn Thị Huyền”, nhiều người trong chúng ta chắc hẳn đã lo âu nếu biết là chỉ số nối mạng của Việt Nam chỉ là 0,6 trên 10 (theo đánh giá năm 2003 của tạp chí Nhà Kinh tế). Nếu mỗi người dân chỉ bầu cho người nước mình, chắc hẳn hoa hậu Trung Quốc đã đăng quang. Nếu mỗi máy tính gửi đi một phiếu cho nước mình, chẳng ai nghi ngờ về vị trí của hoa hậu Mỹ. Thế nhưng thế giới này chưa bất công đến vậy.
Đến nay chẳng còn ai cho rằng chỉ cần thừa hưởng những gì cha mẹ cho là có thể trở thành hoa hậu. Trí tuệ, tài năng, duyên dáng và thể lực ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong cuộc thi, mà những yếu tố này tùy thuộc vào nỗ lực của chúng ta chứ không có sẵn lúc sinh ra. Ngay cả việc bầu chọn nhà tạo mẫu trang phục trong cuộc thi, ta cũng thấy tài năng và sáng tạo được tôn vinh hơn các yếu tố trời cho.
Tương tự nói về quốc gia. Đất nước giàu đẹp, rừng vàng biển bạc thật quý, nhưng đâu có phải là yếu tố để dân tộc ta đã làm nên những trang sử hào hùng. Ngày nay, tri thức, sáng tạo, công nghệ, văn minh, hiện đại, uy tín v.v..., tất cả những yếu tố quyết định thắng lợi trong cuộc chơi toàn cầu này phải do nỗ lực của chúng ta tạo ra. Bao nhiêu tỉnh của chúng ta vẫn đi tiếp thị đầu tư với điệp khúc “đất rẻ, nhân công rẻ, thuế thấp”? Nếu bạn giành được một vé ăn tối với hoa hậu năm nay, cô ta sẽ nói cho bạn biết là bình quân một nghìn dân Peru có 47km vuông đất (ở Việt Nam con số này là 4km vuông cho một nghìn dân). Tuy thế, ở Peru chỉ có 6% lao động làm việc trong nông nghiệp và 75% lao động đang làm việc trong khu vực dịch vụ.
Việt Nam đã có một hoa hậu được thế giới tôn vinh. Quả là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam. Chúng ta, con rồng cháu tiên, có thể còn vươn cao hơn thế nữa. Nhưng còn bao nhiêu phụ nữ Việt Nam khác đáng được tôn vinh hơn vị trí hiện nay của mình?
Đầu năm nay Tân Hoa xã có một lời chế giễu nhỏ nhưng đã làm nhiều người Việt Nam buồn đến mất ngủ. Họ nói là Việt Nam sau vụ kiện phá giá cá basa và phá giá tôm có lẽ sẽ là... vụ kiện phá giá cô dâu. Cô dâu Việt Nam đang đi sang Đài Loan và Hàn Quốc với giá quá thấp. Xưa kia những gia đình có con gái lấy Tây hay lấy Mỹ chẳng dám ngẩng mặt với họ hàng bè bạn. Ngày nay nhiều gia đình còn tự hào có con gái xuất ngoại theo cách này. Đây không phải là cuộc thi hoa hậu. Đây là nỗi buồn văn hóa, xã hội, và kinh tế.
Trên con đường đi tới tương lai, hãy tận hưởng những niềm tự hào, nhưng cũng cần cảm nhận những nỗi buồn. Và bước chân ta sẽ nhanh hơn.
-
Bùi Văn