,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
235134
Kê khai và công khai
1
Article
null
,

Kê khai và công khai

Cập nhật lúc 18:44, Thứ Tư, 07/04/2004 (GMT+7)
,

Có người  cho rằng kê khai mà không công khai thì không thật sự có nghĩa. Tuy nhiên, cứ xem xét cho kỹ các điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước, chúng ta sẽ thấy sự anh minh đang đứng về phía Thủ tướng.

Kê khai và công khai thì đều là khai, nhưng một việc là khai ra giấy, còn một việc là khai cho công chúng. Khai ra giấy các tài sản của mình là việc chẳng ai muốn làm, khai cho công chúng thì lại càng không muốn hơn thế nữa. Về nguyên tắc, tất cả mọi công dân đều được pháp luật bảo vệ về đời tư. Nghĩa là không một ai trong số chúng ta bắt buộc phải kê khai và công khai các tài sản của mình.Tuy nhiên, các ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) thì lại không hoàn toàn là những công dân bình thường, mà họ đang là những người của công chúng. Những người của công chúng thì phải minh bạch hơn với công chúng là điều dễ hiểu. Vấn đề đặt ra là các ứng cử viên này chỉ phải làm cái việc thứ nhất hay phải làm cả cái việc thứ hai đối với các tài sản của mình?

Theo hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ thì họ chỉ phải làm cái việc thứ nhất. Điều hướng dẫn này đang làm cho một số người băn khoăn. Có người còn cho rằng kê khai mà không công khai thì không thật sự có nghĩa. Tuy nhiên, cứ xem xét cho kỹ các điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước, chúng ta sẽ thấy sự anh minh đang đứng về phía của Thủ tướng.

Hãy dành sự chú ý cho một mẫu tin được báo Tuổi trẻ đưa ngày 6 tháng 4 năm  2004 vừa qua: “Thủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi đã chỉ thị cho các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền trúng cử vào quốc hội và các hội đồng lập pháp bang tháng trước phải kê khai tài sản hai  năm/lần”. Điều dễ nhận thấy là Malaysia đã chọn cách làm khác ta: kê khai tài sản sau khi trúng cử chứ không phải là trước đó. Vậy thì, cách làm của họ có nghĩa gì không? Rõ ràng, sẽ khó khẳng định là không có nghĩa. Như vậy, điều quan trọng là chúng ta muốn gì trong việc kê khai tài sản: để chống tham nhũng hay để lựa chọn các đại biểu dân cử.

Kê khai tài sản sau khi trúng cử là để chống tham nhũng. Lý lẽ chỉ đơn giản thế này thôi: các tài sản của một quan chức phải được xác nhận công khai vào thời điểm ông ta nhận chức. Khối tài sản này không thể sinh sôi, nảy nở một cách bất bình thường trong thời gian người này nắm giữ quyền lực ngoài các khoản thu nhập hợp pháp. Không thể bổ sung tài sản thì cũng không có động cơ để tham nhũng. Lý lẽ là như vậy. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản này không phải bao giờ cũng phát huy tác dụng, đặc biệt là đối với những nước mà các tài sản thường không được đăng ký, tiền không được gửi ở tài khoản ngân hàng, đa số các giao dịch liên quan đến tài sản đều diễn ra không chính thức.

Kê khai tài sản và công khai với cử tri trước khi bầu cử  thì rõ ràng mục đích là cung cấp thêm thông tin để cử tri lựa chọn. Đây có phải là mục đích mà chúng ta đề ra không? Hình như không  một văn bản pháp lý nào ghi nhận điều này. Tuy nhiên, nếu đây đích thực là mục đích của chúng ta, thì rủi ro đang chờ phía trước là rất lớn.

Về thực chất, công khai tài sản vào lúc này chỉ cung cấp được thông tin về cái sự ai giàu hơn ai trong số các ứng cử viên đại biểu HĐND. Hơn nửa thế kỷ qua, tâm lý bài xích người giàu là một thực tế. Tình hình đang thay đổi, những người giàu đang được chấp nhận ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, thời gian vẫn chưa đủ chín muồi để xã hội có được một cách nhìn nhận hoàn toàn khách quan và  công tâm về vấn đề này. Trong điều kiện như vậy, công khai tài sản trước lúc bầu cử là đối xử không công bằng với các ứng cử viên có thu nhập khá hơn. Đây cũng là lý do giải thích tại sao các ứng cử viên là các doanh nhân cảnh báo là họ sẽ bỏ cuộc, nếu bị đặt vào một tình cảnh bất lợi như vậy. Quyết định nói trên của Thủ tướng sẽ giúp chúng ta tránh được rủi ro nói trên và bảo đảm sự công bằng của cuộc bầu cử.

Sau này, đối với các đại biểu đã trúng cử việc công khai tài sản cho cử tri sẽ là cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng tuyệt đại đa số các đại biểu HĐND là không có quyền quyết định những chuyện cơm áo gạo tiền trực tiếp để người ta phải chạy chọt. Tập trung nỗ lực chống tham nhũng vào đây chẳng khác gì việc đi lạc đường: càng đi càng xa nơi cần đến.
 
Nguyễn Sĩ Dũng

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,