Bao giờ hồ sơ tuyển sinh vào mạng?
Hồ sơ tuyển sinh (HSTS) là một khâu quan trọng, các dữ liệu của nó có mặt trong mọi mắt xích, từ đầu đến cuối, của quá trình tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Tuy vậy, khâu này từ lâu vẫn nằm ngoài cuộc tin học hoá và chưa được các nhà điều hành vĩ và vi mô tính đến, mặc dù sự thâm nhập của công nghệ thông tin vẫn tăng đều hàng năm trong các kỳ thi tuyển sinh, đặc biệt trong mùa thi 2002 với chủ trương "ba chung" của Bộ Giáo dục-Đào tạo.
Cho đến nay, các công đoạn của khâu HSTS vẫn xưa cũ và kéo dài như ... lịch sử của Bộ GD-ĐT nước ta vậy. Tức là mọi việc vẫn thủ công, từ lúc mua bộ hồ sơ, lấy bút điền vào chỗ trống, mang đến nộp ở các địa điểm quy định, rồi chuyển về các trường ĐH, CĐ, THCN hoặc về Bộ. CNTT chỉ xuất hiện sau khi các com-piu-tơ-mít ngồi gõ nộp dữ liệu trên hàng trăm bàn phím.
Những khiếm khuyết của cách làm trên chắc nhiều người cũng rõ. Thử nhẩm tính làm ví dụ một khoản tiền rút từ túi học sinh: cước phí bưu điện. Theo thông tư liên Bộ (GDĐT và TC) ngày 4/4/2003, ngoài mức phí đăng ký trung bình 40.000Đ/hồ sơ, thí sinh phải đóng thêm mức phí chuyển qua bưu điện 3.500-4.000đ/hồ sơ. Có thể dự đoán: mùa thi tới có khoảng 1,2-1,5 triệu lượt thí sinh, mỗi thí sinh trung bình nộp 1,7 hồ sơ. Như vậy, tổng chi phí riêng cho khoản này không ít hơn 20 tỉ đồng. Ngoài ra, chưa ai ngồi thống kê bao nhiêu giấy để in hồ sơ, bao nhiêu chi phí dọc đường để mang hồ sơ lên Sở, Trường, Bộ và chi phí nhân lực ở các công đoạn khác nhau. ấy là chưa nói đến những sai sót, nhầm lẫn, chậm trễ ở khâu nhận hồ sơ hay nhập số liệu, phân phối hồ sơ hay chuyển thông tin theo trường, theo khối v.v...
Liệu có thể thay thế cách làm thủ công với những bất cập nói trên bằng công nghệ thông tin? Không khó viện dẫn ra những khó khăn, khách quan và chủ quan để chối bỏ hay hoãn sự bắt đầu quá trình tin học hoá.
Chờ trang bị đầy đủ hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin ư? Đúng là hạ tầng này ở nước ta còn yếu. Nhưng thực ra nó đã và đang được đầu tư và phát triển. Theo bản ghi nhớ hợp tác xây dựng mạng giáo dục giữa hai vị bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo và Bưu chính Viễn thông vừa ký kết, trong năm 2003 sẽ tập trung kết nối Internet cho 1900 trường Trung học Phổ thông và tất cả các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp. Được vậy càng quý, nhưng ngay bây giờ với 250.000 thuê bao, hoặc truy cập Internet từ bất kỳ số điện thoại nào, 4.000 trạm dịch vụ Internet công cộng có mặt ở hầu hết tỉnh thành trong nước, chúng ta vẫn có thể nghĩ ngay đến việc tận dụng điều kiện sẵn có này để tin học hoá khâu hồ sơ tuyển sinh.
Cần khung pháp lý ư? Đây cũng là điểm tụt hậu của nước ta so với nhiều nước. Song không thể ngồi chờ đến lúc hoàn thiện một hệ thống quản lý "chính phủ điện tử", "thương mại điện tử" toàn quốc hoàn chỉnh. Trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, chúng ta đã từng bước "Internet hoá", như ký hợp đồng giữa các doanh nghiệp qua mạng, chuyển tiền giữa các ngân hàng qua mạng v.v... Chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội hiện nay cũng đang đề cập đến những văn bản pháp luật liên quan "chữ ký điện tử", "chứng từ điện tử", tức những cơ sở pháp lý sát sườn với chuyện HSTS đang quan tâm. Lẽ nào một quy định tạo hành lang pháp lý cho một mảng hành chính riêng rẽ, như khâu HSTS không nằm trong tầm tay của Bộ GD-ĐT.
Các khó khăn về nhân lực phần mềm máy tính chăng? Có thể "những sự cố phần mềm" trong mùa tuyển sinh "ba chung" đầu tiên làm nhiều người e ngại. Nhưng người xưa có câu rằng : "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao". Bây giờ, xin Bộ GD-ĐT thử tập hợp chất xám của toàn ngành, và nếu được phép, gọi cả những chuyên gia ngoài ngành, ở những đơn vị phần mềm khác nhau đang chờ công việc, cùng cạnh tranh lành mạnh hoặc hợp tác giải quyết, lẽ nào chúng ta không tìm ra lối thoát.
Thực ra, việc tin học hoá như vậy không còn mới mẻ đối với nhiều nước. Thậm chí một số trường đại học lớn ở Âu Mỹ từ lâu đã toàn cầu hoá khâu tiếp nhận hồ sơ qua mạng Internet. Tôi nghĩ rằng, vấn đề là mọi người, trước hết cấp có trách nhiệm trực tiếp có quyết tâm không. Vừa rồi Bộ GD-ĐT, trong đề án tuyển sinh, đã nhấn mạnh 1 trong 5 nguyên tắc lớn là: áp dụng và sử dụng công nghệ thông tin tối đa để phát triển. Đã đến lúc quyết tâm ấy phải thể hiện bằng hành động cụ thể, bằng định mốc thời gian và lộ trình chi tiết. Xã hội và trước hết là các bậc phụ huynh và con em chúng ta đang vật vã với cả một núi hồ sơ tuyển sinh mong chờ câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi: Bao giờ thi sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký dự thi qua mạng?
- Nguyễn Anh Tuấn