Chất vấn và trả lời chất vấn
Chất vấn và trả lời chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội là một sinh hoạt chính trị thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, một vấn đề gây không ít phiền muộn cho công chúng và cả Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cách hỏi và cách trả lời. Vừa dài dòng, khó hiểu, xa trọng tâm và trùng lắp.
Trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XI, thêm một lần nữa UBTV Quốc hội lại nhắc nhở đại biểu không phát biểu dài dòng. Việc hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, là một điệp khúc đã từng được nhắc nhiều lần, thế nhưng vẫn có những đại biểu trình bày câu hỏi của mình bằng cả một đoạn diễn văn, nếu người nghe thiếu tập trung tư tưởng sẽ không hiểu được đại biểu đó hỏi gì, đâu là trọng tâm của vấn đề cần phải trả lời... đó là một trong những lý do làm cho lịch làm việc của phần trả lời chất vấn thường xuyên bị "cháy".
Chất vấn và trả lời chất vấn không phải là một sinh hoạt mới. Quốc hội khoá XI đã qua 3 kỳ họp, các đại biểu Quốc hội ít cũng đã trải qua 3 kỳ chất vấn và trả lời chất vấn,nhưng xem ra khả năng diễn đạt câu hỏi một cách ngắn gọn, mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề vẫn còn là một vấn đề quá khó đối với nhiều đại biểu.
Người chất vấn đặt câu hỏi dài cũng có thể thông cảm, còn việc người trả lời trình bày dài dòng lại là một vấn đề đáng lo ngại. Thời gian cho mỗi bộ trưởng trên Hội trường chỉ có 90 phút để đối thoại với Quốc hội về các lĩnh vực mình phụ trách nhưng phần đọc diễn văn đã chiếm quá nửa thời gian đó. Trước hiện tượng đó, một số đại biểu đã thẳng thắn: Tầm bộ trưởng như vậy là chưa tới!
Nghe các đại biểu quốc hội chất vấn và các bộ trưởng trả lời chất vấn người dân thấy phấn khởi vì hầu hết những vấn đề nóng, gai góc đã được đặt lên bàn, không né tránh, không khoan nhượng, nhưng cách hỏi và cách trả lời xem ra còn quá dài dòng mà thời gian của Quốc hội không có nhiều. Để khắc phục được hiện tượng này, cùng với việc yêu cầu hỏi ngắn, trả lời gọn, Đại biểu Dương Trung Quốc đã đề xuất ý kiến khá hay: Các Bộ trưởng phải có thói quen trả lời chất vấn của ĐB QH thường xuyên chứ không phải chỉ mỗi năm chỉ xuất hiện ở hai kỳ họp.
Chúng ta có hệ thống truyền thanh, truyền hình lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ Quốc hội, mạng Internet cũng đang là một kênh truyền thông ngày càng phổ biến. Khi thực hiện những cuộc chất vấn một cách thường xuyên, những ý kiến dài dòng không còn là điều đáng lo ngại, người dân sẽ cảm thấy tin tưởng hơn vào những người đại diện của mình ở diễn đàn sinh hoạt chính trị dân chủ nhất của cả nước.
-
Phan Thế Hải